Vào buổi sáng ngày 2/9/1969, đây là buổi sáng cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác. Bởi sau 9 giờ sáng hôm ấy Người thực sự bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”, để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới một niềm đau thương, mất mát không thể nào diễn tả nổi bằng mọi ngôn từ.
Không gian của câu chuyện cũng chỉ thu nhỏ trong căn nhà A67. Căn phòng này cách ngôi nhà sàn của Bác chỉ vài chục bước chân. Trước đó, theo lời đề nghị của bác sỹ, để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe của Người, ngày 18/8/1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và những đồng chí trực tiếp chăm sóc Bác đã chuyển Bác xuống ở căn phòng này.
Sau gần 20 ngày chống chọi với bệnh tật, Bác đã yếu lắm. Nhưng hễ tỉnh lại là ngay lập tức, Người hỏi thăm tình hình chiến đấu ở miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người còn dặn các đồng chí trong Bộ Chính trị phải làm sao tổ chức ngày lễ Quốc Khánh thật long trọng để nhân dân vui, phải bắn pháo hoa cho nhân phấn khởi. Trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, đối diện với quy luật nghiệt ngã của sự tồn vong Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước, Bác “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Nằm trên giường bệnh, sáng 2/9, lúc này Người đã rất mệt, mong muốn cuối cùng của Người là được gặp và thăm đồng bào miền Nam không thực hiện được, hơi thở của người mỗi lúc một yếu dần. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và các bác sỹ không ai nỡ rời xa Người dù chỉ là một phút. Lần đầu tiên tỉnh lại sau cơn đau, Người nhìn xung quanh rồi hỏi:
- Trong các chú có ai biết hò Huế không?
Mọi người lúng túng nhìn nhau, quả là một tình huống không ai chuẩn bị trước. Thường ngày, Người vẫn thường nói “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”, thêm vào đó Huế vốn là mảnh đất gắn bó cùng Người suốt một thời gian dài tuổi thơ. Giờ đây, trong những phút cuối cùng, có lẽ Người mong muốn mang hình ảnh miền Nam yêu thương, hình ảnh núi Ngự, sông Hương với những kỷ niệm buồn theo mình vào cõi vĩnh hằng bất tử. Nỗi niềm ấy của người dường như ai cũng thấu hiểu, nhưng tìm nghệ sỹ hò Huế lúc này thật khó.
Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại hỏi. Lúc này giọng người đã yếu hơn nhiều:
- Trong các chú, ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được không?
Thêm một lần nữa sự im lặng và bối rối bao trùm căn phòng. Câu ví dặm câu hát dân ca xứ Nghệ đã bao bọc và nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thủa lọt lòng. Người lớn lên và đi ra thế giới từ chiếc nôi văn hóa quê hương mặn mòi tình nghĩa ấy. Trước giây phút sắp biệt ly Người khao khát được nghe, được sống trong hơi ấm quê hương.
Lần thứ ba tỉnh lại, Người ngỏ ý muốn nghe một khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, lần này thật may mắn khi cô y tá bé nhỏ Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Với chất giọng trong trẻo của người con gái Vĩnh Phúc, chị cất lời hát “ Người ở đừng về”… Căn phòng nhỏ chìm trong tiếng hát. Tiếng hát hay tiếng lòng! Không ai phân biệt được. Chỉ biết rằng lời quan họ sâu lắng, tha thiết quá. “Người ơi, người ở đừng về. Mà người ơi, người ở đừng về” đã nói hộ lòng người. Cô y tá càng hát càng nghẹn ngào, những người xung quanh không ai cầm được nước mắt.
Theo dự kiến ban đầu, sáng 2/9, Bác Hồ sẽ tham dự mít tinh Lễ Quốc khánh nhưng khi các nhà quay phim đang sẵn sàng thì được thông báo sức khỏe Bác không tốt, không thể tham dự lễ mít tinh. Và 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 trái tim vĩ đại của Bác Hồ đã ngừng đập, để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào cả nước. Sinh ra và lớn lên từ trong câu hát dân ca, từ điệu ví dặm ầu ơ ngọt ngào đằm thắm của mẹ, cuối cùng Người thanh thản nhẹ nhàng bước vào cuộc trường sinh bằng âm hưởng tiếng hát dân ca.
Sau này, chị Ngô Thị Oanh, cô y tá Viện Quân Y 108, Người hát khúc hát dân ca “Người ở đừng về” vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời Bác kể lại: Sau khi chị hát xong, Bác Hồ nhìn chị, chị cảm giác như Bác đang mỉm cười . Người còn bảo lấy bông hoa hồng bạch trên bàn mang tặng chị. Cử chỉ nhỏ mà ý nghĩa thật to lớn. Cho đến phút cuối đời, quên cả nỗi đau đang vò xé, Người vẫn giành trọn niềm yêu thương, sự quan tâm đặc biệt cho mỗi người. Và bông hoa hồng nhỏ bé ấy chị đã ép khô để luôn giữ và xem nó là vật kỷ niệm thiêng liêng theo chị suốt cả cuộc đời.