Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Nguyễn Du đã phải thốt lên một cách ai oán, lâm li, bi đát về thân phận của người "đàn bà" – người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa. Quả thưc, từ xưa đến nay, người phụ nữ chân yếu tay mềm là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong xã hội phong kiến, thân phận họ lại càng bị rẻ rúng hơn, cực khổ hơn. Cứ nhìn vào Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và nàng Kiều trong kiệt tác văn học Truyện Kiều của Nguyễn Du chúng ta sẽ cảm biết được một cách đủ đầy về số phận của họ.
Số phận của người phụ nữ xưa là một số phận đầy bi kịch: Đau khổ, bất hạnh, oan khuất tài hoa bạc mệnh . Hồng nhan đa truân.
Vũ Thị Thiết, người con gái thùy mị nết na, tư dung xuất sắc, vừa đẹp người vừa đẹp nết. Nhưng không có cuộc sống hạnh phúc. Nàng kết hôn với Trương Sinh – một người đàn ông nhà quyền lực, giàu có lại hay ghen. Vì vậy, sống trong gia đình đó, Vũ Nương luôn phải cố gắng không làm phật lòng chồng. Những người như nàng phải sống trong cái xã hội trọng nam khinh nữ, sống trong xã hội ấy, họ làm sao có thể có được cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc. Rồi họ còn là nạn nhân của những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Khi Trương Sinh phải đi ra chiến trường, nàng ở nhà vừa chăm con, vừa lo cho mẹ chông già yếu bệnh tật. Thế nhưng, nàng vẫn bị chồng nghi oan và cuối cùng chỉ biết chọn cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân mình.
Số phận vương Thuý Kiều là một tấn bi kịch, bi kịch tình yêu, mối tình đầu tan vỡ. Nàng phải bán mình chuộc cha, thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Hai lần tự tử, hai lần đi tu, hai lần phải vào lầu xanh, hai lần làm con ở quyền sống và quyền hạnh phúc bị cướp đoạt nhiều lần. Tấm lòng trong trắng, trinh bạch của người con gái tài sắc vẹn toàn như bèo dạt mây trôi. Suốt mười lăm năm đoạn trường lưu lạc, nàng Kiều đã phải chịu biết bao nhiêu cay đắng, tủi nhục dày vò bản thân. Nỗi đau đớn nhất của nàng là nỗi đau khi phẩm giá của con người bị chà đạp, lòng tự trọng bị sỉ nhục:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Tấm lòng trinh bạch lần sau xin chừa
Như cánh bèo trôi trên ngọn sóng, như cánh buồm trôi dạt trên biển khơi, cuộc đời Kiều trôi dạt, lênh đênh đến tận cùng của bến bờ khổ ải. Giữa trời cao bể rộng không có chỗ dung thân cho một con người, dù con người ấy chỉ có một nguyện vọng đơn giản là được sống bình yên bên cạnh cha mẹ, được yêu thương chung thủy với người mình yêu.
Chính xã hội phong kiến suy tàn đã biến những người phụ nữ tài sắc, đức hạnh như Vũ Nương và Kiều phải có cuộc sống bất hạnh, thân phận bèo bọt, nổi trôi như vậy !
Căm ghét xã hội phong kiến thối tha, mục ruỗng bao nhiêu, các nhà văn nhà thơ lại càng trân trọng, thương yêu, bảo vệ và ca ngợi phẩm giá của người phụ nữ bấy nhiêu.
Vũ Thị Thiết, được Nguyễn Dữ giới thiệu một cách trang trọng: "…người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Ngay từ đầu văn bản, chân dung nàng đã được hiện lên với sự ngợi ca, trân trọng của nhà văn. Không dừng lại ở đó, suốt chiều dài văn bản, người đọc bắt gặp một người con gái Nam Xương vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Nàng là một người mẹ hiền, người dâu thảo, người vợ chung thủy. Chồng đi chiến trận, nàng luôn giữ mình, thương nhớ chồng và một lòng chung thủy với chồng. Một tay Vũ Nương chăm sóc con thơ, chăm lo cho mẹ già vì thương nhớ người con trai của mình mà sinh ra đau yếu, bệnh tật. Có thể nói rằng, viết về nhân vật của mình, Nguyễn Dữ đã ca ngợi và rất trân trọng vẻ đẹp phẩm chất cao quý ấy.
Còn nàng Kiều thì sao, viết về Kiều, Nguyễn Du càng nâng niu, trân trọng:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Kiều là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, xét về nhan sắc trong nhân gian chỉ có Kiều là nhất, còn về tài năng thì ngoài nàng ra may ra có người thứ hai là Đạm Tiên. Ngòi bút của nhà thơ viết về Kiều có lẽ đã đạt đến độ cực đỉnh, không còn có một từ ngữ nào có thể miêu tả được về tài sắc của nàng nữa.
Bên cạnh cái tài, cái sắc, Nguyễn Du còn ca ngợi Kiều là một người có tình có nghĩa. Kiều là một người phụ nữ thủy chung, bị bán vào lầu xanh nhưng nguyện lấy cái chết để bảo vệ danh tiết cho mình. Nàng là một người con có hiếu, khi không hề nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân mình, sẵn sàng "bán mình chuộc cha", giúp gia đình thoát khỏi cơn hoạn nạn. Kiều làm tròn đạo hiếu, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.
Trong suốt quãng đời lưu lạc dài dằng dẵng, Kiều không bao giờ cam chịu, không bao giờ chịu khuất phục, trong ý thức, nàng luôn là "con người chống đối", là "kẻ nỗi loạn". Nàng vượt ra khỏi chốn lầu xanh ô nhục của Tú Bà, Bạc Bà, trốn khỏi chốn "hang hùm nọc rắn" của nhà quý tộc họ Hoạn, cuối cùng đến được với người anh hùng Từ Hải. Và cuối cùng nàng đã đền ơn, trả oán, minh bạch, công khai. Kiều là hiện thân của người phụ nữ có khát vọng tự do, công lý và chính nghĩa.
Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cao cả, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã miêu tả chân thực và đầy xót xa số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Viết về những người đàn bà bất hanh, đẹp người đẹp nết này, các nhà văn, nhà thơ đã dành một sự ca ngợi, một sự nâng niu vô bờ bến. Chúng ta cảm nhận được điều đó và càng thương xót cho thân phận của họ hơn bao giờ hết.