Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa. Để viết được một bài văn tự sự hay, mỗi học sinh đều phải có phương pháp làm bài đúng, trúng ý. Muốn viết được bài văn tự sự hiệu quả các em học sinh cần chú ý các bước quan trọng sau:
1. Nắm chắc được một số yếu tố của văn tự sự
- Cốt truyện là yếu tố đầu tiên của văn tự sự. Có thể coi đây là một trong những nét đặc trưng để phân biệt giữa văn tự sự với phương thức biểu đạt khác như văn miêu tả, văn nghị luận. Tùy mức độ dài ngắn của tác phẩm mà cốt truyện có thể phức tạp hoặc đơn giản, ít tình tiết hoặc nhiều tình tiết. Dù ở mức độ nào, cốt truyện của văn tự sự cũng phải đảm bảo gồm một chuỗi sự việc nối tiếp nhau trong một thời gian và không gian cụ thể, có nguyên nhân, diễn biến, mở đầu và kết thúc. Đặc biệt, cốt truyện phải có ý nghĩa nhất định. Chính sức hấp dẫn của truyện sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo nên thành công của tác phẩm.
- Sự việc trong văn tự sự cần phải được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể; do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,… Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.
- Nhân vật trong văn tự sự là người thực hiện các sự việc và là đối tượng được thể hiện trong văn bản. Nhân vật được thể hiện qua các mặt: tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm,… Trong bài văn tự sự của học sinh cũng có nhân vật nhưng các nhân vật xuất hiện rất mờ nhạt, không rõ đặc điểm (ngoại hình, tính cách). Các em chỉ quan tâm đến diễn biến câu chuyện. Vì vậy, trước hết hãy lựa chọn số lượng nhân vật phù hợp với cốt truyện, xác định nhân vật chính, phụ. Do bài văn của học sinh không dài nên số lượng nhân vật không cần quá nhiều, không quá ít đủ đề truyền tải nội dụng cốt truyện. Thứ hai, nhân vật dù chính hay phụ nên được miêu tả với chân dung cụ thể, có tên tuổi, vóc dáng, trang phục, diện mạo, tính tình. Thứ ba, nhân vật được xây dựng phải xuất phát từ những nguyên mẫu ngoài đời.
- Người kể có thể kể chuyện theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba, cũng có thể kết hợp cả hai ngôi kể trên. Cách viết lời kể, lời thoại cần phải biết cân nhắc, chọn lọc. Thực tế bài làm của học sinh cho thấy các em thường ít chú trọng lời kể cho linh hoạt, chỉ dùng lời kể đơn điệu. Thứ nhất, lời kể phải rõ ràng nhưng kín đáo, không nên quá dài dòng, hay hời hợt. Thứ hai, lời kể phải hết sức linh hoạt. Thứ ba, lời kể phải phù hợp với ngôi kể.
2. Lập dàn ý và sắp xếp bố cục
Việc lập dàn ý trước khi viết sẽ giúp học sinh hình thành ý theo một trật tự logic, rõ ràng, không bị sót ý, hay tránh được sự lặp lại, lủng củng. Lập dàn ý bài văn tự sự là dựng nên bộ khung cho câu chuyện mà mình sẽ viết hay sẽ kể. Muốn lập được một dàn ý tốt cần dự kiến đề tài, xác định các nhân vật, sự kiện, chọn và sắp xếp các sự việc, chi tiết tiêu biểu thành cốt truyện.
3. Vận dụng văn miêu tả trong văn tự sự
Thực tế cho thấy nếu trong văn tự sự chỉ chú trọng kể việc mà không quan trọng miêu tả thì câu chuyện sẽ thiếu sinh động, tẻ nhạt. Như vậy, khi làm bài văn tự sự ngoài việc quan tâm đến cốt truyện, hệ thống các chi tiết, sự kiện, các em cần chú ý sử dụng văn miêu tả hợp lý. Điều đáng nói là khi em dùng văn miêu tả trong truyện kể thì phải có sự lựa chọn, chỉ đan xen, bổ trợ để cốt truyện hay hơn, nhân vật thêm sinh động, dùng những từ ngữ có sức gợi tả, giàu hình ảnh, nhạc điệu.
4. Nắm chắc các dạng đề tự sự
Yêu cầu của mỗi dạng bài kể chuyện rất khác nhau nên học sinh phải nắm chắc cách làm bài của mỗi dạng văn để viết cho đúng. Cụ thể như:
Với dạng kể chuyện dân gian: Yêu cầu cốt truyện không thay đổi. Chú ý phần sáng tạo trong Mở bài và Kết luận.Diễn đạt sự việc bằng lời văn của cá nhân sao cho trong sáng.
Với dạng kể về người: Chú ý tránh nhầm sang văn tả người bằng cách kể về công việc, những hành động, sự việc mà người đó đã làm như thế nào. Giới thiệu về hình dáng, tính cách thể hiện đan xen trong lời kể việc, tránh sa đà vào miêu tả nhân vật đó.
Với dạng kể về sự việc đời thường: Biết hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế. Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện. Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.
Với dạng kể một câu chuyện tưởng tượng gồm có các dạng: Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian. Hoặc hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian, tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ.
– Xác định được đối tượng cần kể là gì? (sự việc hay con người)
– Xây dựng tình huống xuất hiện sự việc hay nhân vật đó
– Tưởng tượng các sự việc, hoạt động của nhân vật có thể xảy ra trong không gian cụ thể như thế nào?
5. Luyện tập viết các dạng đề mỗi ngày
Đơn giản là viết đi. Viết nhiều quen tay. Không phải tự nhiên mà cùng một chủ đề, cùng một thời gian viết mà có người lại viết được dài, có người chỉ vỏn vẹn một đoạn ngắn, có người viết hay, có người viết dở. Phải viết nhiều thì mới có thể quen và nảy sinh cảm xúc, phải viết nhiều thì tư duy viết mới được trau dồi và viết mạch lạc, hoàn chỉnh câu cú hơn. Với những bạn mới bắt đầu, hãy tập viết bằng những đoạn văn ngắn, hay nếu bạn thích kể chuyện, hãy kể, ghi lại những chuyện đời thường. Bạn có thể luyện viết bằng việc viết nhật ký hay đăng status trên mạng xã hội hằng ngày. Sau những trang nhật ký, hãy thử sức bằng việc viết về những vấn đề bạn hứng thú, những câu chuyện xã hội mang tính thời sự để nói lên quan điểm của bạn. Hay đơn giản là review cuốn sách mới đọc, bộ phim mới xem, trao đổi với bạn bè. Đây là một cách rèn luyện cách viết rất hiệu quả.
6. Đọc sách
Là một bước không thể thiếu khi học sinh muốn viết một bài văn tự sự hay. Đó là cách để học tập được cách kể chuyện từ cốt truyện, cách sắp xếp tình huống, hay lời thoại giữa các nhân vật từ các câu chuyện đó. Vì thế giới rộng lớn vô cùng, đọc để học hỏi, thu nạp thêm kiến thức hay thu nạp thêm cảm xúc không bao giờ là thừa.