Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật, chủ yếu là hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Một trong những phương diện thể hiện tài năng của nhà văn – người nghệ sĩ ngôn từ là am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm nhân vật.Miêu tả nội tâm trong tác phẩm văn học là tái hiện những suy nghĩ, cảm xúc, những băn khoăn trăn trở, những day dứt, suy tư, những nỗi niềm thầm kín và cả diễn biến tâm trạng của nhân vật.Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên sinh động, có hồn hơn. Nhà văn có thể miêu tả trực tiếp nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả qua cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục của nhân vật. Miêu tả nội tâm trực tiếp qua những lời độc thoại nội tâm. Tài năng của Nguyễn Du trước hết là để Kiều nhớ Kim Trọng trước nhớ cha mẹ sau rất hợp tâm lý của con người, hợp lô gic tình cảm. Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Nỗi nhớ Kim Trọng chủ yếu là liên tưởng ,hình dung và tưởng tượng. Nhớ cha mẹ chủ yếu là xót xa lo lắng thể hiện trách nhiệm và bổn phận của đạo làm con. Miêu tả nội tâm gián tiếp qua cảnh vật thiên nhiên (bút pháp tả cảnh ngụ tình).Cảnh thiên nhiên mênh mông hoang vắng và rợn ngợp qua 6 câu đầu thể hiện nỗi buồn và cô đơn của Kiều; Cảnh thiên nhiên trong 8 câu cuối thực sự là khung cảnh của bi kịch nội tâm. Mỗi cảnh vật thiên nhiên gợi những tâm trạng khác nhau trong lòng Kiều. Bức tranh thiên nhiên cũng là bức tranh tâm trạng. Nghệ thuật miêu tả nội tâm có vai trò trong việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật Kiều. Vẻ đẹp lòng hiếu thảo, thủy chung, ý thức về danh dự phẩm hạnh và thân phận cô đơn hoảng sợ của Kiều trước một tương lai đầy cạm bẫy.
Thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật là một phương diện để thể hiện tài năng của nhà văn, làm nên sức sống cho hình tượng nhân vật, cho tác phẩm văn học. Có lẽ Truyện Kiều sống mãi một phần bởi nghệ thuật miêu tả nội tâm sâu sắc của Nguyễn Du.