Vào một lần đi chơi, khát quá tôi rẽ vào quán nước ngồi, tại đây nghe cuộc nói chuyện của hai người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi, tôi phát hiện một trong hai người đó chính là nhân vật người lính trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu. Vốn là một người yêu văn học và thích nghe chuyện kháng chiến, tôi lân la bắt chuyện với ông. Rồi ông kể cho tôi nghe những ngày tháng gian khổ nhưng cũng đầy ắp kỉ niệm ấy. Ông như chìm vào quá khứ: tôi kể cô nghe, những ngày đầu mới vào quân đội bỡ ngỡ lắm, đâu đâu cũng là những khuôn mặt xa lạ. Nhưng chỉ một hai ngày sau là chúng tôi đã quen dần với nhau và thân thiết lúc nào không hay bởi hóa ra chúng tôi đều là nông dân cả. Gớm, chẳng là chúng tôi đều nhớ quê hương với cái gốc đa giếng nước, cùng chung nỗi nhớ lại còn cùng chiến đấu giết giặc sao không thân cho được. Chúng tôi, những người đồng chí đều cùng nhau mắc căn bệnh sốt rét, da vàng vọt xanh xao, mặt đứa nào đứa nấy xanh như tàu lá chuối nhìn vừa xót vừa buồn cười. cái thời ấy nào có quần áo đẹp như bây giờ đâu, đứa rách áo, đứa rách quần nhìn tàn tạ lắm. Nhớ những lần chúng tôi phải trực đêm trong sương mù rét buốt, bủn rủn cả chân tay nhưng vẫn phải dựng thẳng cây súng. Cô đừng tưởng thế là khổ, gác đêm như vậy tuy khó khăn nhưng được ngắm trăng vằng vặc trên núi lãng mạn biết bao. Bấy giờ chúng tôi đứng bên cạnh nhau tuy chẳng nói câu gì nhưng vẫn ấm áp lạ thường. Đấy, cái tình đồng chí nó thiêng liêng thế đấy. Đến bây giờ vẫn chẳng thể nào quên. Rồi ông như tỉnh dậy từ trong mộng cười hà hà với chút kỉ niệm vừa thoáng qua. Nghe xong câu chuyện của ông lòng tôi nao nao lạ thường. Thế ư? Cuộc sống của những người lính ấy từng đẹp vậy sao?