Nếu có thể đo xương máu tiền nhân
Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được
Bao người mẹ, người vợ, người em - nước mắt
Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng
Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm...
Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ
Những bờ đê chắn lũ, ngăn thù
Cùng bọc trứng trăm con đi muôn ngả
Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn biển xa…
“Trong lịch sử vệ quốc hàng nghìn năm, trước là thế lực phương Bắc, rồi gần đây là Pháp, Mỹ đã có biết bao sự hy sinh của các thế hệ nghĩa sĩ, liệt sĩ mà không thể nào đong đếm được. Cùng với sự hy sinh xương máu ấy là biết bao nước mắt của những người mẹ, người vợ, người chị, người em khóc cho người thân của mình đã ngã xuống trên các chiến trường”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ nỗi niềm trước những mất mát của biết bao thế hệ ông cha.
Ào ạt mấy ngàn năm... Thánh Gióng
Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà
Câu thơ thần nhuộm đỏ sông Như Nguyệt
Đỏ Bạch Đằng cuồn cuộn sóng bể xa
Mấy ngàn năm... Vọng Phu xứ Bắc
Phụ Tử bùi ngùi doi đất trời Nam...
Trong bài thơ “Trước nàng Tô Thị” nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ từng viết về hình ảnh người vợ ngóng chồng trên núi Vọng Phu:
Sau ngàn năm, sau vạn năm
Tôi theo câu hát xa xăm tìm về
Nẻo đường hun hút sơn khê
Vọng canh gió núi vỗ về lời ru
Chiều nao khói lửa mịt mù
Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời.
“Không phải ngẫu nhiên mà lại có truyền thuyết Thánh Gióng, một cậu bé lên 3 nhưng khi nghe sứ giả triều đình thông báo giặc Ân cướp nước ta thì đã đứng dậy, cưỡi ngựa, mặc giáp, nhổ tre quật vào đầu quân xâm lược. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ở hai đầu đất nước lại có núi Vọng Phu, có hòn Phụ Tử. Phải chăng truyền thuyết hòn Vọng Phu là nỗi niềm của người chinh phụ ngóng chồng, ngóng người chinh phu nơi biên ải chưa trở về. Đất nước đã đi qua hàng nghìn năm lịch sử, qua bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc, mỗi cuộc chiến tranh lại như một cơn “giông lốc” dày xéo xóm làng. Nhưng bao “giông lốc” ấy không đè bẹp được dân tộc ta, mà chính những mất mát chia ly trong “giông lốc” ấy dân tộc ta lại viết nên những trang sử hào hùng, để mỗi thế hệ tiếp sau luôn tự hào về lớp lớp cha anh mà noi theo gương sáng.”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ những suy nghĩ của mình về hình ảnh trong các truyền thuyết dân gian, những truyền thuyết đã làm nên cốt cách, bản lĩnh của một dân tộc anh hùng.
Những cuộc chia ly, những vành khăn trắng
Chẳng nguôi ngoai dù xác giặc chất chồng
Chẳng thể dịu nỗi Rạch Gầm, Xoài Mút
Hiền Lương, Khâm Thiên, Sơn Mỹ, Thổ Chu
Máu Vị Xuyên, Gạc Ma bầm chát
Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu…
Mạch thơ dẫn từ những truyền thuyết, những dấu ấn lịch sử hào hùng của hơn 4.000 năm cho tới cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc và những ngày hòa bình của hôm nay. Có thể nói khắp nơi trên thế giới, không đất nước nào như Việt Nam, nơi mỗi làng xã đều có một nghĩa trang liệt sĩ. Hình tượng người lính bảo vệ đất nước trong hơn 4.000 năm lịch sử luôn có cả sự hào hùng và bi tráng, chiến thắng luôn gắn liền mất mát, chia ly.
Những câu thơ ẩn chứa lời nhắc nhở thế hệ cháu con về giá trị của hòa bình. “Sâu trong những câu thơ bi tráng là niềm tự hào về những trang sử hào hùng, về lịch sử vẻ vang của cha ông hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, là một nỗi niềm Tổ quốc chưa thực sự bình yên khi vẫn còn đó những cơn “giông bão” ở biển Đông, Hoàng Sa vẫn chưa về với đất mẹ”. Nhà thơ chia sẻ về tiếng gọi được cất lên ở những câu cuối của bài thơ, tiếng gọi “Ôi Tổ quốc” thiêng liêng trọn vẹn, là nỗi niềm của tác giả, của các thế hệ cháu con với Tổ quốc, biển đảo quê hương. "Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc
Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa
Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão
Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà”.
Tin tưởng vào thế hệ trẻ.
Những nỗi niềm đau đáu về Trường Sa, Hoàng Sa và một nền hòa bình chưa trọn vẹn của Tổ quốc đã được nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ thể hiện trong nhiều bài thơ trước đó. Trong bài thơ “Bâng khuâng Trường Sa” tác giả cũng viết về nỗi niềm ấy.
Đêm không ngủ, Trường Sa đêm trở gió
Gió hồng hoang ào ạt phía làng xa
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Ấp cờ đỏ lên tim, mắt bỗng lệ nhòa…
Sự tri ân đối với các thế hệ cha anh cũng chính là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về tình yêu quê hương đất nước, về Tổ quốc thiêng liêng. Bên cạnh những nỗi niềm, nhà thơ luôn bày tỏ niềm tin vào thế hệ trẻ. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, dựng nước và giữ nước là hai việc luôn song hành để tạo nên sức mạnh đương đầu với những cuộc chiến tranh xâm lược.
Câu thơ cuối “Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà” cũng như hình ảnh “câu thơ yên ngựa” xưa, đó là sự thể hiện khát vọng hòa bình. Cùng với binh đao để bảo vệ đất nước, cây bút là hình ảnh thể hiện nền văn hiến, là truyền thống văn hóa, tinh thần, tình đoàn kết dân tộc, bản lĩnh văn hóa làm nên cốt cách của một dân tộc để xây dựng đất nước.
“Những lớp người đi trước luôn có những lo lắng đối với thế hệ trẻ, không biết tương lai liệu họ có làm được sứ mệnh như lớp cha ông, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng tôi thì luôn có niềm tin vào thế hệ trẻ ngày nay, họ sẽ tiếp nối một cách xứng đáng những truyền thống vẻ vang của cha ông, dân tộc”, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về niềm tin của mình đối với thế hệ trẻ, với tương lai của đất nước.