Mặc dầu người phụ trách trực tiếp tổ chức VNQPH tại Trung Kỳ kể từ năm 1912 là cụ Phan Bội Châu luôn ở hải ngoại, nhưng những nhà hoạt động có uy tín lớn tại các tỉnh Trung Kỳ vẫn giữ liên lạc khá thường xuyên với Tổng hội và cụ Phan Bội Châu, tích cực vận động quyên góp tiền nong và gửi thanh niên ra nước ngoài ăn học, gây dựng cơ sở cách mạng trong các đơn vị binh lính người Việt trong quân đội Pháp, chờ đợi lực lượng Quang Phục quân từ hải ngoại kéo về để thực hiện “nội công ngoại ứng”.
Thực hiện kế hoạch của Tổng hội, một cuộc vận động tổ chức lực lượng để tiến đến phát động khởi nghĩa ở Trung Kỳ được triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh, thu hút sự tham gia của các nhà yêu nước và quần chúng nhân dân, kéo dài từ đầu năm 1914 đến đầu tháng 5-1916.
Về mặt tổ chức, hội nghị lần thứ nhất của VNQPH ở Trung Kỳ do Thái Phiên và Lê Ngung chủ xướng diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 3-1914. Hội nghị lần thứ hai diễn ra tại Huế vào tháng 9-1915 do Thái Phiên chủ trì. Hội nghị lần thứ ba cũng diễn ra tại Huế vào cuối tháng 2-1916, với sự có mặt của các nhân sĩ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình do Thái Phiên, Trần Cao Vân chủ trì, chính thức quyết định tiến hành khởi nghĩa với một chương trình kiến quốc cụ thể.
Đặc biệt, sau ngày Thái Phiên và Trần Cao Vân tiếp xúc với vua Duy Tân giữa tháng 4-1916 tại Huế, VNQPH ở Trung Kỳ còn tổ chức một hội nghị toàn kỳ vào cuối tháng 4-1916 tại tỉnh Quảng Ngãi với sự có mặt của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Ngung, Nguyễn Thụy (thường gọi là cử Sụy) để bàn bạc lại ý kiến của nhà vua về thời điểm tiến hành khởi nghĩa.
Qua các kỳ hội nghị, VNQPH ở Trung Kỳ đề ra chủ trương phát động cuộc khởi nghĩa, phân công phụ trách cụ thể từng vùng cho các yếu nhân, đồng thời vạch ra phương án dự phòng khi thất bại thì rút về các căn cứ miền núi ở Bà Nà và Tây Nguyên để cố thủ. Tuy nhiên, do nhân sự chủ chốt và ảnh hưởng của VNQPH không đều trên địa bàn Trung Kỳ, nên kế hoạch khởi nghĩa được khoanh vùng từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, bao gồm cả Tây Nguyên.
VNQPH chủ trương kiểm soát và chỉnh đốn chặt chẽ các tổ chức quần chúng ở địa phương, các đơn vị lính Nam triều, nhất là đội lính mộ sắp đưa sang Pháp, huy động sức người, sức của để súc tích lực lượng và chế tạo vũ khí, mua sắm quân nhu, đúc 4 ấn Kinh lược cho 4 vùng là Bình-Trị, Nam-Ngãi, Bình-Phú, Khánh-Thuận.
Đặc biệt, VNQPH ở Trung Kỳ còn phân công cụ thể Thái Phiên làm Tổng chỉ huy hợp cùng Trần Cao Vân làm Quân sư phụ trách đánh chiếm Huế; Lê Đình Dương làm Tổng trấn Quảng Nam, Phan Thành Tài làm Kinh lược sứ Nam - Nghĩa, Lê Ngung làm Nam - Nghĩa dĩ nam chư tỉnh Kinh lý, hợp cùng các chí sĩ Đỗ Tự, Nguyễn Thụy, Phạm Cao Chẩm phụ trách ở Quảng Nam - Quảng Ngãi cùng các tỉnh Bình Định, Kon Tum và những tỉnh phía nam; Khóa Bảo tức Nguyễn Hữu Đồng làm Lãnh binh phụ trách ở Quảng Trị; Nguyễn Chính ở Quảng Bình...
Sau những lần hội nghị, VNQPH ra sức tuyên truyền, xây dựng, phát triển lực lượng nghĩa binh ở các phủ, huyện, tổng, xã trên địa bàn để chuẩn bị khởi nghĩa, sôi nổi nhất là ở Nam-Ngãi.
Ở Đà Nẵng, tên Chí sĩ Thái Phiên đã được đặt tên thành phố, tên đường và cả trường học. TRONG ẢNH: Ban giám hiệu Trường THPT Thái Phiên dâng hương trước tượng chí sĩ. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ Đêm mồng 3-5-1916, cuộc khởi nghĩa quy mô lớn với sự tham gia của vua Duy Tân do VNQPH tổ chức đã nổ ra tại Huế và nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung. Dù có sự chuẩn bị rất công phu qua nhiều năm trước lúc khởi sự, nhưng khởi nghĩa đã thất bại ngay trong đêm khởi động.
Ngoài cuộc tấn công vũ trang của lực lượng nghĩa binh ở phủ Tam Kỳ vào phủ đường và trụ sở Đại lý hành chính của Pháp ở đó, cũng như vua Duy Tân đã được quân khởi nghĩa đưa ra khỏi Kinh thành Huế theo kế hoạch, phần còn lại ở các tỉnh miền Trung gần như đều chưa kịp hành động vì bại lộ cơ mưu, bị thực dân đàn áp, các yếu nhân và vua Duy Tân đều bị bắt.
Cuộc khởi nghĩa của VNQPH ở Trung Kỳ được chính thực dân Pháp đề cập qua “Báo cáo về tình hình Trung Kỳ” trong khóa họp thường kỳ năm 1916 của Hội đồng Chính phủ Đông Dương như sau:
“Tại Quảng Ngãi xuất hiện nhiều tốp nghĩa binh, khá đông, vũ trang bằng dao và mác, đã vận động suốt đêm ngày, tại nhiều địa điểm trong tỉnh và với tư thế sẵn sàng chiến đấu; tại Quảng Nam có khoảng từ 250 đến 300 nghĩa binh, chia làm hai nhóm, đã công khai tấn công một đội lính tại địa hạt Tam Kỳ rồi rút lui an toàn; xung quanh bến cảng Đà Nẵng và Hội An cũng xuất hiện nhiều tốp nghĩa binh, với tư thế sẵn sàng chiến đấu; riêng tại Huế có khoảng 50 thủ lĩnh nghĩa quân trong số này từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đến để vận động, tổ chức nghĩa quân chuẩn bị tấn công tiểu đoàn thứ 16 để cướp vũ khí; trong khi đó, ở quanh thành Huế, xuất hiện nhiều tốp nghĩa quân, mỗi tốp chừng 50 đến 80 người, đóng rải rác khắp các cánh đồng, sẵn sàng chờ lệnh tấn công thành Huế; số thủ lĩnh này đã họp kín với vua Duy Tân vào hồi 10 giờ đêm ngày 3-5-1916, và vua Duy Tân đã ra lời kêu gọi quan lại, sĩ dân nổi dậy khởi nghĩa”.
Ngày 17-5-1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân cùng các thị vệ của vua Duy Tân là Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị thực dân Pháp áp giải đến pháp trường Cống Chém ngoài cửa An Hòa của Kinh thành Huế để hành hình. Sau khi bị xử tử, thi hài các nhà ái quốc được chôn tại một bãi đất gần Cống Chém, có lính canh gác để chặn bắt những người tới thăm viếng hay đào trộm thi thể.
Tháng 6-1925, một nữ đồng chí trong tổ chức VNQPH là bà Trương Thị Dương bí mật thuê người bốc hài cốt hai cụ Thái - Trần qua bờ nam sông Hương, tẩm liệm vào hai tiểu sành và chôn cất gần chùa Châu Lâm, thuộc làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên. Nhưng do bị lộ, nên 11 ngày sau bà Dương dời mộ đến đồi thông nằm giữa chùa Châu Lâm và chùa Từ Hiếu ở làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế), chôn chung hai cụ trong một nấm để tránh sự nghi ngờ của địch. Mãi đến năm 1956, bà Dương mới kể lại cho con cháu biết nguyên ủy ngôi mộ chung, rồi dựng tấm bia nhỏ bằng xi-măng để định danh vị công khai cho hai cụ.
Sau năm 1975, ngôi mộ chung của hai chí sĩ được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử quốc gia qua Quyết định số 575QĐ/VH của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ngày 14-7-1990, được tu bổ, tôn tạo khang trang hơn trước với chiều rộng hơn 5m, dài 6m, giữa là nấm mộ tròn, sau là ngọn tháp ghi hai dòng chữ Hán lớn: “Trần Cao quý công, Thái Duy quý công”. Tấm bia dựng trước mộ ghi mấy dòng chữ Hán nhỏ: “Bính Thân nhị nguyệt cát nhật - Phụng vị - Trần Cao quý công, Thái Duy quý công - Chi mộ” như nội dung bia bà Dương đã lập.
Cuộc khởi nghĩa của VNQPH ở các tỉnh Trung Kỳ do hai chí sĩ quê Đà Nẵng - Quảng Nam là Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, với sự tham gia của vua Duy Tân, đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi của dân tộc, tiếp nối bản hùng ca bất khuất trước ngoại xâm của cha ông.