Nhắc đến Tranh Đông Hồ của Việt Nam, chắc hẳn ai cũng đều ấn tượng bởi nét vẽ mộc mạc, giản dị, chân thật, phản ánh một cách thân thương những nét văn hóa, sinh hoạt của dân tộc Việt. Bởi vậy, có thể nói Tranh Đông Hồ có một sức sống lâu bền, mãnh liệt đối với nhiều thế hệ không chỉ người Việt Nam mà còn với cả những du khách nước ngoài yêu thích nền văn hóa mộc mạc, thân thương ấy. Mỗi bức tranh của Tranh Đông Hồ là hình ảnh của con gà, con cóc, con chuột, con trâu, đi bừa, hứng dừa, đàn lợn, đấu vật, bịt mắt bắt dê,... Đó là những con vật, những trò chơi, những nếp sinh hoạt từ thời xa xưa… Mỗi bức tranh đều được thể hiện qua những nét vẽ dân gian mang đậm dấu ấn cổ truyền, khiến cho mọi người mỗi khi nhìn ngắm, lại bùi ngùi xúc động, nhớ về tuổi thơ với bao trò chơi hay ho, bao lần chăn trâu cắt cỏ, thả diều, vui đùa. Nhà thơ Hoàng Cầm cũng từng rưng rưng xúc động, xót xa khi nhớ về những nét đẹp truyền thống của quê hương khi thể hiện bài thơ “Bên kia sông Đuống”
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?“
Tranh Đông Hồ không chỉ đơn thuần còn là những bức tranh thể hiện nét đẹp văn hóa, mà nó còn trở thành niềm tự hào của người Việt, là dấu ấn của người Việt khắc lên kho tàng lịch sử nghệ thuật huy hoàng của thế giới. Để mỗi thế hệ sau, dù không còn được chứng kiến thời khắc huy hoàng của làng tranh truyền thống, cũng vẫn có thể tự hào, ngẩng cao đầu khi giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét văn hóa xa xưa của Việt Nam.