Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nông nghiệp đã đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng khá cao với 3,76%. Ðây là mức tăng trưởng cao nhất trong bảy năm qua đã khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, BÐKH và các hiện tượng thiên tai cực đoan, dị thường không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu ở Việt Nam sẽ tác động rất lớn tới nông nghiệp nước ta. Ðiển hình riêng năm 2018, thiên tai xảy ra ở Việt Nam liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau bảy năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền trung và đồng bằng sông Cửu Long… gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050… dự báo đến năm 2100, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập 89.473 héc-ta, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...
Nông nghiệp rất dễ bị tổn thương trước thiên tai do phụ thuộc nhiều vào khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và thương mại toàn cầu. BÐKH làm gia tăng thiên tai và gia tăng những rủi ro này. Nhưng rủi ro cũng một phần là do việc lập kế hoạch chưa tốt, gây ra áp lực về tài nguyên đất và nước, gây suy thoái hệ sinh thái, di cư và gia tăng căng thẳng xã hội và khả năng dễ bị tổn thương của người dân, đặc biệt là người nghèo. Ðầu tư có hệ thống và hiểu rõ những rủi ro này sẽ bảo đảm cho các hành động hiệu quả.
BÐKH và thiên tai ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, bởi vậy việc thích ứng của hệ thống tưới phải được tính toán cẩn thận và đáp ứng được lượng nước tối ưu cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng. Sự biến đổi trong mùa mưa dẫn đến tần suất hạn trong mùa hè và lụt trong mùa thu sẽ tăng lên, hạn hán, bão lũ… sẽ tác động ngày một mạnh hơn. Một số cây nguyên chủng trong vĩ độ cao sẽ mất dần đi (các cây rau màu vụ đông có nguồn gốc ôn đới và á đới) sẽ được thay thế bởi một loạt các cây trồng nhiệt đới điển hình khác. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn những hạn chế trong thích ứng với nông nghiệp như: việc canh tác không đúng kỹ thuật làm tăng lượng khí CO2, giảm nguồn hữu cơ cho đất, tăng xói mòn, làm tăng sự mất mát ni-tơ trong đất. Công tác dự báo, cảnh báo sớm còn hạn chế dẫn đến việc kịp thời ứng phó, thích ứng ngành nông nghiệp nói chung cũng như cây trồng gặp nhiều khó khăn…
Ðã có nhiều giải pháp được xây dựng nhằm giúp lĩnh vực nông nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường, tuy vậy, để các giải pháp này thật sự phát huy tác động, cần nhận diện sâu hơn về đối tượng cũng như xu hướng của BÐKH. Trước hết là tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trước tác động của BÐKH, nước biển dâng; khu vực nông nghiệp và người nông dân là những đối tượng tổn thương đầu tiên từ những thách thức này, một nguy cơ mà xu hướng trong những năm gần đây càng ngày càng cực đoan. Thứ hai là chuỗi liên kết giá trị nông sản trong sản xuất còn lỏng, quy mô còn nhỏ lẻ dẫn đến sức cạnh tranh, năng suất, hiệu quả kinh tế còn thấp. Thứ ba là những biến động của thị trường xuất khẩu, dẫn đến những rủi ro về mặt thị trường.
Tìm giải pháp ngắn hạn và lâu dài
Hiện Bộ NN và PTNT đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ðịnh hướng phát triển nền nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH… Ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu phải nghiên cứu sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, sản xuất lúa thích ứng với BÐKH, có chất lượng và giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tại các vùng trồng lúa trọng điểm. Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, nông nghiệp ven đô, nông lâm kết hợp, trồng trọt và du lịch sinh thái. Ðặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau màu, cà-phê, chè) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn hán) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) được chú trọng để vẫn duy trì được năng suất cây trồng.
Về lâu dài, khi mà BÐKH sẽ khiến các vùng đất bị hoang mạc hóa hay ngập lụt thì phải bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BÐKH. Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (EPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu, che phủ bằng thảm thực vật…
Ðối với nhóm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng hệ số phát thải quốc gia cho lúa và cây trồng cạn phục vụ nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính… Bên cạnh nghiên cứu và triển khai 24 mô hình trình diễn ứng dụng các kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp để giảm tác động của BÐKH cho năm loại cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, lạc, mía) tại ba vùng: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng và duyên hải miền trung. Các mô hình này thành công sẽ tạo hướng đi mới trong canh tác, góp phần bảo vệ đất, ổn định năng suất, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho nông dân…
Viện Môi trường nông nghiệp đã xây dựng 12 quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi của BÐKH như hạn hán, ngập úng, xâm lấn mặn, rét hại… Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính... Ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu phát triển các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu để nâng cao giá trị. Phát triển các mô hình chăn nuôi hỗn hợp như mô hình vườn ao chuồng (VAC), mô hình sản xuất lương thực và năng lượng từ chăn nuôi (IFES), mô hình thích ứng chăn nuôi dựa vào sinh thái (EbA), thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP), nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA), chăn nuôi công nghệ cao và khép kín.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |