Mỗi khi nhắc đến hai từ "hạnh phúc", chúng ta lại có nhiều điều cần phải bàn, hạnh phúc là gì, làm thế nào để hạnh phúc, tại sao chúng ta cần phải được hạnh phúc?... dường như phạm trù hạnh phúc rất rộng và cách định nghĩa hạnh phúc ở từng cá nhân cũng không giống nhau. Tôi đã từng nghe một câu hỏi rất hay như thế này: "Hạnh phúc là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng mình?", sự phân vân giữa hai lựa chọn, hai quan niệm về hạnh phúc bỗng khiến tôi hiểu ra được nhiều điều, và hơn cả hạnh phúc vẫn phải là sự tổng hòa giữa cá nhân và cộng đồng.
Hạnh phúc là một cảm giác tuyệt vời, là thứ mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Có thể nói con người sinh ra ai cũng luôn có một bản năng khao khát và ham muốn được hạnh phúc, chứ chẳng có ai mưu cầu khổ đau cả. Hạnh phúc ấy đối với mỗi cá nhân lại có một dáng vẻ khác, người thì cho rằng hạnh phúc là có cuộc sống sung túc đủ đầy, người thì lại cho rằng hạnh phúc đến từ những điều giản đơn, từ tình yêu từ tình thân, cũng có người hạnh phúc là khi được sống có ích, được hy sinh cho người khác, hoặc hạnh phúc là khi đã đạt được ước mơ, lý tưởng,... Nhưng chung quy lại, hạnh phúc chính là cảm giác hưng phấn, vui vẻ khi được thỏa mãn những nhu cầu của bản thân mỗi con người. Hạnh phúc giúp con người ta có thêm niềm tin, động lực vào cuộc sống, là cơ sở, nền tảng để con người phấn đấu và nỗ lực hơn trong cuộc đời, sáng tạo ra những giá trị mới có ích cho xã hội. Có thể nói hạnh phúc chính là cái đích cuối cùng trong những chặng đường đời đầy khó khăn, vất vả của mỗi cá nhân.
Như vậy hạnh phúc là đem đến niềm vui cho người khác hay là chính sự hài lòng của bản thân mình? Một câu hỏi rất khó nhưng cũng rất dễ để trả lời, theo cá nhân tôi hạnh phúc phải là sự tổng hòa giữa hai yếu tố ấy và quan niệm nào cũng đều có ý nghĩa và đạo lý của riêng nó cả. Thứ nhất, hạnh phúc là đem niềm vui đến cho mọi người, thì có một câu nói rất hay của Sếch-Xpia rằng: "Bàn tay ta tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm". Có thể thấy rằng khi chúng ta sống nhân hậu, vị tha, luôn có mong muốn cho đi mà không cần nhận lại, thì chính bản thân chúng ta cũng cảm thấy thật vui vẻ, điều ấy xuất phát từ lòng hướng thiện, từ cảm giác được sống cống hiến và có ích cho cuộc đời. Thứ mà chúng ta còn lưu lại sau khi được cho đi đó là những kỷ niệm, những điều ý nghĩa mà hành động của chúng ta mang lại. Như vậy khi chúng ta biết hy sinh vì mọi người, đem đến niềm vui cho người khác thì cái mà chúng ta nhận lại chính là sự hạnh phúc, sự vui vẻ. Thêm vào đó tâm hồn của chúng ta sẽ càng ngày càng được nuôi dưỡng trở nên hoàn thiện hơn và chính bản thân chúng ta cũng trở nên đẹp hơn về cả ngoại hình lẫn tính cách, có câu "tâm sinh tướng".
Đồng thời, xuất phát từ bản năng thì con người vẫn luôn muốn được hạnh phúc, được yêu thương, thế nên chúng ta vẫn luôn cố để thỏa mãn, làm hài lòng những ước muốn của bản thân. Mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, mong muốn đạt được những thành công, tay chạm tới ước mơ, lý tưởng, muốn có một tình yêu đẹp, một ngôi nhà nhỏ, một cuộc sống tự tại,... Đó đều là những sự hài lòng mà mỗi cá nhân vẫn phấn đấu hằng ngày để đạt được, dẫu biết rằng trước khi tới được đích của hạnh phúc thì phải trải qua rất nhiều khó khăn, rất nhiều thử thách, có khi phải đổ cả máu cả nước mắt. Nhưng để có được hạnh phúc xứng đáng với bản thân, thì mọi nỗ lực, cố gắng đánh đổi đều trở nên có giá trị, hơn thế nữa trên con đường ấy ta cũng thu về cho bản thân được nhiều bài học quý giá, nhiều kỷ niệm, mới biết được ai là người luôn tốt với ta, ai là người luôn bên cạnh ta. Nhưng để có được hạnh phúc chúng ta phải tự biết hài lòng với cuộc sống của mình, chứ cứ mãi đuổi theo những thứ viển vông, thì bạn sẽ mãi sống trong một cuộc sống mệt mỏi, lo toan.
Trong cuộc sống này, mỗi cá nhân đều là một phần tử cấu tạo nên tập thể và một tập thể không thể tồn tại nếu như không có sự chung tay xây dựng của mỗi cá nhân. Và quan niệm về hạnh phúc cũng như vậy, hạnh phúc của mọi người và hạnh phúc của cá nhân là mối quan hệ biện chứng, có tác động qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ. Chúng ta sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc khi những người xung quanh gặp bất hạnh khổ đau, mà chỉ khi chúng ta thấy mọi người đều vui vẻ thì hạnh phúc của chúng ta mới có thể trọn vẹn được. Ví như, khi chúng ta rất vui vì được bố mẹ cho kẹo, nhưng bạn của chúng ta lại không có kẹo ăn, bạn chúng ta rất buồn, điều đó thôi thúc chúng ta chia kẹo cho bạn, khi thấy bạn vui vẻ chúng ta bỗng thấy bản thân trở nên hạnh phúc hơn cả. Bởi khi ấy đã có sự tổng hòa giữa hai yếu tố là làm người khác vui và niềm vui của người khác chính là sự hài lòng của riêng bản thân chúng ta.
Tuy nhiên ngày nay, vẫn còn có rất nhiều người có lối sống vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, mặc kệ những người xung quanh đang sống thế nào. Mục tiêu về hạnh phúc của họ chỉ có một, ấy là làm hài lòng tất cả những nhu cầu của bản thân, mặc cho những việc họ làm có thể gây hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, thậm chí là không từ thủ đoạn để có thể đạt được mục đích, để thỏa mãn những tham vọng cá nhân. Đó là một lối sống tệ, là lối sống vô cảm không biết hòa nhập với xã hội, người như vậy dễ bị cô lập trong cuộc sống, dẫu họ có thể thành công, nhưng khi đứng trên đỉnh cao danh vọng thì cái họ nhận được chỉ là sự cô đơn cùng cực, như vậy là hạnh phúc sao?
Tóm lại mỗi một con người sống trên đời này đều có quyền được hạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc, thế nhưng chúng ta phải ý thức rõ được làm thế nào để có thể hạnh phúc, phải biết cân bằng giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc của những người xung quanh. Có như thế chúng ra mới có thẻ có một cuộc sống với niềm hạnh phúc đúng nghĩa và trọn vẹn.