Cuối năm 1963 tôi từ Hội An ra Huế để nhận lại tập thơ Quê Nhà và giấy phép xuất bản tại nha thông tin Trung Việt. Quê Nhà là những bài thơ chống chiến tranh tôi làm trong hai năm 1962 – 1963. (Lúc bấy giờ trong đầu tôi chưa có từ phản chiến). Tôi tìm gặp Đinh Cường để nhờ vẽ tranh bìa và trình bày các thứ. Lúc bấy giờ Thích Nhất Hạnh chưa nghẹn ngào thông báo: “Sáng nay vừa thức dậy / nghe tin em gục ngã / trên chiến trường… để rồi: “ Giọt mưa trên lá / nước mắt mẹ già / lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá”. Lúc bấy giờ Thái Luân chưa phẫn nộ tố cáo: “… giết người mà lên lon”. Lúc bấy giờ “đại bác” chưa “ru đêm”, “người” chưa “chết hai lần,” “đàn bò” chưa “vào thành phố” như Trịnh Công Sơn mô tả và cảm nhận năm, sáu, bảy, tám, chín năm sau.
Lúc bấy giờ Huế, Sài Gòn và khắp nơi trong các đô thị miền Nam hừng hực lửa đấu tranh của hai phong trào có mục tiêu ý thức hệ riêng, nhưng tình tự dân tộc thì nhập nhằng duyên nghiệp, nợ nần mắc míu: Phong trào Phật giáo do giáo hội miền Trung khởi xướng, và Phong trào Đô thị do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đinh Cường không tham gia phong trào nào, nhưng bạn bè và những người quen biết gần xa như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Hữu Ngô, Trần Quang Long… chẳng bao giờ vắng trong các cuộc hội thảo, mít tinh và các cuộc lên xuống đường của sinh viên, học sinh và trí thức Huế.