Trên quốc lộ 1A con đường huyết mạch chạy suốt Bắc- Nam, cách thủ đô Hà Nội 883 km Thành phố Quảng Ngãi nằm ngay bên bờ sông Trà Khúc. Sông Trà Khúc còn được gọi là Trà Giang hay sông Trà là dòng sông lớn và cũng là điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách đến với Quãng Ngãi.
Núi Thiên Ấn, nhìn từ Thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Ngọc Cơ Sông Trà phát nguồn từ đỉnh núi Đắc Tơ Rôn tỉnh KonTum, cao 2.350 m.. Sông Trà hợp thành bởi 4 con sông, chảy về hướng đông, qua ranh giới thành phố Quảng Ngãi rồi đổ ra biển qua cửa Đại Cổ Lũy. Với chiều dài 150 km, chảy qua nhiều khu đồi, núi dốc, nhưng đến thành phố Quảng Ngãi dòng sông chảy êm đềm hơn, khiến khung cảnh thành phố bên sông mang thêm vẻ đẹp yên bình, cuốn hút. Anh Phan Ngọc Thọ, khách du lịch từ Hà Nôi, bày tỏ cảm nghĩ: “Ban đầu tôi khi vào đây tôi chỉ nghĩ đến du lịch biển với những bãi biển đẹp, nhưng vẻ đẹp của sông Trà khiến tôi rất ấn tượng. Có lẽ đây là một trong những thắng cảnh đặc biệt, trước là biển, sau là sông. Đoạn sông qua thành phố vẫn giữ lại nét mộc mạc, yên bình. Tôi thích nhất khung cảnh những cây dừa bên bờ vươn ra lòng sông đón nắng. Từng chiếc thuyền, ghe sau những ngày ngoài khơi xa, lại trở về bình yên nằm gối bãi bên sông…không khí mát mẻ, cảm giác thật dễ chịu”.
Cổng Chù Thiên Ấn - Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Ngọc Cơ Đến với Quảng Ngãi, du khách không thể bỏ qua một thắng cảnh nổi tiếng khác, đó là núi Thiên Ấn. Núi Thiên Ấn cao 106 mét, cách thành phố Quảng Ngãi 3,5 km về hướng Đông bắc. Ở bất cứ hướng nào, nhìn từ xa người ta đều thấy ngọn núi có hình thang, tựa như chiếc ấn từ trời cao nghiêng xuống dòng sông, vì vậy người xưa gọi thắng cảnh này là “Niêm Ấn Thiên Hà”( tức là quả ấn của trời đóng niêm xuống dòng sông). Trên núi có chùa Thiên Ấn( Thiên Ấn Tự) được xây dựng từ năm 1695 ( đời chúa Nguyễn Phúc Chu). Trong chùa Thiên Ấn hiện còn quả “chuông thần” rất quý do các nghệ nhân làng đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức) tạo tác vào năm 1845. Trải qua bao thế kỷ tiếng chuông chùa vẫn vang vọng khắp không gian rộng lớn
Con đường đi lên đỉnh núi men theo sườn núi phía Nam theo hình xoắn ốc. Đường đủ rộng, có độ dốc thoai thoải , bởi thế có thể lên núi bằng ô tô xe máy rất thuận tiện. Du khách cũng có thể thong thả đi bộ lên đỉnh núi. Ấn tượng đầu tiên đứng trên đình núi Ấn là khí hậu rất mát mẻ. Từ đây, du khách tha hồ ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Quảng Ngãi yên bình bên dòng sông trà xanh mát lững lờ trôi. Khuôn viên chùa Thiên Ấn nằm trên khoảng đất rộng ẩn dưới bóng cây cổ thụ mang dáng vẻ u tịch. Chùa Thiên Ấn có kiến trúc đơn giản, theo kiểu kiến trúc nhà Rường (loại nhà có hệ thống kết cấu cột kèo bằng gỗ, được liên kết hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ), Gian chùa chính ở phía trước, phía sau là khu nhà tổ. Xung quanh chùa có khu vườn tượng với những vườn hoa cây cảnh, có những hàng ghế đá cho khách ngồi nghỉ. Phía đông chùa Thiên Ấn là khu lăng mộ của các vị sư tổ với những ngôi tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (5, 7, 9) và tượng hình hoa sen. Đặc biệt trong khuôn viên chùa còn có giếng nước gọi là “Giếng Phật” được đào từ lúc khai sơn, lập chùa. Sư thày Thích Đông Hoàng, trụ trì chùa Thiên Ấn, kể: Ngày ấy, vị sư tổ đào mãi không thấy nước thì đi ra ngoài, sau khi quay lại thấy tia nước đầu tiên, thì mừng rỡ nên gọi người kéo lên…nhưng quên còn có vị tăng trẻ vẫn ở dưới giếng. Khi nhớ ra nhà sư tới xem thì vị tăng trẻ đi lúc nào không biết. Bởi vậy trong dân gian vẫn con lưu truyền câu thơ: Có thày đào nước trên non, đến khi có nước không còn tăm hơi.
Dù giếng đào trên núi, nhưng theo người dân ở đây, nguồn nước trong giếng chưa bao giờ cạn. Người dân trong vùng còn cho rằng nước ở giếng Phật có thể chữa được nhiều loại bệnh tật. Với những đặc điểm như thế, trong tâm thức người Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn và dòng Trà mãi là biểu tượng Sơn Thủy thiêng liêng. Vào những dịp lễ lớn, khách thập phương đến lễ, vãn cảnh chùa Thiên Ấn lên đến cả vạn người. Nhiều khách du lịch cũng không bỏ dịp được chiêm ngưỡng thắng cảnh hàng đầu của tỉnh Quảng Ngãi.