Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích nhân vật Mị Châu

3 trả lời
Hỏi chi tiết
206
1
0
光藤本
21/11/2019 19:30:11
Mị Châu là con gái của An Dương Vương Thục Phán, là một cô công chúa lá ngọc, cành vàng, có tâm hồn ngây thơ trong trắng, nhẹ dạ, cả tin và không có một chú gì về ý thức công dân. Xuất hiện ở phần sau của tác phẩm, Mị Châu cũng là người phải chịu trách nhiệm lớn trước bi kịch "nước mất nhà tan".
Khi đánh giá về nhân vật này, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, người lên án, kẻ bênh vực.
Những người bênh vực thì đã lấy đạo "tam tòng" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), một quan điểm đạo đức thời phong kiến để bênh vực cho nàng. Theo họ, Mị Châu là người con gái hiền thục, trọn đạo hiếu, vâng lời cha lấy chồng, lấy chồng thì một lòng tin yêu chồng. Sao có thể trách nàng mất cảnh giác với cả chồng mình được? Vì vậy việc Mị Châu không giấu giếm Trọng Thuỷ điều gì là vô tội. Nhưng họ đã quên rằng, trong một đất nước nhiều giặc giã, một nàng công chúa lại chỉ biết làm trọn chữ "tòng" mà vô tình với vận mệnh quốc gia là có tội. Mị Châu tin yêu chồng không có gì đáng trách nhưng nàng đã vi phạm nguyên tắc "bí mật quốc gia" của một người dân đối với đất nước, đặt tình riêng lên trên việc nước dù đó chỉ là do sự nhẹ dạ, vô tình. Nếu sự mất cảnh giác của ADV là nguyên nhân gián tiếp thì sự nhẹ dạ, ngây thơ của Mị Châu là nguyên nhân trực tiếp gây lên hoạ nước mất. Mị Châu tin yêu chồng bằng một tình yêu mù quáng. Nhân dân ta đã sáng tạo nên hình ảnh áo lông ngỗng là chi tiết nghệ thuật tài tình để thể hiện sáng rõ sự mù quáng đáng trách của Mị Châu. Trọng Thuỷ đánh tráo nỏ thần, trước khi về nước đã hỏi Mị Châu: "Ta nay trở về thăm cha ... làm giấu." Mị Châu đáp: "Thiếp có ... làm dấu". Trọng Thuỷ vừa về nước, chiến tranh hai nước xảy ra, lẫy nỏ không còn, phải lên ngựa bỏ chạy cùng vua cha, lẽ ra phải biết đó là âm mưu của Trọng Thuỷ, thế mà Mị Châu vẫn nhẹ dạ, mù quáng, không suy xét sự tình, vẫn rắc lông ngỗng làm dấu, có khác gì chỉ đường cho giặc đuổi theo mình. Việc làm đó của nàng đã trực tiếp dẫn tới bi kịch nhà tan. Vì vậy, không thể cho rằng làm một người vợ thì Mị Châu phải tuyệt đối nghe và làm theo lời chồng. Không thể cho rằng nàng là người vô tội, không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước bi kịch nước mất nhà tan. Tội lỗi của nàng là hết sức nặng nề. Chính vì vậy, nhân dân ta không đánh giá nàng theo quan điểm đạo đức phong kiến thông thường mà đứng trên quan điểm của quốc gia, dân tộc để kết tội nàng. Với những lỗi lầm không thể tha thứ của một người dân đối với đất nước, nhân dân ta không những đã để cho Rùa Vàng (đại diện cho công lí của nhân dân) kết tội đanh thép, không khoan nhượng gọi nàng là giặc mà còn để cho Mị Châu phải chết dưới lưỡi kiếm nghiêm khắc của vua cha.
Song thái độ, cách đánh giá của nhân dân vừa thấu tình, vừa đạt lí. Mị Châu có tội nhưng những tội lỗi mà nàng gây ra không phải là chủ ý của nàng mà do nàng quá nhẹ dạ, yêu chồng bị lừa dối mà mắc tội. Hơn nữa, cuối cùng, nàng cũng đã tỉnh ngộ nhận ra kẻ thù và chấp nhận một cái chết đau đớn. Mị Châu có tội nàng đã phải đền nhưng nỗi oan của nàng cũng cần được giải. Sáng tạo nên chi tiết thần kì, ứng nghiệm với lời cầu khấn trước khi chết của Mị Châu, nhân dân ta đã bày tỏ thái độ bao dung, niềm cảm thông mà minh oan cho nàng. Đồng thời, thông qua chi tiết thần kì đó, ông cha ta cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc của mình và truyền lại một bài học lịch sử muôn đời cho con cháu trong việc giải quyết mối quan hệ riêng - chung.
Về Trọng Thủy:
Trọng Thuỷ là một trong ba nhân vật chính của tác phẩm. Hắn là con trai của Triệu Đà, con dể của An Dương Vương, là chồng của Mị Châu công chúa. Sang Âu Lạc theo mưu kế nham hiểm của cha mình, Trọng Thuỷ lấy Mị Châu không phải vì tình yêu mà chỉ để lợi dụng nàng thực hiện một mưu đồ chính trị, để hoàn thành nhiệm vụ gián điệp được cha hắn giao phó mà thôi. Và với danh nghĩa một người chồng, Trọng Thuỷ đã hoàn thành xuất sắc vai trò gián điệp ấy. Hắn đã lợi dụng Mị Châu, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, lừa gạt tình cảm của nàng để đánh cắp nỏ thần và nham hiểm hỏi Mị Châu một câu hỏi đầy dụng ý trước khi về nước với mục đích để biết cách tìm đường đuổi theo An Dương Vương nếu nhà vua chạy trốn. Chính những việc làm này của hắn là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bi kịch nước mất nhà tan của cha con ADV và nhân dân Âu Lạc. Hắn chính là kẻ thù của nhân dân Âu Lạc, là một kẻ rất đáng bị vạch mặt, lên án, tội lỗi đời đời.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, Trọng Thuỷ cũng chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược. Trong tay của Triệu Đà, Trọng Thuỷ không hơn không kém cũng chỉ là một con bài chính trị mà thôi. Hơn nữa, mặc dù là một kẻ độc ác, Trọng Thuỷ cũng không phải hoàn toàn đã mất hết nhân tính của một con người. Chính lời nói của Trọng Thuỷ với Mị Châu trong lúc chia tay, hành động tự vẫn sau chuỗi ngày sống trong sự dày vò, ân hận của hắn đã nói lên điều đó.
Trước lúc chia tay về nước dâng lẫy nỏ thần cho Triệu Đà, Trọng Thuỷ đã nói với Mị Châu: "Tình vợ chồng ... làm dấu". Đây không hoàn toàn là những lời dối trá, lạnh lùng mà nó ẩn chứa ít nhiều tình cảm bùi ngùi, một nỗi đau li biệt.
Tính người của Trọng Thuỷ còn được thể hiện rõ hơn rất nhiều ở phần cuối cùng của tác phẩm khi tác giả dân gian miêu tả tâm trạng của Trọng Thuỷ sau cái chết của Mị Châu. Không đắm mình trong hào quang, danh vọng, trong hạnh phúc của sự thống trị uy quyền, sau khi Mị Châu chết, Trọng Thuỷ luôn sống trong nỗi niềm thương nhớ, trong nỗi ân hận dày vò và cuối cùng bế tắc, cùng đường hắn đã tự tìm cho mình cái chết. Trọng Thuỷ quyên sinh không phải chỉ là hành động sám hối cho một sai lầm mù quáng, mà còn là sự thức tỉnh của nhân tính, sự phủ nhận chiến tranh, sự từ chối mọi vinh quang quyền lực tìm về với cõi thiên thu để có được một tâm hồn thanh thản.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Quách Trinh
21/11/2019 19:34:01
Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một tác phẩm vô cùng tiêu biểu, để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhắc đến tác phẩm này, không ai là không nhớ tới nàng Mị Châu xinh đẹp, nết na, nhưng vì tình yêu với chồng, vì sự nhẹ dạ cả tin nên đã trở thành tội nhân thiên cổ và chết trong đau đớn.
 
Mị Châu là con gái của An Dương Vương Thục Phán, là một cô công chúa lá ngọc, cành vàng, có tâm hồn ngây thơ trong trắng, nhẹ dạ, cả tin và không có một chú gì về ý thức công dân. Xuất hiện ở phần sau của tác phẩm, Mị Châu cũng là người phải chịu trách nhiệm lớn trước bi kịch "nước mất nhà tan". Đó là một nàng công chúa xinh đẹp, ngây thơ và trong trắng, không một chút ý thức gì về trách nhiệm công dân, ý thức chính trị, chỉ biết đắm mình trong tình yêu, tình cảm vợ chồng.
 
Mị Châu ngây thơ, cả tin đến mức: tự tiện sử dụng bí mật quốc gia cho tình riêng, khiến bảo vật giữ nước bị đánh tráo mà hoàn toàn không biết ; Lại chỉ nghĩ đến hạnh phúc cá nhân khi đánh dấu đường cho Trọng Thuỷ đuổi theo.
 
Khi đánh giá về nhân vật này, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, người lên án, kẻ bênh vực.
 
Bị kết tội là giặc ngồi sau lưng ngựa, là đúng và đích đáng, mà người ra tay chính là cha đẻ của nàng. Mị Châu tội lỗi thật nặng nề, thật đáng bị trừng trị nghiêm khắc. Nàng phải trả giá cho những hành động cả tin, ngây thơ, khờ khạo của mình bằng tình yêu tan vỡ, bằng cái chết của chính mình.
 
Mặc dù là nàng công chúa gây ra hậu quả mất nước, nhưng với Mị Châu, nhân dân thật công bằng, bao dung, độ lượng và nhân hậu khi thờ An Dương Vương trong đền Thượng, mà thờ công chúa Mị Châu trong am bà Chúa, (trong đó thờ bức tượng không đầu).
 
Nhưng công bằng mà nói, Mị Châu cũng thật đáng thương, đáng cảm thông, do tất cả những sai lầm, tội lỗi đó đều xuất phát từ sự vô tình, từ tính ngây thơ nhẹ dạ, cả tin đến mức mù quáng của nàng. Nàng chỉ hành động theo tình cảm, chứ chẳng hề đắn đo suy xét, chỉ biết việc riêng, chẳng lo việc chung. Tố Hữu đã viết về nàng một cách công bằng và nghiêm khắc trong bài Tâm Sự:
 
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…
 
Chi tiết Mị Châu cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần chứng tỏ Mị Châu nặng về tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc. Có thể khẳng định Mị Châu đã vi phạm vào nguyên tắc của bề tôi đối với vua cha. Nàng đã tiết lộ bí mật quốc gia. Đành rằng tình cảm vợ chồng tuy gắn bó cũng không thể vượt lên trên tình cảm đất nước. Nước mất dẫn đến nhà tan, không ai có thể bảo toàn hạnh phúc. Lông ngỗng có thể rắc cùng đường nhưng Trọng Thuỷ cũng không thể cứu được Mị Châu. Chúng ta cần xuất phát từ cơ sở phương pháp luận và ý thức xã hội, chính trị-thẩm mĩ của nhân dân trong đặc điểm thể loại Truyền thuyết để nhìn nhận về nhân vật Mị Châu. Thể loại này nhằm đè cao cái tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái ác, theo quan niệm nhân dân. Truyền thuyết đề cao lòng yêu nước, ý chí vì độc lập – tự do, không thể ca ngợi nàng công chúa con vị vua anh hùng, khổ công xây dựng thành giữ nước lại chỉ biết nghe lời chồng, không nghĩ đến bổn phận công dân với vận mệnh Tổ quốc. Nhìn ngược lại lịch sử để rút ra kinh nghiệm, giáo dục tình yêu nước, đề cao ý thức công dân, đặt việc nước cao hơn việc nhà. Chính vì vậy, nhân dân ta không đánh giá nàng theo quan điểm đạo đức phong kiến thông thường mà đứng trên quan điểm của quốc gia, dân tộc để kết tội nàng.Với những lỗi lầm không thể tha thứ của một người dân đối với đất nước, nhân dân ta không những đã để cho Rùa Vàng (đại diện cho công lí của nhân dân) kết tội đanh thép, không khoan nhượng gọi nàng là giặc mà còn để cho Mị Châu phải chết dưới lưỡi kiếm nghiêm khắc của vua cha.
 
Nàng Mị Châu trước khi chết cũng nhận ra tội lỗi của lớn của mình và không hề chối tội. Nàng chỉ muốn thanh minh "Nếu có lòng phản nghịch, mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù". Nàng chỉ mong rửa tiếng "bất trung, bất hiếu", chỉ muốn mọi người hiểu rằng mình "một lòng trung hiếu mà bị lừa dối" chứ không kêu oan, cũng không xin tha tội. Công chúa Mi Châu được người Âu Lạc xưa và người Việt Nam đời đời thương xót vì đã biết tội, dám nhận tội và cam lòng chịu tội. Nếu lấy đạo "tam tòng" để thanh minh cho Mị Châu, rằng nàng chỉ là phận gái, rằng nàng làm vợ chỉ cần phục tùng chồng là đủ thì chính là đã hạ thấp bản lĩnh và tư cách của nàng công chúa nước Âu Lạc này.
 
Hình ảnh ngọc trai – ngọc minh châu là hoá thân của nàng. Mị Châu đã phải chịu thi hành bản án của lịch sử xuất phát từ truyền thống yêu nước, tha thiết với độc lập tự do của người Việt cổ. Tuy nhiên số phận Mị Châu chưa dừng lại ở đó. Nhưng nàng không hoá thân trọn vẹn trong một hình hài duy nhất. Nàng hoá thân- phân thân: máu chảy xuống biển, trai ăn phải hoá thành ngọc trai. Xác nàng hoá thành ngọc thạch. Hình ảnh đó vừa thể hiện sự bao dung, thông cảm với sự trong trắng ngây thơ, vô tình khi phạm tội vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc cùng bài học lịch sử về giải quyết quan hệ giữa nhà với nước, chung với riêng.
 
Bài học về nhân vật Mị Châu là một bài học vô cùng cay đắng xót xa cho người con gái thánh thiện nhưng quá khờ khạo và cả tin. Đó cũng là bài học về sự cảnh giác và đặt niềm tin đúng chỗ cho biết bao thế hệ người Việt Nam chúng ta.
1
0
Ni Lin
24/04/2021 10:36:22
+3đ tặng

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, đã từng xuất hiện những tích, những con người thần thánh khiến biết bao thế hệ tôn thờ như Thánh Gióng, Sơn Tinh, thế như cũng có những truyền thuyết, những câu chuyện đầy đau thương, bi kịch, không chỉ để lại cho người đọc nhiều băn khoăn, trăn trở mà đó còn là những bài học sâu sắc và quý giá mà cha ông ta từ thuở xa xưa muốn con cháu không bao giờ được quên. Truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy chính là một trong số ấy. Ba nhân vật chính mỗi người đều có những sai lầm, những ngu muội ích kỷ riêng, người thì đắc thắng, quên đề phòng, kẻ tin người, mê muội trong tình yêu, kẻ lại ác tâm dối gạt lợi dụng tình yêu và niềm tin của người khác. Mỗi nhân vật đều có những khía cạnh tính cách và tâm hồn đáng khai thác và tìm hiểu, trong đó nhân vật Mị Châu chính là một nhân vật có nhiều nét đặc sắc đồng thời cũng để lại cho nhân thế nhiều bài học sâu sắc, trong đó đặc biệt nhất là bài học về việc cân bằng giữa tình cảm cá nhân và lợi ích dân tộc.

Mị Châu là con gái duy nhất của An Dương Vương, từ nhỏ cuộc sống của nàng vốn dĩ đã sung sướng, được bảo bọc và nhận đủ tình yêu thương cưng chiều của vua cha. Nhưng có lẽ An Dương Vương đã quá chủ quan, lơ là hoặc là thật sự tự tin vào tài cán bảo vệ đất nước thế nên người đã bỏ qua việc chỉ dạy cho Mị Châu những bài học về trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, đặc biệt nàng lại còn là một công chúa. Vua cha vì sự tự tin và kiêu ngạo của mình đã dễ dàng gả con gái cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà, kẻ mới trước đây đã dẫn quân sang với ý đồ xâm lược u Lạc, nhưng thất bại, mà không một chút mảy may nghi ngờ về sự lợi hại trong ấy. Cho đến bây giờ người ta vẫn không thể lý giải được, tại sao đường đường là một vị vua anh minh lỗi lạc như An Dương Vương mà lại cũng có những lúc hồ đồ, thiếu sáng suốt đến bực ấy, gả con gái yêu của mình cho con trai của kẻ thù và cuối cùng chính tay đẩy nàng, mình và cả đất nước vào bi kịch diệt vong không lối thoát. Có thể nói rằng, bi kịch của Mị Châu đều bắt nguồn từ người cha của mình, nàng không có lỗi gì trong việc trở thành vợ của Trọng Thủy, thậm chí ngay lúc đó nàng còn là người có công bình ổn và tham gia vào mối quan hệ "hòa bình" giữa hai quốc gia. Thế nhưng sau tất cả nàng vẫn phải chấp nhận cái danh tội nhân của bi kịch mất nước. Cuộc sống được bảo bọc, yêu thương và chăm sóc đã dưỡng ra một nàng công chúa ngây thơ, không thấu hiểu sự đời cũng như thờ ơ với lợi ích của quốc gia dân tộc, mà thay vào đó là sự say đắm trong tình yêu, hạnh phúc với người chồng mới cưới là Trọng Thủy. Thú thật rằng, quan niệm xuất giá tòng phu, lấy chồng thì phải theo chồng vốn dĩ đã có từ bao đời nay, kể từ khi con người chuyển từ chế độ Mẫu hệ sang Phụ hệ và trở thành một quy tắc bất thành văn ăn sâu vào bản tính của nhiều người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên bản thân Mị Châu lại là một công chúa, cái sự phục tùng và nghe lời chồng trở thành lưỡi dao giết chết nàng và cả đất nước, thành một mối họa mà nàng không thể tưởng tượng được. Dẫu bản thân Mị Châu không tham gia quốc sự, chỉ phụ trách việc sống trong nhung lụa và hưởng thụ thế nhưng không lẽ nào nàng không biết được sự lợi hại của nỏ thần và tầm quan trọng của nó với sự tồn vong của đất nước? Ấy thế mà nàng công chúa ngây thơ đã dễ dàng lén lấy nó đem ra cho chồng mình là Trọng Thủy xem trộm mà không một chút nghi ngờ hay đề phòng. Hành động vô phép này của nàng quả thực là một sự ngu muội khó chấp nhận, nàng chỉ biết đến việc Trọng Thủy là chồng mình, mà không hề nghĩ đến Trọng Thủy với cha chồng đồng thời cũng là kẻ thù dạo trước, là kẻ vẫn thường nhăm nhe xâm lược đất nước mình để mà đề phòng. Lấy trộm nỏ thần cho chồng xem lại là một chuyện, đến cả cái việc đáng ngờ khi Trọng Thủy xin về nước thăm cha mà Mị Châu cũng vẫn không hề nhận thức được sự kỳ lạ trong lời nói của chàng ta rằng "Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ, ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng lấy gì làm dấu?". Nếu tỉnh táo và chịu suy nghĩ thấu đáo, thì rõ ràng người ta đã nhận ra được ẩn ý về một cuộc xung đột sắp xảy ra giữa hai nước. Thế nhưng không, Mị Châu trẻ dại và quá chìm đắm trong tình yêu cũng như nỗi buồn sắp ly biệt đã không đủ tỉnh táo để nhận ra được điều đơn giản ấy, mà vẫn một mực đợi chờ Trọng Thủy trở về. Và chồng nàng cũng trở về thật, tuy nhân là trở về với một cuộc xâm lược tàn khốc, biến đất nước vốn đang yên bình thành một mảnh hỗn loạn, nhân dân lầm than. Mị Châu phải theo vua cha chạy trốn trên một con ngựa, tình cảnh thảm hại vô cùng, ấy vậy mà người ta vẫn không hiểu nổi rốt cuộc vì nguyên do gì mà Mị Châu lại vẫn tin tưởng Trọng Thủy đến thế, khi mà bi kịch mất nước đã diễn ra ngay trước mặt. Nàng ta một mặt theo vua cha chạy trốn, một mặt rải áo lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo, một sự ngu muội và phản bội chính cha mình trong vô thức. Cuối cùng với tất cả những ngu muội và tội lỗi tày đình của mình, Mị Châu đã phải trả một cái giá quá đắt, nước mất, nhà tan, tình thân chấm hết, nàng đã chết dưới lưỡi kiếm của cha để đền tội, nhưng vẫn mãi mãi ôm trong mình nỗi oán hận và day dứt khôn nguôi.

Nhưng bên cạnh bi kịch tội nhân phản quốc, thì Mị Châu cũng phải gánh chịu một bi kịch khác ấy chính là bi kịch trong tình yêu. Như đã nói, Mị Châu sống mười mấy năm trong bảo bọc, nhung gấm sau lại được gả cho Trọng Thủy, hoàng tử của nước láng giềng. Truyện không nói nhiều về nhân vật Trọng Thủy, thế nhưng đoán chắc rằng đây cũng là một người tài hoa, diện mạo sáng sủa và có lẽ cũng biết cách yêu thương thế nên nàng Mị Châu mới có thể một lòng si mê và dành hết tình yêu cả đời mình cho hắn như thế. Tình yêu của Mị Châu là tình yêu thuần nhất và chung thủy, không hề vụ lợi hay suy tính thiệt hơn, nàng giống như một con chiên hết lòng phục đạo, hết lòng tin tưởng và dâng toàn bộ trái tim cho Trọng Thủy mà chưa một lần suy nghĩ cho bản thân hay suy nghĩ cho quốc gia dân tộc. Thú thật rằng, đối với một cô gái còn gì hạnh phúc sung sướng hơn khi được sống trong cảnh yên bình ấm êm bên cạnh chồng, bên cạnh cha mà không phải mảy may lo nghĩ điều gì. Sự che chở ấy quả thực là bảo vật của thế gian. Nàng ngây thơ tin tưởng vào tình yêu của mình và đồng thời cũng nghĩ rằng Trọng Thủy cũng dành cho mình những tình cảm trong sáng và sâu sắc hệt như nàng đối với hắn. Thế nên với những yêu cầu xem nỏ thần, hay thỏa thuận việc tìm lại nhau lỡ như loạn lạc, đối với Mị Châu lại trở thành việc bình thường và nghiễm nhiên giữa các cặp vợ chồng ân ái. Nàng nghĩ rằng vợ chồng với nhau thì chẳng thiết gì mà phải giữ bí mật, nàng hy vọng rằng việc cho Trọng Thủy xem nỏ thần, chính là thể hiện thành ý và tình yêu sâu sắc của nàng dành cho hắn, để từ đó tình cảm vợ chồng càng thêm thắm thiết, bền chặt. Còn chuyện áo lông ngỗng, lúc ấy Mị Châu nghe đến việc Trọng Thủy về thăm cha, lại nghĩ đến cảnh phải xa cách một khoảng thời gian lâu, cũng như những chuyện bất trắc khiến lòng người con gái vốn yếu mềm và có nhiều tình yêu này trở nên yếu đuối. Nàng không còn nghĩ được gì ngoài nỗi buồn ly biệt, thế nên Mị Châu chỉ hòng tìm cách làm sao để bảo vệ mối duyên tơ, chứ nào đâu nghĩ đến cảnh diệt quốc và bi kịch những ngày sau vì sự mù quáng, tin tưởng của mình. Cuối cùng đáp lại nàng đó chính là sự lừa dối và phản bội đầy đau đớn của Trọng Thủy, người nàng hết mực tin yêu. Chính tay chồng nàng đã đẩy nàng vào bi kịch phản quốc, bi kịch phản bội vua cha và phải chịu cái chết đầy đau đớn và tội lỗi, chết mà vẫn còn mang nhiều uất hận ngàn năm khó rửa sạch. Khi ấy, Trọng Thủy đuổi được tới nơi, hắn hối hận và đau đớn vì cái chết của người vợ yêu quý, người con gái một đời dành tình yêu cho hắn. Cuối cùng Mị Châu cũng nhận được tình yêu của Trọng Thủy, nhưng đó lại là một tình yêu mang đầy tội lỗi, đau thương, bản thân Mị Châu sẽ chẳng bao giờ còn có thể chấp nhận được nữa, lòng nàng chỉ còn lại sự thù hận, chán ghét và tuyệt vọng. Nàng chết đi máu nhỏ thành ngọc trai, một sự hóa thân không toàn diện vừa là sự trừng phạt, cũng lại là sự thương xót cho một kiếp hồng nhan lắm truân chuyên, đau đớn. Thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhân dân ta về những lỗi lầm không thể vãn hồi của nàng Mị Châu, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự cảm thông thấu hiểu cho những bi kịch mà nàng phải gánh chịu chỉ vì sự ngây thơ, tin tưởng quá đỗi vào tình yêu.

Mị Châu đáng thương hay đáng trách? Chúng ta và hậu thế về sau vĩnh viễn không bao giờ có thể trả lời được câu hỏi này. Nàng đáng trách khi đã không đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, lại chỉ biết ích kỷ nghĩ đến tình yêu một cách mù quáng và thiếu sáng suốt dẫn đến kết cục không thể nào đau thương hơn - nước mất, nhà tan. Nhưng nàng cũng là một nhân vật đáng thương, phải gánh chịu bi kịch tình yêu đầy đau đớn, cái chết ghê gớm và nỗi oan ức ngàn đời không thể rửa sạch. Câu chuyện và bi kịch của Mị Châu chính là một bài học lớn cho mỗi con người chúng ta, khuyên răn rằng sống trên đời phải biết cân nhắc lợi hại giữa lợi ích chung và riêng, giữa tình thân và tình yêu, đừng để mọi chuyện đi quá xa rồi rơi vào kết cục không thể vãn hồi.


 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư