Ra đời 38 năm trước, nhưng những quy định trong văn bản kể trên vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, như: “Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích”, hoặc “Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh”...
Chỉ cần được sự tôn trọng, tin tưởng
Đến ngày 20.11, hãy đừng tặng những lời chúc mừng khách sáo, hãy đừng tặng những món quà vật chất mà đằng sau đó là sự tranh cãi giữa các bậc mẹ cha, hãy đừng tặng thầy cô sự vô lễ. Đội ngũ nhà giáo chúng tôi chỉ cần nhận được sự tôn trọng, tin tưởng, từ tấm lòng của phụ huynh và học sinh để chúng tôi vững vàng trước những khó khăn của nghề giáo. Món quà đó hình như đang dần bị lãng quên.
(Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1, TP.HCM)
Sau quyết định này, ngày 14.10.1982, Bộ Giáo dục có thông tư hướng dẫn thực hiện ngày Nhà giáo Việt Nam với những quy định cụ thể, chi tiết hơn. Tuy nhiên, cả 2 văn bản kể trên đều không hướng dẫn về năm chẵn hay năm lẻ mà chỉ nêu: ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức trong cả nước vào ngày 20.11 hằng năm trong tất cả các trường học, tại tất cả các địa phương... Từ đó đến nay, ngày 20.11 đã trở thành ngày tôn vinh nhà giáo bằng nhiều hình thức, không ai nghĩ tới việc năm nay có phải là năm chẵn, năm lẻ hay không. Luật Giáo dục ban hành tháng 6.2019, ở mục Chính sách đối với nhà giáo, điều 75 cũng nêu rõ: “Ngày 20.11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, Hòa Bình cho rằng: “Ngày 20.11 không phải là ngày truyền thống của ngành giáo dục. Vậy hà cớ gì mà không cho các trường tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam?”. Việc các địa phương dẫn Nghị định số 111 ngày 31.8.2018 của Chính phủ quy định tổ chức các ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng... của các bộ, ngành, địa phương, ông Quân cho rằng không liên quan đến ngày Nhà giáo Việt Nam vì luật Giáo dục mới ban hành là có giá trị pháp lý cao nhất, khi quy định về ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, có nghĩa “đây là một chính sách với nhà giáo chứ không phải là những ngày lễ truyền thống đơn thuần”.
Vẫn tổ chức tri ân thầy cô qua hoạt động giáo dục
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 12.11, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở không có quy định với các trường về việc tổ chức hoạt động nhân ngày Nhà giáo Việt Nam vì tất cả đều thực hiện theo Nghị định 111 của Chính phủ. Và theo như nghị định thì không tổ chức lễ kỷ niệm vào những năm không phải là năm tròn mà thay vào đó là các hoạt động giáo dục nhằm tôn vinh thầy cô, không gây lãng phí, hình thức.
Ghi nhận tại TP.HCM, chủ đề hoạt động tháng 11 của các trường học có nội dung biết ơn thầy cô, tôn sư trọng đạo với các hoạt động giáo dục như: tháng học tập, tiết học tích cực, phong trào dạy tốt, hội giảng...
Đừng nên tổ chức quy mô lớn
Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để phụ huynh và học sinh tri ân tấm lòng thầy cô. Các trường nên tổ chức chương trình có tính chất truyền thống để giáo dục đạo đức học trò chứ đừng nên tổ chức quy mô lớn nhưng không khiến học trò ghi nhớ. Đặc biệt, đừng tổ chức những buổi lễ bắt học trò tập văn nghệ trước đó cả tháng rồi đến ngày lễ thì ngồi miệt mài dưới sân trường để nghe phát biểu.
Nguyễn Thị Thanh Hòa (phụ huynh học sinh tại Q.3, TP.HCM)
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5), cho biết trung tâm tổ chức các hoạt động giáo dục lòng biết ơn, kính trọng thầy cô và tri ân những giáo viên đã về hưu, gặp gỡ chia sẻ những góp ý để hoàn thiện công tác giáo dục trong nhà trường. Những hoạt động này phù hợp với quy định và có tính chất nội bộ giữa học sinh, giáo viên, phụ huynh trong trường.
Tương tự, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết Trường Lê Quý Đôn tổ chức các hoạt động để tạo điều kiện cho học sinh bày tỏ tình cảm, tri ân với thầy cô của mình. Hoạt động chủ đề của tháng 11 là hoạt động chủ đạo trong năm về giáo dục tinh thần tôn sư trọng đạo và các hoạt động tổ chức có ý nghĩa thiết thực chứ không tổ chức quy mô rình rang, gây tốn kém cho phụ huynh, học sinh.
Xóa bỏ biến tướng, trả về giá trị thật
Cô Nguyễn Thị Như Hương, giáo viên dạy ngữ văn một trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội, đã có 40 năm đứng lớp, chia sẻ: “Khi 20.11 trở thành ngày Nhà giáo Việt Nam, năm nào đến dịp này cảm xúc của chúng tôi vẫn cứ vẹn nguyên như thế, không phụ thuộc vào năm chẵn hay năm lẻ. Đó là niềm hạnh phúc khi đón nhận sự trân trọng, tin yêu của học trò, cha mẹ các em và đồng nghiệp”.
Cô Hương cũng cho biết, khi đất nước còn khó khăn, lễ kỷ niệm ngày 20.11 không cầu kỳ nhưng rất cảm động, không có khái niệm học sinh tặng “phong bì” hay quà tặng có giá trị kinh tế cho giáo viên mà chủ yếu là những giá trị tinh thần, một bó hoa cánh bướm ở vườn nhà khi đến tay cô thì đã héo; sang lắm thì tặng cô quyển sổ, chiếc bút mực đỏ với lời nhắn nhủ “để cô chấm bài cho chúng em”; sau này thì học trò hay góp nhau mua biếu thầy cô cân cam, thế nên mới có câu nói vui đây là ngày “hiến cam nhà giáo”...
Mong hoạt động thiết thực hơn là lễ kỷ niệm rình rang
Là ngày truyền thống của ngành đương nhiên giáo viên nào cũng muốn một không khí vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc tổ chức kỷ niệm thông qua các hoạt động thiết thực như khuyến khích học sinh học tốt để chúc mừng, thầy cô cùng thực hiện thao giảng để hướng đến tiết học tích cực, hiện đại... là việc giáo viên mong mỏi hơn là một lễ kỷ niệm rình rang, hình thức, cả thầy và trò cùng ngồi dự giữa trời nắng nóng.
Huỳnh Lê Ý Nhi (Giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Điều đáng nói, theo cô Hương là cách tặng quà cho thầy cô ngày xưa rất khác với bây giờ, học trò thường rủ nhau rồi đến từng nhà thầy cô, bất kể thầy cô dạy môn gì. “Gần đây tôi thấy ngày Nhà giáo cũng bị “biến tướng” nhiều, cha mẹ học sinh dù trân trọng thầy cô nhưng cách họ chúc mừng, tôi đọc thấy nhiều toan tính hơn là xuất phát từ tình cảm. Bằng chứng là có người đưa phong bì cho con mang đến “biếu” cô trước cả lớp; người thì quáng quàng đến trường gọi cô ra cổng dúi vào tay cô “chút quà” rồi vội vã đi. Nhiều phụ huynh lại chỉ chọn những giáo viên dạy môn “chính” để chúc mừng, khiến các thầy cô dạy thể dục, nghệ thuật, đạo đức... rất tủi thân”, bà Hương chia sẻ.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, bày tỏ: “Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “không thầy đố mày làm nên” thời đại nào cũng đúng, cho dù ngày nay, với thời đại 4.0, học trò không chỉ học từ thầy, mà còn học từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng lòng tri ân thầy cô vẫn là nét đẹp cao quý. Chỉ có điều ngày nay nhiều người “tôn sư trọng đạo” bằng cách tới tấp tặng nhau phong bì, hay tặng nhau những tấm thiệp công nghiệp mà trong đó cũng kèm tiền. Phụ huynh thì “chạy sô” để chúc mừng giáo viên mà không nghĩ đến cảm xúc của các thầy cô, nên nhiều giáo viên cũng rất... sợ những chiếc phong bì đưa chớp nhoáng với nhiều toan tính như vậy.
Bởi vậy, ông Tùng Lâm cho rằng những chỉ đạo từ cách đây gần 40 năm như: “Ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh” vẫn còn nguyên giá trị. Hãy làm cho đúng tinh thần và mục tiêu của việc ra đời ngày này, đừng vì những “biến tướng” trong việc ứng xử với ngày này mà không tổ chức kỷ niệm.