Thường thì Nguyễn Du đi sâu vào tâm lí nhân vật hơn, thêm vào những đoạn tả cảnh, tả tình làm cho nhân vật được thực hơn, rõ ràng như đang sống, đang hoạt động trước mắt người đọc. Nhất là cảnh vật thiên nhiên, nói như Hoài Thanh, hầu như thành một nhân vật có rung cảm hẳn hoi, cùng sống chung với con người, chia sẻ mọi nỗi vui buồn của con người. Thanh Tâm Tài Nhân thường ít quan tâm tả cảnh, tả tình. Trái lại thì Nguyễn Du rất coi trọng. Chẳng hạn trong hồi 1, khi Kim Trọng không còn biết nói gì nữa đành từ biệt ba chị em Thuý Kiều ra về thì Thanh Tâm Tài Nhân chuyển ngay qua câu chuyện tối hôm ấy ở nhà họ Vương, hai chị em Kiều và Vân đem hình ảnh của Kim Trọng ra trêu đùa nhau, thế là hết. Còn Nguyễn Du muốn xây dựng cho mối tình của Kim - Kiều thật đẹp nên đã xen vào cảnh từ biệt một không khí bâng khuâng, vương vấn như muốn kéo dài mãi không dứt. Nguyễn Du bỏ qua câu chuyện gán ghép thay bằng cảnh Thuý Kiều một mình ngắm trăng trong vườn mà tâm hồn cũng rạo rực, sôi nổi trong yên lặng như cảnh vườn xuân, từ ánh trăng, ngấn nước tới cây cối cũng ướt, nặng trĩu xuân. Rồi thái độ hiểu biết của Thuý Kiều mấy lần gặp gỡ Kim Trọng, tâm tư của nàng khi bước chân ra đi theo tên họ Mã, nỗi niềm của nàng khi ở lầu Ngưng Bích, lúc “say, cười” ở chốn lầu xanh Những chỗ mà “Kim Vân Kiều truyện” lướt qua thì lại được Nguyễn Du dừng lại, khắc hoạ cho được tâm trạng của Thuý Kiều trong từng hoàn cảnh một. Đối với nhân vật Thuý Kiều là như thế, đối vớic các nhân vật khác cũng vậy. Nguyễn Du đã nhờ vào cơ sở kha thuận lợi của Thanh Tâm Tài Nhân, vận dụng vốn sống của mình, thiên tài nghệ thuật của mình, đem vào tác phẩm chất sống phi thường linh động, muôn đời không phai.