Một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới với những vần thơ lấy cảm hứng từ vũ trụ là Huy Cận. Sau cách mạng tháng Tám, ông nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc kháng chiến vĩ đại và trường kì của dân tộc. Hòa bình lập lại, từng trang thơ Huy Cận ấm áp hơi thở của cuộc sống đang lên. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác ở Hòn Gai năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế dài ngày là một bài thơ tiêu biểu trong những bài thơ ấm áp hơi thở cuộc sống ấy.
Huy Cận tên là Cù Huy Cận (1919-2005), sinh tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất hiện trong phong trào Thơ mới với tập thơ Lửa Thiêng giàu chất triết lý và thấm thía bao nỗi buồn. Thơ Huy Cận vừa bám lấy cuộc đời, vừa hướng tới những khoảng rộng xa của tạo vật và thời gian, vừa" trăn trở với cái chết, vừa nâng niu sự sống trước quy luật tử sinh, vừa triết lí suy tư, vừa hồn nhiên thơ trẻ, vừa bay bổng lãng mạn, vừa hiện thực đời thường. Trước cách mạng, thơ Huy Cận thường mang nỗi sầu và cảm giác trống vắng mênh mang. Sau cách mạng, thơ Huy Cận dào dạt niềm vui, nhất là khi ông nói về cuộc sống mới, con người mới. Hàng loạt tập thơ nối tiếp ra đời. Tác phẩm tiêu biểu Lửa thiêng (thơ, 1940); Vũ trụ ca (thơ, 1942); Kinh cầu tự (văn xuôi, 1942); Trời mỗi ngày lại sáng (thơ, 1958); Đất nở hoa (thơ, 1960); Bài ca cuộc đời (thơ, 1963); Hai bàn tay em (thơ, 1967); Phù Đổng Thiên vương (thơ, 1968); Những năm sáu mươi (thơ, 1968); Ngôi nhà giữa nắng (thơ, 1978); Hạt lại gieo (thơ, 1984)... ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận viết vào ngày 1.10.1958 tại vùng biển Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh, nằm trong cảm hứng chung của thơ ông trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng.
Năm 1958 Huy Cận đi thực tế ở vùng một Quảng Ninh, chuyến đi này đã làm cho hồn thơ của ông được hồi sinh. Không khí lao động tập thể khẩn trương, sôi nổi là nguồn cảm hứng để ông viết Đoàn thuyền đánh cá. Bài thơ miêu tả đoàn thuyền đánh cá một đêm trăng trên Hạ Long, qua đó ca ngợi biển quê hương giàu đẹp, người dân chài làm chủ cuộc đời, hăng say lao động, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc. Nhà thơ Huy Cận đã từng gọi bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của mình là "khúc tráng ca". Quả đúng như vậy, bài thơ là khúc tráng ca ca ngợi vẻ đẹp khỏe khoắn của con người lao động trong sự hài hòa với vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên kì vĩ. Không còn thấy dấu vết của một "nỗi buồn thế hệ" cô đơn, li tán đã từng dằng dặc, triền miên trong thơ ông hồi trước Cách mạng tháng Tám. Đoàn thuyền đánh cá là một bài ca lao động hứng khởi, hào hùng. Bài ca ấy dành cho biển hào phóng, cho những con người cần cù, yêu lao động, làm việc hết mình và đang làm giàu cho đất nước. Bài thơ thực sự là một bài ca ca ngợi cuộc sống của những con người lao động mới.
Với đôi mắt quan sát sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, trái tim nhạy cảm và tài năng nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ đã vẽ lên trước mắt chúng ta khung cảnh lao động hăng say trên biển qua bức tranh sơn mài lộng lẫy những sắc màu huyền ảo, cuốn hút vô cùng qua những tính từ chỉ màu sắc và ánh sáng. Bài thơ còn mang âm hưởng khỏe khoắn sôi nổi, phơi phơi bay bổng. Cách gieo vần có nhiều biến hóa linh hoạt, các vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền xen với vần cách. Nhiều hình ảnh tráng lệ, giàu ý nghĩa biểu tượng.
Huy Cận và bài thơ Đoàn thuyền đánh cá đem lại cho chúng ta niềm vui rộn ràng của con người, của đất nước khi “Trời mỗi ngày lại sáng”. Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui to lớn với nhà thơ, với tất cả những người lao động mới đang kiêu hãnh ngẩng cao đầu trên con đường đi tới tương lai tươi sáng.