Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh.​Cuộc đời tuy dài thếNăm tháng vẫn đi quaNhư biển kia dẫu rộngMây vẫn bay về xaLàm sao được tan raThành trăm con sóng nhỏGiữa biển lớn tình yêuĐể ngàn năm còn vỗTừ ..

Phân tích 2 khổ thơ cuối trong bài thơ Sóng của nhà thơ  Xuân Quỳnh. 
​Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ 
Từ đó hãy liên hệ với khát vọng tình yêu của giới trẻ ngày nay
1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
748
0
0
Nguyễn Thị Linh
01/12/2019 12:49:12
a. Khổ thơ thứ nhất, nhà thơ thấm thía nỗi lo âu, buồn bã về sự trôi chảy của thời gian và cái hữu hạn của cuộc đời, nhất là của tình yêu.
Không dừng lại trong niềm tin vào tình yêu như một kết cục có hậu, trái tim nhạy cảm giàu suy tư của Xuân Quỳnh tiếp tục mở ra những trăn trở khi dòng suy ngẫm hiện hữu những hình ảnh của thời gian và không gian:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
- Thời gian và không gian được đặt trong hai bình diện đối lập: “cuộc đời” và “năm tháng”; “biển cả” và “mây trời”. “Cuộc đời” chỉ quĩ thời gian ngắn ngủi của mỗi kiếp người, “năm tháng” là hoán dụ cho dòng thời gian vô thủy vô chung; “biển cả” là một không gian mênh mông nhưng vẫn chỉ là hữu hạn, còn “mây trời” lại gợi sự phiêu du trong vũ trụ vô cùng vô tận.
Cuộc đời tuy dài, biển cả tuy rộng nhưng năm tháng sẽ đi hết cuộc đời như mây kia sẽ bay qua biển rộng, sẽ đến với những không gian bao la trong vũ trụ không cùng. Khổ thơ thấm thía nỗi lo âu, buồn bã về sự trôi chảy của thời gian và cái hữu hạn của cuộc đời, nhất là của tình yêu, cảm giác hữu hạn này thường xuất hiện ở những con người từng trải, nhất là từng chịu sự đổ vỡ, mất mát, tổn thương, và vì thế, luôn khao khát sự bình yên, khao khát sự vĩnh hằng, vô hạn. Cũng có thể nhận ra thoáng buồn bã, tiếc nuối của nhà thơ khi tình yêu và khát vọng tình yêu của loài người tồn tại vĩnh hằng như biển cả, còn cuộc đời mỗi con người lại ngắn ngủi, mong manh như một áng mây phù du…
- Cảm giác về sự hữu hạn thường khiến con người buồn bã, bất lực. Xuân Diệu từng sợ chính cái hữu hạn của lòng mình: “gấp đi em, anh rất sợ ngày mai – đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”. Xuân Diệu cũng đã từng giục giã: “Mau với chứ, vội vàng lên mấy chứ - em, em ơi, tình non sắp già rồi”. Và khi không thể “tắt nắng” hay “buộc gió” để níu kéo năm tháng, để gìn giữ hương sắc cuộc đời, để nới dài hơn quĩ thời gian cho tình yêu và hạnh phúc, Xuân Diệu tìm đến một giải pháp mãnh liệt đầy nam tính, đó là vội vàng tận hưởng cuộc đời một cách say sưa, ham hố khi còn có thể, từ “ôm cả sự sống” đến say đắm “riết, thâu, hôn, cắn… từ “mây đưa gió lượn” đến “non nước, cỏ cây”…
b. Khổ thơ cuối, nhà thơ ước vọng một tình yêu bất tử vĩnh hằng.
- Những trải nghiệm cay đắng khiến Xuân Quỳnh sớm nhận ra và thấm thía sự hữu hạn của cuộc đời, của lòng người, nhưng khác với người đàn ông trong Xuân Diệu luôn khát khao chiếm lĩnh và tận hưởng, trái tim người phụ nữ trong Xuân Quỳnh lại có một mong ước đầy nữ tính:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Câu thơ “Làm sao được tan ra…” mang cấu trúc nghi vấn – cầu khiến cho thấy cả nỗi trăn trở và niềm mong ước của người phụ nữ thật da diết và thành thực. “Tan ra” là hi sinh, là dâng hiến, là mong được hóa thân thành “trăm con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu”; mong ước được hi sinh và dâng hiến cũng là mong được sống hết mình, sống mãnh liệt trong tình yêu. Khao khát cháy bỏng trong tình yêu đã được nhà thơ bày tỏ chân thành, táo bạo và cũng thật nhân hậu, vị tha. Hai câu cuối mở ra cảm giác mênh mang của không gian “biển lớn” cùng sự vĩnh hằng của thời gian “ngàn năm”. Khi sống hết mình, yêu hết mình, để tình yêu lớn lao tới mức tan hòa trong cái vô biên của trời đất thì lúc ấy tình yêu cũng đồng thời được nhập vào dòng thời gian vĩnh hằng, tình yêu sẽ trường tồn cùng năm tháng, cùng đất trời, vũ trụ. Vậy là, con người sẽ làm được điều kì diệu, sẽ chiến thắng được cái hữu hạn của cả thời gian và không gian, sẽ vĩnh viễn hóa tình yêu ngay trong cái ngắn ngủi, thoáng chốc của cuộc đời nếu họ dâng hiến và hi sinh trọn vẹn cho tình yêu. Đó cũng là tâm nguyện cao đẹp thường xuất hiện trong thơ Xuân Quỳnh:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”
(Tự hát)
- Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những “Cuộc chia ly màu đỏ”. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu là biết hi sinh quên mình để hòa cùng tình yêu cộng đồng, tình yêu quê hương, tổ quốc. Đây là lẽ sống đẹp về quan niệm tình yêu, tình yêu trong tâm hồn người phụ nữ qua bài thơ “Sóng” mãi mãi là sức sống, giá trị cho thi phẩm.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×