Thuyết minh về một vùng đất giàu tiềm năng.
Vùng đất Yên Thành từ xưa tới nay vốn được coi là chốn nhiều danh thắng, cảnh quan, bởi thế núi, dáng sông đã tạo nên một vùng đất nhiều truyền thuyết. Trải qua năm tháng, miền đất này còn tiềm ẩn những nét cổ xưa thú vị cho du khách mỗi khi tìm về.
Khu du lịch tâm linh Rú Gám là một danh sơn nổi tiếng từ xa xưa và trở thành biểu tượng của quê hương Yên Thành. Thời Tiền Lê, vùng đất này cư dân quần tụ đông đúc, Lê Long Ngân, con thứ 8 của vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất phía Tây Rú Gám để thành lập lỵ sở Đông Thành… Rú Gám hiện có gần 150 ha thuộc rừng nguyên sinh đang được bảo tồn, có thảm thực vật đa dạng chung sống phân tầng rõ nét.
Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với sông Dinh chạy quanh co bên những ngọn đồi, chùa Gám (Chí Linh tự) hiện ra với kiến trúc cổ kính, điêu khắc hết sức tinh xảo. Hiện nay, UBND tỉnh đã cho phép khôi phục hoạt động Phật giáo tại chùa Gám, đồng thời xây dựng nơi đây một thiền viện, phái Trúc Lâm với quy mô lớn của vùng. Dự án có tổng diện tích quy hoạch xây dựng 316,575 ha thuộc địa phận 2 xã Xuân Thành và Tăng Thành, bao gồm 5 khu vực chính: Khu di tích gốc được bố trí tại chùa Chí Linh (Xuân Thành) thờ các vị thần đã có công bảo quốc hộ dân; thờ Phật và Chư vị Bồ tát; Khu tâm linh – lễ hội ở rú Gám; Khu đền Bạch Y (xã Tăng Thành); Khu nghĩa trang và nhà thờ các anh hùng liệt sỹ.
Hàng năm, vào dịp Lễ hội đền – chùa Gám được tổ chức từ ngày 14-16/2 (âm lịch) có hàng vạn khách thập phương thành kính tìm đến. Mới đây, vào dịp tháng Tám, tổ chức Jica (Nhật Bản) đã có chuyến đi về Yên Thành để khảo sát để hướng tới đầu tư cho một số loại hình du lịch đặc trưng. Được thưởng thức trích đoạn vở tuồng "Trưng Trắc, Trưng Nhị" ngay tại sân chùa Gám, cả đoàn đã tỏ ra rất mến mộ các diễn viên và vở tuồng cổ diễn ra trong một không gian cổ.
Yên Thành đã được biết đến từ lâu đời là một vùng đất cổ. Từ thời Tiền Lê, thời Lý, nhiều cuộc di dân, khai hoang về miền đất này đã được đẩy mạnh, lập nên những hương ấp, xóm làng trù phú. Đến thời Trần, đã hình thành nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu. Xưa kia, Yên Thành còn được chọn làm lỵ sở của đất Hoan Châu với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Con cháu đời sau cứ thế kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bởi thế, thật thú vị khi chúng ta về “vùng lúa nước đặc trưng” này, bắt gặp cả một miền quê hát chèo ở xã Lăng Thành. Nơi đây, từ các cụ già đến các bạn trẻ đều có thể hát chèo và thể hiện rất nhuần nhị, thấm đẫm một nét văn hóa chèo trên xứ Nghệ.
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội truyền thống có quy mô cấp huyện cũng đã được phục hồi như Lễ hội đền Phúc Hoàng, Lễ hội đền chùa Gám, đền Cả (Nhân Thành), Lễ hội Đại Điển – đình Mõ (Hậu Thành), đền Cả (Hoa Thành)… Đất Yên Thành từ xưa đến nay còn là vùng đất văn hoá, nổi tiếng hiếu học, chính những tên đất, tên làng từ lâu đã được nhân dân hình tượng hoá thể hiện khát vọng vươn tới đỗ đạt khoa bảng, với triết lý “học để biết, biết để làm người” điều đó lại được chắt lọc chưng cất qua bao thế hệ trở thành truyền thống hiếu học và tôn trọng nhân tài của người dân Yên Thành ngày nay.
Trên địa bàn huyện, khu hồ đập Vệ Vừng đã trở thành một địa chỉ ưa thích cho du khách tìm về. Ngoài việc điều hòa khí hậu cho cả vùng miền Tây Yên Thành, cung cấp nước tưới cho trên 2.000 ha lúa của các xã Kim Thành, Quang Thành, Phúc Thành, Hoa Thành, Văn Thành… đến với Vệ Vừng, du khách được tận hưởng cảm giác bồng bềnh cùng du thuyền, ngắm cảnh, leo núi, câu cá đắm mình trong làn nước ngọt trong lành, thưởng thức nhiều món cá tôm tươi rói và đắm mình cùng những câu hò, điệu ví. Nơi đây còn có nhiều những thắng cảnh thiên nhiên, công trình kinh tế phục vụ đời sống con người, nằm cạnh các khu văn hóa như chùa Gám, chùa Bảo Lâm, chùa Non Nước, nhà thờ đá Bảo Nham… cạnh đó còn là những di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành, Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (Hoa Thành)… Điệp trùng những di tích – danh thắng ấy trên vùng quê lúa đã đi vào truyền thuyết "Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống" sẽ là những điểm du lịch tham quan, vãn cảnh, nghiên cứu và học tập đầy hấp dẫn.
Huyện Yên Thành có trên 200 di tích – danh thắng đã được lập danh mục quản lý, trong đó có 21 di tích được công nhận di tích quốc gia, 33 di tích xếp hạng cấp tỉnh, là huyện có nhiều di tích được công nhận nhất tỉnh. Yên Thành còn là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, văn hiến với 22 vị đại khoa mà tiêu biểu là trạng nguyên Bạch Liêu – ông tổ khai khoa của xứ Nghệ. Nơi đây còn là một địa danh cách mạng lâu đời, nơi có căn cứ địa của phong trào Cần Vương chống Pháp do cụ Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã lãnh đạo, là địa chỉ đỏ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931… Đó là niềm tự hào mà Đảng bộ, nhân dân của huyện Yên Thành đang ra sức phát huy, để những giá trị đó trường tồn, đem đến những giá trị tinh thần, vật chất trong giai đoạn mới ".