Thấm thoắt cũng đã gần 20 năm cháu rời xa bà theo ba mẹ ra thành phố. Cháu còn nhớ như in những ngày thơ bé khi cùng bà lên đồi vơ củi và lá thông về đốt, khi cháu ranh mãnh đòi bà mua kẹo mút trước khi đến lớp, rồi cả những lần cháu nghịch ngợm leo lên xe cút kít mỗi khi bà chở muối về kho…tất cả như đang hiện lên trước mắt cháu, đó không chỉ còn là kỉ niệm thời ấu thơ mà còn là hình ảnh một người bà tần tảo sớm hôm vì con vì cháu.Tết năm ngoái cháu về thăm bà. Cháu lại về nhà vào đúng bữa trưa. Nghe tiếng cháu thánh thót từ ngoài ngõ, bà đãlật đật sắp bát đũa cho cháu ăn như ngày cháu còn lên 4. Ăn xong, cháu đòi rửa bát, bà lại ân cần: “Đệ đó bà làm”. Cứ thế, bà cặm cụi với những công việc không tên quanh năm suốt tháng của người làm nghề muối. Cháu lóng ngóng chẳng làm gì giỏi hơn ngoài ăn, chơi và ngủ. Bữa trưa vội vã, cháu leo lên giường ngủ bù cho đêm hôm trước mệt nhoài vật lộn bon chen như lợn trên xe khách ngày tết. Cháu thức dậy khi trời đã xế chiều. Vẫn giọng bà nặng trịch: “Đi tắm đi, bà pha nước tắm rồi đấy”. Cháu thấy có gì đó nghèn nghẹn…
Cuộc đời là như vậy đúng không bà?
23 tuổi đầu. Cháu đã sống một cuộc sống tự lập gần 5 năm. Cháu tự biết bật bình nóng lạnh lên để tắm, tự lo xếp quần áo và thu dọn gọn gàng khi cháu bôi bẩn xong. Cháu tự phải nấu ăn khi cái bụng kêu òng ọc, và tự thu dọn bát đũa mà rửa khi đã liếm láp hết thức ăn còn vương vãi trên đĩa. Thế mà, tại căn nhà xiêu vẹo hơn 20 mươi năm qua không hề tu sửa hay thay đổi gì, cháu dường như vẫn là đứa trẻ lên 4.
Năm đó, mợ mới sinh. Bà vất vả hơn. Bà vừa chăm ông - ông đã dần yếu đi vì tuổi già, vừa chăm cậu – cậu thứ 2 không may mắn như người khác – chỉ biết chăm chỉ lao động mà nhiều khi còn không biết nổi con mình 2 tháng tuổi hay 10 tháng tuổi, giờ bà chăm thêm cháu – đứa cháu được sinh khi mẹ đã quá tuổi sinh nở, bé tí như cái kẹo và thiếu sữa mẹ ngay từ tháng đầu tiên. Sức nặng chăm sóc ba thế hệ đè nặng lên đôi vai vốn đã còm cõi của bà.
Bữa tối ngày mồng một Tết, lần đầu tiên cháu chú ý tới bữa cơm của bà. Bát cơm thứ nhất, bà múc rõ nhiều thịt ra đĩa, gắp tới tấp vào bát cháu, rồi chan ít nước thịt vào bát cơm của bà, ăn hết. Nhìn bát cơm đầy cơm, rưới chút nước thịt, bà và ăn ngon lành. Cháu thấy có gì đó nghèn nghẹn. Cháu cố vớt vát thứ xúc cảm xấu hổ khó nuốt bằng cách gắp miếng thịt vào bát bà. Bà lại cất công gạt hết cơm dính trên miếng thịt, gọn ghẽ để lại vào đĩa, không quên nạt cháu: “Dè, kệ bà”. Bát cơm thứ hai, bà chan canh, lùa một chút thì bát cũng sạch veo. Bà kết thúc bữa tối khi cháu vẫn còn cà kê với nước rau và mấy cộng rau còn dư lại. Rồi bà lại lật đật dọn dẹp, lùa cháu đi chơi. Cháu biết tối nay cháu không đi chơi nổi…
Tiếng trẻ con khóc ri rỉ. Tiếng mợ dỗ dành à ơi. Tiếng cậu quát dữ dằn: “Ăn hại”. Tiếng bà ư hử không vừa lòng. Tiếng ông thở hổn hển, mệt không nói nổi câu than thở. Cháu ngồi miên man ngẫm về bà, về cuộc sống nông thôn, về những ngày sau đó, khi cháu lại xa bà về với cuộc sống vốn dĩ của cháu. Rồi những trăn trở của cháu ngày hôm nay, lại như những cuộc điện thoại nghi thức các cậu gọi về hỏi thăm bà ngày tết, hay ít tiền ba mẹ cháu họa hoằn gửi về trong năm phụ bà chút ít trong cuộc sống nhọc nhằn.Cháu biết là cuộc sống giữa nông thôn và thành thị rất khác nhau. Người nông dân thì Tết có khác chăng ngày thường ở bữa cơm thêm thịt bớt mỡ. Còn sắm tết, quần áo mới xúng xính, là thứ gì đó rất xa xỉ. Bà sống và tần tảo cả đời, cả dăm ba ngày Tết, cũng như hàng trăm, hàng nghìn người bà ở nông thôn Việt Nam xưa nay. Nhưng sao cháu cứ thấy cay cay nơi khóe mắt. Bà nuôi mẹ, các cậu, rồi các cháu lớn khôn, để rồi khôn lớn rồi, con cháu đi hết, bỏ lại mình bà còm cõi chăm nốt những đứa con không bay đi nổi, và ông già yếu chỉ còn sức quanh quẩn việc nhà.
Bỗng nhiên cháu thấy buồn. Cuộc đời là như vậy đúng không bà? Và cháu biết, cháu chẳng thể làm gì, ngoài lặng lẽ nhìn bà sống và dành dụm cho con cháu, và tự lừa mình rằng: Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời bà.