Tình cảm của lão Hạc trong tác phẩm thật đáng thương. Lão tuổi cao sức yếu. Vợ lão qua đời từ lâu còn đứa con trai thì vì không đủ tiền cưới vợ mà phẫn chí bỏ đi làm công nhân đồn điền cao su, biền biệt nhiều năm không có tin tức gì. Rồi bão “phá sạch sành sanh” hoa màu, làng lại mất “vé sợi” khiến công to việc nhỏ gì người ta “tranh nhau làm mất cả”. Lão lại còn bị một trận ốm “đúng hai tháng mười tám ngày”, số tiền lão dành dụm được phải tiêu vào các khoản thuốc men ăn uống. Mọi phương thức kiếm sống của lão không còn. Đứng trước bài toán ấy, lão đành đứt ruột bán con chó mà lão vẫn gọi một cách trìu mến là “cậu Vàng”. Con chó ấy là do con trai lão mua để khi cưới vợ thì giết thịt. Đối với lão, con chó là kỉ niệm của con, là của con. Con chó ấy còn là bạn, là người bảo vệ lão trong hoàn cảnh già nua, ốm yếu, cô đơn, trơ trọi. Đây là một quyết định cực kì hệ trọng đối với lão bởi con chó là kỉ vật của con, nằm trong dự tính cuộc đời của con, lại là bạn thân thiết của lão, nhưng nếu không bán, lão cũng chẳng biết lấy gì nuôi nó cũng như đề tự nuôi sống mình. Lão đành phải bán.
Việc bán con chó trở thành nỗi ân hận day dứt của lão Hạc cho đến lúc chết. Lão đau khổ thực sự bởi “già bằng ngần này tuổi đầu rồi mà còn đi lừa một con chó”. Lão che giấu cảm xúc bằng cách “cố làm ra vui vẻ” nhưng lão cười “như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”, rồi “mặt lão đột nhiên co rúm lại”, “các vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. Mọi trạng thái tâm lí của lão đều hiện ra trên khuôn mặt đau đớn. Dường như lão cảm thấy mình đã phạm một tội ác ghê gớm, không thể tha thứ được qua lời kể của lão lúc con cho bị bắt đem đi: nó “nằm im như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à!”. Lão xót xa vì đã lừa một người bạn thân thiết.
Nỗi đau của lão Hạc là nỗi đau về nhân cách, khi cuộc sống dồn đẩy con người vào bước đường cùng, khi một con người tình nghĩa thủy chung phải dứt bỏ mối quan hệ thân tình của nó, cho dù đó chỉ là quan hệ với một con vật. Con trai đòi bán vườn để cưới vợ, lão không cho, mặc dù vườn ấy là “mẹ nó mua, nó có quyền hưởng”, lão đã ân hận lắm, mặc dù quyết định của lão là sáng suốt. Lão giữ được vườn cho con nhưng không thể giữ được con chó cho con. Lão bán con chó ấy không phải để thêm tiền ăn tiêu mà để góp lại cho con sau này, bởi nếu con chó không có ăn, nó gầy, bán sẽ được ít tiền hơn, còn để nuôi nó thêm nữa thì lão không thể làm được.
Lão Hạc đã khóc nức nở khi kể lại cho ông giáo câu chuyện phải bán con chó ấy. Về mặt hình thức, con chó chỉ là một con vật nuôi, khi không cần nuôi nữa thì thịt, bán hoặc cho,… đó là chuyện thường tình. Nhưng nếu dừng ở sự giản đơn xuôi chiều như vậy thì chưa thấy hết ý nghĩa tiếng khóc của lão Hạc. Bán con chó, đối với lão Hạc, đồng nghĩa với việc bán nghĩa bán tình mà đối với người Việt Nam thì phải bán nghĩa bán tình là một nỗi đau lớn. Bán chó để góp vào món tiền hoa lợi của khu vườn mà theo lão đó là tài sản của con, để lão quyết định bài toán cuộc đời của mình. Việc bán chó chỉ là màn mở đầu cho tấn bi kịch cuộc đời lão: tự thân lập thân, không phiền hà ai, không để cho bất cứ ai trách cứ mình về điều ăn điều ở, nhưng không có điều kiện để kéo dài cuộc đời thêm nữa. Lão Hạc hiện ra với vẻ đẹp của con người tình nghĩa thủy chung, có tấm lòng nhân hậu, luôn sống và biết sống cho người khác và vì người khác.