Chuyện kể rằng thầy Mạnh Tử thuở nhỏ tên là Mạnh Kha, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước làm theo. Bà mẹ thấy thế nói : "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được", rồi dọn nhà ra gần chợ.
Ít lâu sau, thầy Mạnh Tử cũng học theo thói bán buôn điên đảo, gian ngoan của người kẻ chợ. Bà mẹ lo lắng nghĩ : "Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được", bèn dọn nhà đến cạnh trường học.
Ngày ngày, thầy Mạnh Tử thấy trẻ con ngoan ngoãn, lễ phép, đua nhau chăm chỉ học hành, về nhà cũng bắt chước lễ phép, chăm chỉ học hành. Lúc ấy bà mẹ mới yên tâm. Bà tự nhủ : "Chỗ này là chỗ con ta ở được lâu dài".
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, liền về hỏi mẹ :
- Mẹ ơi ! Người ta giết lợn làm gì đấy ?
Bà mẹ nói đùa :
- À, người ta giết lợn cho con ăn đấy mà !
Nói xong, biết mình lỡ lời, bà phân vân nghĩ ngợi : " Ta nói lỡ mồm rồi ! Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối sao ? ".
Rồi bà đi chợ, mua thịt lợn về cho con ăn thật.
Thời gian sau, thầy Mạnh Tử đang giờ học lại bỏ về nhà chơi, bà mẹ bực lắm. Đang dệt vải, bà liền cầm dao cắt đứt tấm vải trên khung cửi và nói với con trai rằng :
- Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy !
Hiểu ý mẹ, từ hôm ấy thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Sau này, thầy trở thành một bậc đại hiền nổi tiếng trong thiên hạ. Được vậy là nhờ phần lớn ở công lao giáo dục của bà mẹ vừa hiền từ vừa nghiêm khắc.