Nhịp sống của con người càng trở nên hối hả, tấp nập khi phương tiện giao thông ngày càng cải tiến hiện đại. Nhưng thực trạng tai nạn giao thông vẫn là mối đe dọa lớn đến tính mạng con người. Do đó chiếc mũ bảo hiểm trở nên quan trọng và gắn bó với cuộc sống con người.
Một chiếc mũ bảo hiểm thông thường có cấu tạo gồm ba lớp rất chắc chắn. Lớp thứ nhất là lớp chúng ta có thể nhìn thấy ngay bên ngoài – lớp vỏ. Đại đa số lớp vỏ của mũ bảo hiểm được làm bằng chất liệu nhựa rất cứng, trên bề mặt của lớp vỏ được phủ sơn với nhiều màu sắc khác nhau và in logo của nhà sản xuất. Một số mũ bảo hiểm chuyên dùng cho trẻ em còn được trang trí rất sinh động với nhiều hình thù ngộ nghĩnh, chủ yếu để thu hút sự thích thú của "khách hàng nhí". Ngoài ra còn có những dòng mũ bảo hiểm cao cấp sử dụng hợp kim nhôm hoặc hợp kim cacbon làm lớp vỏ bên ngoài để làm giảm trọng lượng của mũ, tạo sự thoải mái mà vẫn đảm bảo chức năng giữ an toàn cho người đội. Lớp thứ hai là lớp quan trọng nhất – lớp mút xốp dày giữ vai trò giảm chấn động cho đầu khi gặp phải những va chạm mạnh bất thình lình. Lớp trong cùng cấu tạo từ một lớp lưới hoặc mút mỏng, thông thoáng hoặc có lỗ làm thoáng khí tạo cảm giác êm ái cho người sử dụng. Bên dưới là dây quai mũ được gắn với lớp vỏ cứng, cố định bằng ốc vít có tác dụng giữ mũ chặt vào đầu, khi bị ngã hay chịu một lực tác động thì mũ vẫn nằm yên trên đầu để bảo vệ đầu. Dây mũ được làm bằng dây dù vừa rẻ vừa bền chắc. Để giúp cho việc đội mũ và tháo mũ được dễ dàng, nhà sản xuất có lắp thêm bộ phận dây cài. Bộ phận này gồm một phần gắn chặt với mũ được thiết kế khá chu đáo, có thể điều chỉnh độ dài ngắn của quai mũ phù hợp với kích cỡ đầu của từng người, một phần là móc khóa không cố định, có thể dễ dàng gắn vào khi cần và mở ra khi không sử dụng. Trên mỗi sợi dây mũ còn có gắn một miếng cao su hay nhựa dẻo, phù hợp với vị trí cằm vừa để cố định mũ, vừa để bảo vệ cằm không bị tổn thương. Một số loại mũ bảo hiểm còn có từ 2 đến 3 lỗ thông gió để khi di chuyển sẽ tạo ra luồng gió làm thông thoáng khí trong mũ. Ở những nước có khí hậu nhiệt đới như nước Việt Nam ta thì các loại mũ có lỗ thông gió là loại thông dụng nhất vì khí hậu nóng ẩm mà phải đội mũ trong suốt chặng đường dài.
Dựa vào hình dáng bên ngoài ta có thể chia mũ bảo hiểm thành hai loại: loại bảo hộ toàn bộ phần đầu và loại bảo hộ nửa đầu. Loại bảo hộ nửa đầu ngày nay được người sử dụng ưa chuộng hơn vì độ gọn, nhẹ, đẹp, hợp thời trang và tiện ích của chúng. Tuy nhiên, so với loại bảo hộ toàn phần đầu thì nón bảo hiểm nửa đầu có mức độ bảo vệ thấp hơn. Các nhà sản xuất có uy tín cũng tập trung chú ý sản xuất các mặt hàng mũ bảo hiểm toàn phần đầu nhiều hơn. Mũ bảo hiểm toàn phần đầu có thêm tấm kính trong suốt phía trước giúp ngăn chặn bụi bẩn, giảm áp lực của gió tạt vào mặt người dùng khi tham gia giao thông. Một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng có giá từ vài trăm trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, một số nhà sản xuất chỉ chú trọng vào mục đích lợi nhuận mà không quan tâm đến tính mạng con người đã tung ra thị trường những loại mũ bảo hiểm kém chất lượng với giá rất rẻ đánh vào tâm lý người dùng Việt Nam. Đây là một hành động phi nhân đạo, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh, thích đáng. Mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ bản thân, đừng vì giá rẻ, lợi ích trước mắt mà lựa chọn những mặt hàng mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Chúng ta cần có cách sử dụng và bảo quản mũ cẩn thận. Khi đội mũ cần chỉnh dây cài cho phù hợp với kích thước của đầu để mũ không quá chật cũng không quá lỏng. Tránh để mũ va đập nhiều làm giảm chất lượng của mũ và sử dụng nước khử mùi để giặt miếng lót bên trong. Không nên đội chung mũ với người lạ đặc biệt là người có bệnh về da đầu để đảm bảo an toàn. Những chiếc mũ có bộ phận dây cài bị hỏng, lớp mút bên trong đã không còn đàn hồi tốt cũng không nên “tận dụng xài tạm”, đối phó…Hàng ngày, sau khi đội, nên để mũ ở những nơi thoáng mát hoặc đem phơi nắng để hong khô, giết chết vi khuẩn gây các bệnh nấm da đầu. Các nhà sản xuất khuyên rằng: Khi sử dụng được năm năm, dù nón vẫn còn sử dụng được vẫn nên đổi nón mới để đảm bảo tốt nhất sự an toàn của chính bản thân. Đúng như tên gọi của nó, nón bảo hiểm có chức năng bảo vệ phần đầu – bộ phận rất quan trọng trên cơ thể người khỏi những tác nhân gây nguy hiểm. Khi tham gia giao thông, đôi khi con người sẽ không thể kiểm soát tay lái hoặc vô tình bị gây tai nạn, vì vậy cần phải đội mũ bảo hiểm để hạn chế những va đập mạnh ảnh hưởng đến vùng đầu, vùng cổ.
Chiếc mũ bảo hiểm như người bảo hộ cho chúng ta khi bước ra ngoài, là một thiên thần hộ mệnh an toàn. Vì vậy mọi người nên chọn cho mình một chiếc mũ phù hợp và bảo quản chúng thật tốt để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cho mọi người xung quanh.