I. Tính chất hóa học của oxit
1. Oxit bazơ: Oxit bazơ có những tính chất hóa học nào ?
a) Tác dụng với nước: Một số oxit bazơ tác dụng với nước tạo thành dung dịch bazơ (kiềm).
Thí dụ:
Na2O + H2O → 2NaOH
BaO + H2O → Ba(OH)2
Những oxit bazơ tác dụng với nước và do đó cũng tan được trong nước là:
Na2O, K2O, CaO, BaO, Li2O, Rb2O, Cs2O, SrO.
b) Tác dụng với axit:
Oxit bazơ + axit → muối + nước
Thí dụ: BaO + 2HCl → BaCl2 + H2O
Fe2O3 + 3H2SO4 → Fe2(SO4)3 + 3H2O
c) Tác dụng với oxit axit: Một số oxit bazơ, là những oxit bazơ tan trong nước tác dụng với oxit axit tạo thành muối.
Thí dụ: CaO + CO2 → CaCO3
2. Oxit axit: oxit axit có những tính chất hóa học nào ?
a) Tác dụng với nước: Nhiều oxit axit tác dụng với nước tạo thành dung dịch axit.
Thí dụ: SO3 + H2O → H2SO4
P2O5 + 3H2O → 2H3PO4
Những oxit axit tác dụng được với nước và do đó cũng tan trong nước.
b) Tác dụng với dung dịch bazơ:
Oxit axit + dd bazơ → muối + nước.
Thí dụ: CO2 + Ca(OH)2 → H2O + CaCO3
Những oxit khác như SO2, P2O5,…. Cũng có phản ứng tương tự.
c) Tác dụng với oxit bazơ: Oxit axit tác dụng với một số oxit bazơ (tan) tạo thành muối.
Thí dụ: CO2 + BaO → BaCO3
3. Oxit lưỡng tính: Một số oxit vừa tác dụng dung dịch axit, vừa tác dụng với dung dịc bazơ, gọi là oxit lưỡng tính. Thí dụ như: Al2O3, ZnO, SnO, Cr2O3,…
Thí dụ: Al2O3 + 6HCl → 2AlCl3 + 3H2O
Al2O3 + 2NaOH → H2O + 2NaAlO2 (natri aluminat)
4. Oxit trung tính (hay là oxit không tạo muối): Một số oxit không tác dụng với axit, dung dịch, bazơ, nước, gọi là oxit trung tính như: NO, N2O, CO,…
II. Khái quát về sự phân loại oxit
Căn cứ vào tính chất hóa học của oxit, người ta phân loại oxit thành 4 loại như sau:
- Oxit bazơ là những oxit tác dụng với dung dịch axit tạo thành muối và nước.
- Oxit axit là những oxit tác dụng với dung dich bazơ tạo thành muối và nước.
- Oxit lưỡng tính là những oxit tác dụng với dung dịch axit và tác dụng với dung dịch bazơ tạo thành muối và nước.
- Oxit trung tính hay còn gọi là oxit không tạo muối là những oxit không tác dung với axit, bazơ, nước.