Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Lập dàn bài thuyết minh về thành cổ Quảng Trị

2 trả lời
Hỏi chi tiết
572
1
0
ken ja
11/12/2019 08:29:45
Bài viết số 1: Thuyết minh về di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị Việt Nam ta có rất nhiều những danh lam thắng cảnh gắn liền với những sự kiện lịch sử, những giai đoạn thời kỳ đen tối khốc liệt của dân tộc. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến thành cổ Quảng Trị, nơi được mệnh danh là “ nghĩa trang không nấm mồ”.
Thành cổ Quảng Trị là một Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4, tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Theo sử cũ , thành được xây dựng dưới triều Nguyễn vào đầu thời Gia Long, thành Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Thành được dùng làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính, đến năm 1929 Pháp cho xây thêm nhà lao để giam cầm các những người có quan điểm chính trị đối lập. Nơi đây đã ghi lại dấu ấn của một cuộc chiến khốc liệt nhuộm màu bi thương giữa quân ta với Mỹ – Ngụy vào năm 1972 suốt 81 ngày đêm. Nguyên nhân diễn ra trận chiến này là sau khi quân giải phóng của ta đã chiếm được thành cổ Quảng Trị, Mỹ không chấp nhận được việc mất thành nên chúng muốn phát động cuộc chiến vừa để giành lại thành vừa để gây sức ép với nước ta trên Hội nghị Paris. Trong suốt 81 ngày đêm ấy, chúng xả xuống hơn 328.000 tấn bom đạn cùng với lực lượng quân đội tiến đánh với số lượng khổng lồ, thế nhưng điều đó không làm nhụt chí những người lính giải phóng quân ấy, họ mặc mưa bom bão đạn, tiến về phía trước với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt với lý tưởng cao đẹp bảo vệ Tổ Quốc. Kết thúc cuộc chiến, chiến thắng nghiêng về quân ta nhưng lực lượng bên ta bị thiệt hại nặng nề, hơn 4000-10000 người lính đã gieo mình xuống đất, vì thế mà thành cổ trở thành vùng đất thiêng, “ cối xay thịt người” gợi nhắc người dân Việt Nam về sự kiện đẫm máu ấy, về nền hòa bình được tạo dựng ngày hôm nay được đánh đổi bằng biết bao xương máu của ông cha ta.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, thành cổ Quảng Trị chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành. Ban đầu, thành cổ Quảng Trị được xây bằng đất nhưng đến 1839 dưới thời vua Minh Mạng, thành được xây lại bằng gạch, mang kiến trúc phòng thành. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc của mỗi cổng thành xây bằng gạch, gồm hai tầng: tầng dưới là phần nền với bộ phận chính là cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”; tầng trên là một vọng lâu có kiến trúc độc đáo theo lối vọng lâu xây bằng gạch, mái cong, lợp ngói âm dương. Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Hành cung là công trình trọng yếu, là nơi để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.Ngoài những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn còn lại như Hành cung, Dinh Tuần phủ, dinh Án sát, ngục thất, khám đường…, Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn… khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ.
Không chỉ mang nét đẹp cổ kính, trầm lặng mà bi thương, thành cổ Quảng Trị còn có giá trị lịch sử và chính trị vô cùng to lớn. Nơi đây là đại diện cho nét đặc trưng của kiến trúc cũng như lĩnh vực quân sự dưới triều Nguyễn, đồng thời mang ý nghĩa là một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử, và là chứng nhân của lịch sử, chứng kiến thời kỳ suy thoái, đầy biến động của dân tộc _ triều Nguyễn, chứng kiến những sự khổ đau, đói nghèo của nhân dân dưới thời Pháp thuộc, thời đế quốc Mỹ xâm lăng, và chứng kiến tinh thần dũng cảm bất khuất của những người lính đã chiến đấu hết mình vì tổ quốc.
Có thể nói, thành cổ Quảng Trị là di tích lịch sử quan trọng với nhiều ý nghĩa và giá trị to lớn, là miền đất mà khi đặt chân đến đây, lắng nghe câu chuyện lịch sử, có lẽ ai cũng không thể kìm được cảm xúc bồi hồi, tiếc thương cho những “ người hùng vô danh” đã gieo mình xuống nơi đây, mãi mãi không thể trở về quê hương, gia đình. Nơi đây đã trở thành điểm đến nổi tiếng của nhiều du khách tứ phương và người dân bản địa và được bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy.

Bài viết số 2: Thuyết minh về di tích chiến tranh kiêu hùng Cổ thành Quảng Trị “Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa.
Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ…”
Nói đến Quảng Trị ta không thể không nhắc đến thành cổ Quảng Trị, danh lam thắng cảnh cũng như di tích lịch sử và là nơi tưởng niệm về những anh hùng liệt sĩ của “một thời máu đổ”.
Thành cổ Quảng Trị tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, là di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Thành được xây dựng bằng đất dưới triều vua Gia Long, ban đầu thành cổ Quảng Trị nằm ở phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Đến đời vua Minh Mạng,năm 1837, thành được xây lại bằng gạch. Dưới triều Nguyễn, thành đóng vai trò là thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, dưới thời nửa Pháp thuộc – nửa phong kiến, Pháp xây thêm nhà lao để giam giữ những người tù chính trị. Sở dĩ nơi đây được mệnh danh là “ nghĩa trang không nấm mồ” bởi nó gắn liền với cuộc chiến tàn khốc, dữ dội giữa quân giải phóng với Mỹ – Ngụy trong chiến dịch Xuân – Hè năm 1972. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến là bởi Mỹ muốn chiếm lại thành cổ Quảng Trị và tạo niềm tin cho quân đội sau chuỗi dài thất bại và cũng như để tạo sức ép với Việt Nam trong hội nghị Paris. Trong suốt 81 ngày đêm, Mỹ mở cuộc tấn công lớn với hơn 328.000 tấn bom đạn cùng với lực lượng quân đội khổng lồ tiến đánh dưới sự trợ giúp của chình quyền Ngụy Sài Gòn. Tuy cuộc chiến kết thúc bằng chiến thắng vang dội bên ta nhưng để lại sự thiệt hại nặng nề với hơn 4000-10000 người lính đã ngã mình xuống nơi đây không kể hàng trăm người bị thương cùng hàng nghìn người mất tích. Việc chiến thắng Mỹ – Ngụy đã góp phần giúp nước ta dành được lợi thế về tinh thần để dẫn đến thắng lợi cuối cùng sau chiến dịch Điện Biên Phủ.
Không chỉ ghi lại dấu tích về một sự kiện đẫm máu mà bi thương của dân tộc, mà thành Cổ Quảng Trị còn mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Kiến trúc của mỗi cổng thành xây bằng gạch, gồm hai tầng: tầng dưới là phần nền với bộ phận chính là cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”; tầng trên là một vọng lâu có kiến trúc độc đáo theo lối vọng lâu xây bằng gạch, mái cong, lợp ngói âm dương. Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Hành cung là công trình trọng yếu, là nơi để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.Ngoài những công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn còn lại như Hành cung, Dinh Tuần phủ, dinh Án sát, ngục thất, khám đường…, Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn… khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ.
Có thể nói thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa to lớn về mặt quân sự, cung cấp tư liệu nghiên cứu lịch sử về thời Nguyễn và là một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử, đồng thời nơi đây còn có giá trị về lịch sự bởi thành chính là chứng nhân của một lịch sử đen tối, đầy biến động, bi thương của cả dân tộc, nó chứng kiến sự suy thoái và sụp đổ của nhà Nguyễn và chứng kiến tội ác của thực dân Pháp cũng như Đế quốc Mỹ, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã bóc lột, hành hạ nhân dân ta qua hàng chục thập kỷ.
Như vậy, thành cổ Quảng Trị đã và đang chiếm giữ một vị trí quan trọng với người dân đất Quảng nói chung và người Việt Nam nói riêng. Những giá trị của nơi đây cần được bảo tồn, duy trì và phát huy, lưu truyền lại cho thế hệ nay và mai sau để những thế hệ ấy có cơ hội tìm hiểu, tiếp thu kiến thức về lịch sử nước nhà từ đó thêm trân trọng nền hòa bình của đất nước bởi nó đã được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của ông cha ta và để có thêm động lực, có thêm lý do mục tiêu cố gắng học tập để cống hiến cho quê hương, đất nước.
Qua bao thăng trầm lịch sử, thành cổ Quảng Trị vẫn ở đó, nhưng người đã mãi ra đi không thể quay về. Là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Nơi những người anh hùng đã nằm xuống vì sự tàn bạo của chiến tranh. Qua bài thuyết minh về Thành cổ Quảng Trị, chúng ta sẽ phần nào thấu hiểu nổi đau của sự mất mát, sự khốc liệt của chiến tranh đã để lại. Đồng thời cũng đề cao ý chí chiến đấu của dân tộc ta, đánh đổi xương máu để giành lấy hòa bình.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
ken ja
11/12/2019 08:31:55
Thuyết minh Thành Cổ Quảng Trị
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử một mốc son vàng sáng ngời chủ nghĩa cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường bảo vệ thành cổ và cả thị xã Quảng Trị suốt 81 ngày đêm năm 1972 của quân và dân ta góp phần thắng lợi trên bàn hội nghị tại Paris, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên mảnh đất này, máu của các anh đã hòa vào lòng đất để góp phần cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Nơi chúng ta đang đứng là đài tưởng niệm trung tâm, nơi tưởng niệm hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị đã ngã xuống trong 81 ngày đêm khốc liệt để bảo vệ thành cổ trong mùa hè lịch sử năm 1972, khi ta quyết định tái chiếm tỉnh Quảng Trị.
Trong 81 ngày đêm đó để chiếm lại thành cổ Quảng Trị 16ha và cả thị xã Quảng Trị hơn 3km2, Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom. Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroxima Nhật Bản năm 1945. Do vậy 81 ngày đêm ấy toàn bộ thị xã và tòa thành cổ này bị san bằng. Cũng trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều. Chính vì vậy mà ngày nay tại trung tâm di tích người ta xây đài tưởng niệm hình thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày đêm khốc liệt này. Ngay trong lòng nấm mồ này, người ta trưng bày một hành trang người lính gồm 1 ba lô, cây súng, đôi dép, chiếc mũ tai bèo và một ghi-đông để tượng trưng cho các hương hồn chiến sĩ giải phóng quân. Và tại vì sao với diện tích 16ha này mà cuộc chiến 81 ngày đêm năm 1972 diễn ra vô cùng khốc liệt như thế và hàng ngàn chiến sĩ của ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
Về lịch sử của thành cổ Quảng Trị này, được xây dựng thời nhà Nguyễn đầu năm 1809, thành Quảng Trị được vua Gia Long cho xây đắp bằng đất. Đến 28 năm sau, tức năm 1837, lúc đó thành được vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch kiên cố. Thành xây theo dạng hình vuông có chu vi 2160m tường cao 4m, dày 12m. Kiến trúc giống lối kiến trúc kinh thành Huế (kiến trúc Vouban). Vouban là kiểu kiến trúc quân sự Pháp khoảng thế kỷ 17. Đặc điểm thành Quảng Trị dưới thời nhà Nguyễn, thành Quảng Trị là trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Quảng Trị do vậy diện tích thành là 16ha thì có nhiều công trình xây dựng cho quan lại làm việc và thành cổ Quảng Trị đã thật sự chấn động lương tri loài người, đã làm rung chuyển cả nước và toàn cầu trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ thành cổ trong suốt 81 ngày đêm của quân và dân ta trong mùa hè lịch sử 1972.
Đầu 1972 ta mở chiến dịch Xuân Hè giải phóng tỉnh Quảng Trị và hơn 30 ngày từ 30/3 đến 1/5/1972 ta đã vào giải phóng hoàn toàn tỉnh này, và đây là tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 1/5/1972. Tháng 5 giải phóng Quảng Trị thì 2 tháng sau tức tháng 7 là tháng có hội nghị bốn bên tại Paris về việc lập lại hòa bình và chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Do vậy nhằm gây sức ép với ta trên bàn hội nghị Paris cũng như nhằm lặp lại thế trận chiến tranh miền Nam sau khi để mất tỉnh Quảng Trị. Dưới sự yểm trợ tối đa của Mỹ, chính quyền của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc hành quân phản kích tái chiếm được gọi là Lam Sơn 72. Cuộc hành quân này được gọi là cuộc hành quân đẫm máu để chiếm lại thành cổ Quảng Trị 16ha và một thị xã Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm.
Bắt đầu từ 28/6 đến 16/9/1972.
Địch ném 328 ngàn tấn bom, báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận rằng đây tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroxima Nhật Bản 1945. Do vậy mà sau 81 ngày đêm toàn bộ thị xã và thành cổ này đã bị san bằng hoàn toàn không còn gì cả. Và khi địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 72 tái chiếm tỉnh Quảng Trị thì mục tiêu số 1 của địch lúc bấy giờ là bằng mọi giá phải chiếm lại thành cổ này. Bởi vì thành cổ Quảng Trị lúc bấy giờ có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng. Và ta cũng như địch đều nhận định rằng nếu như ai làm chủ được thành cổ này trong giai đoạn đó thì xem như làm chủ được thị xã cũng như toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Vì vậy khi địch càng quyết chiến chừng nào thì ta càng quyết giữ chừng đó. Người ta ví thành cổ Quảng Trị này trong 81 ngày đêm năm 1972 như là một hố bom vậy.
Với diện tích 16ha như vậy mà trung bình mỗi ngày các chiến sĩ của ta ở đây phải hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Do vậy mà theo thống kê của phòng quân lực chiến trường của ta lúc bấy giờ thì hơn 80% bộ đội ta hy sinh tại tòa thành cổ này là do bom và đạn pháo, do sức ép của mặt đất. Lúc bấy giờ các chiến sĩ ở trong hầm cũng vỡ máu tai máu mũi mà hy sinh là vậy. Một đoạn nhật ký của chiến sĩ ta hy sinh đã kể lại rằng anh viết cho mẹ anh một đoạn thế này “Mẹ ơi con chắc không còn sống để nhìn thấy mẹ nữa, pháo, pháo suốt ngày đêm. Đầu con lùng bùng như muốn vỡ tung ra, ăn không được, ngủ không được máu tai đã bắt đầu chảy rồi như các bạn con khi chết đứa nào cũng đầy máu tai, máu mũi. Pháo trời ơi là pháo, mẹ ơi con chắc không về Bắc với mẹ được nữa..” đó là một đoạn nhật ký anh kể lại cuộc chiến khốc liệt thời bấy giờ.
Năm 1972 sau khi ta giải phóng tỉnh Quảng Trị, ta quyết tâm giữ tỉnh này vì ta đã đưa vào đây 6 sư đoàn chủ lực gồm những sư đoàn thép 304, 308, 324, 320, 325, 312, và rất nhiều tiểu đoàn, trung đoàn thuộc các binh chủng khác. Phần lớn các chiến sĩ lúc bấy giờ còn rất trẻ, các anh chỉ độ 18, 20, thậm chí cả 16, 17 tuổi. Tại chiến trường Quảng Trị nói chung và tại thành cổ này rất nhiều chiến sĩ trẻ của ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây cho đất nước có ngày độc lập thống nhất hôm nay. Mặc dù phải chiến đấu dưới mưa bom bão đạn khi cái chết kề trong gang tấc như thế nhưng các chiến sĩ giải phóng quân vẫn anh dũng kiên cường chốt để bảo vệ thành cổ này suốt 81 ngày đêm với tinh thần là còn người còn trận địa cứ người này ngã xuống là người khác lên thay 1 tấc không đi một li không rời. Và đúng như thực tế, để bảo vệ thành cổ trong 81 ngày đêm thì trung bình 1 ngày đêm ta phải tăng cường vào đây một đại đội, một đại đội như vậy là từ 90 đến 120 người.
Giai đoạn quyết liệt nhất tức là cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 1972, cứ hôm nay ta đưa vào một đại đội thì qua hôm sau chỉ còn lại vài người. Và cũng trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Trị đã gặp một trận mưa rất dài. Nước sông Thạch Hãn cách thành cổ này khoảng 300m về phía tây dâng cao khiến toàn bộ thị xã và cả thành cổ đã bị ngập lụt. Địch đã lợi dụng tình hình này tập trung bi pháo bắn phá các trận địa của ta làm hầm hào sạt lở. Lúc này các chiến sĩ giải phóng quân phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, phải ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã, cùng chiến đấu với địch suốt ngày suốt đêm. Do điều kiện chiến đấu khắc nghiệt như thế nên sức khỏe của chiến sĩ ta giảm sút rất nhanh và con số thương vong càng ngày càng lớn. Để bảo toàn lực lượng cũng như sau khi hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ thành cổ, bộ tư lệnh chiến dịch đã quyết định rút toàn bộ lực lượng của ta về bờ Nam sông Thạch Hãn vào hồi 18h ngày 16/9/1972. Nhưng lúc này dòng sông Thạch Hãn đang chịu một trận lụt rất lớn.
Vì vậy khi hàng trăm chiến sĩ và thương binh của ta khi vượt sông đã không còn đủ sức chống lại với dòng nước lũ đang chảy xiết. Dòng sông Thạch Hãn lúc bấy giờ nó đã trở thành dòng sông máu, trở thành nơi yên nghỉ vĩnh viễn của các chiến sĩ thành cổ. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, người dân Quảng Trị đã chọn những ngày lễ lớn như ngày 30/4, 27/7, 22/12 để làm lễ thả nến và hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn như là một cách để sưởi ấm linh hồn cho các anh, để tưởng nhớ tất cả những chiến sĩ ta đã hy sinh tại dòng sông này. Và cũng sau ngày đất nước thống nhất thì cũng có rất nhiều cụ chiến binh cùng các chiến sĩ thành cổ năm xưa đã trở về thăm thành cổ Quảng Trị, sau khi dâng hương tại đài tưởng niệm xong, các anh cũng đến bên bờ sông Thạch Hãn thắp nén nhang để tưởng nhớ các đồng đội của mình mà đã không cầm được nước mắt với lời nghẹn ngào rằng:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn thu”.
Sau 81 ngày đêm khối lượng bom đan quá lớn như vậy ném xuống thị xã và thành cổ này thì tất cả đã bị san bằng hoàn toàn, hòa lẫn với đống đổ nát đó là xương, là máu, là thịt của hàng ngàn các chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị. Một tấc đất của thành cổ Quảng Trị hôm nay có thể nói, đã thấm đầy máu của các chiến sĩ của ta và một điều nữa là ngày nay dưới lớp cỏ non của thành cổ vẫn còn rất nhiều hài cốt của các anh đã nằm lại đó và cho đến hôm nay được xem như đã hòa vào mảnh đất thiêng này rồi. 328 ngàn tấn bom, nó cày lên dập xuống hàng ngàn lần như vậy thì khó gì có thể tồn tại được cũng như tòa thành này, chỉ có những tấm gương chiến tranh anh dũng hy sinh của các anh, của các chiến sĩ giải phóng quân vẫn sống mãi trong lòng tổ quốc, đồng bào và đồng đội.
Để tham quan di tích của thành cổ Quảng Trị hôm nay, chúng ta không chỉ đến với một di tích mà còn đến với nghĩa trang không có nấm mồ.
Di tích thành cổ Quảng Trị hôm nay, nghĩa trang thành cổ Quảng Trị hôm nay nó tương đương với nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nhưng khác nhau ở chỗ, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có hơn 10 ngàn ngôi mộ, nhưng tại đây chỉ có đài tưởng niệm này là ngôi mộ chung duy nhất mà thôi. Tại đây 81 ngày đêm hàng ngàn chiến sĩ ta chiến đấu anh dũng và hy sinh nhưng hài cốt các anh nguyên vẹn tìm thấy được đến giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện nay tại bảo tàng di tích thành cổ Quảng Trị có trưng bày một số di vật của các liệt sĩ rất xúc động thiêng liêng. Trong đó 2 di vật tiêu biểu nhất là di vật của liệt sĩ Lê Minh Trừng và di vật của liệt sĩ Lê Văn Quỳnh. Di vật của liệt sĩ Lê Minh Trừng được tìm thấy tại thành cổ này ở góc phía tây vào năm 2000.
Trường hợp này rất xót xa và xúc động. Vào năm 2000 trong lúc các công nhân đang thi công hệ thống thoát nước ở cổng phía tây bên này thì ban quản lý đã đào trúng một căn hầm bị sập . Sau khi kiểm tra thì ban quản lý phát hiện trong căn hầm đó có hài cốt của 5 chiến sĩ đã hy sinh trong tư thế là bị chết ngạt, nhưng vẫn đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong 5 bộ hài cốt đó có 4 bộ hài cốt không có tên tuổi, duy nhất bộ hài cốt còn lại thì trên mình chiến sĩ mang một sắc cốp, khi ban quản lý mở ra thì trong đó có túi ni long được buộc rất kỹ đựng một số giấy tờ, 2 lá thư và 2 bức ảnh.
Lần theo địa chỉ đó cuối cùng ban quản lý di tích cũng biết được anh có bức ảnh có tên là Lê Minh Trừng quê anh ở Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1970 anh đã cùng đơn vị vào tham gia chiến trường miền Nam, trên đường hành quân đơn vị anh đã đóng quân tại tỉnh Quảng Bình và tại đó anh đã yêu một cô gái, cô du kích địa phương, chị có tên là Phan Thị Mỹ Khơi và đó là bức ảnh thứ 2 tìm thấy trong sắc cốp. Sau đó thì anh chị đã đến với nhau và có với nhau 1 đứa con, cháu trai được đặt tên là Lê Quảng An, anh chị lấy tên quê hương của anh chị Quảng Bình, Nghệ An để đặt tên cho cháu. 2 năm sau anh Trừng chia tay vợ con để tiếp tục cùng đơn vị vào tham gia chiến trường Quảng Trị và tại thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm khốc liệt anh đã hy sinh trong căn hầm bị sập đó. Sau khi biết tin chị Khơi đã quyết định bồng cháu An lặn lội ra tận Nghệ An để tìm gặp ông bà nội.
Nhưng một điều rất đáng tiếc đã xảy ra. Do giai đoạn chiến tranh nên gia đình anh Trừng đã mất hoàn toàn liên lạc với anh, vì vậy năm 1976 khi chị Khơi bồng cháu An ra gặp ông bà nội thì gia đình anh Trừng đã không chấp nhận chị Khơi là con dâu vì chưa được cưới hỏi bao giờ. Vừa mất chồng vừa không được bố mẹ chồng công nhận là con dâu. Một lần nữa chị Khơi rất là đau buồn bồng con trở lại Quảng Bình năm 1976 và chờ đợi mãi đến năm 2000 lúc tìm được hài cốt anh ở đây, phòng thương binh xã hội thị xã mời gia đình anh tới nhận hài cốt và đặc biệt nhờ những là thư tìm thấy trong chiếc hộp đó liên hệ giữa chị Khơi và anh Trừng trong chiến tranh thì lúc bấy giờ gia đình mới chấp nhận chị Khơi là con dâu và cháu Lê Quảng An con anh chị, sau 28 năm mới được công nhận là con liệt sĩ. Hiện nay di vật của anh được trưng bày tại bảo tàng.
Đây là trường hợp đầu tiên rất xót xa và xúc động, chiến tranh đã gieo rắc cho con người bao nhiêu đau thương và mất mát như vậy.
Trường hợp thứ 2 là di vật của liệt sĩ Lê Văn Quỳnh quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiên Xương tỉnh Thái Bình. Thời gian gần đây chúng ta thường nghe một di vật rất xúc động và thiêng liêng của các chiến sĩ, đó là di vật của chị Đặng Thùy Trâm và anh Nguyễn Văn Thạc. Anh Thạc hy sinh tại kiến Long cách đây khoảng hơn 3km và trường hợp những di vật, những lá thư vĩnh biệt của anh Lê Văn Quỳnh cũng tương tự như vậy. Trường hợp của anh Lê Văn Quỳnh, năm 1972, lúc bấy giờ anh Quỳnh đang là sinh viên năm thứ 4 trường đại học xây dựng khoa cầu đường và anh mới lấy vợ được 6 ngày, chị tên là Đặng Thị Sơ. Lấy nhau được 6 ngày anh Quỳnh phải chia tay chị Sơ lên đường theo lời động viên vào tham gia chiến trường Quảng Trị. Tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt năm 1972, trong lúc tham gia chiến đấu anh Quỳnh đã linh tính và tiên đoán rằng, đất nước sẽ thức và ngày anh sẽ ra đi vĩnh viễn, do vậy anh đã viết trước những là thư vĩnh biệt nhờ đồng đội trao lại cho mẹ, cho vợ, cho bố mẹ vợ với lời nhắn nhủ rằng:
“Nếu mai đây bạn về nơi chốn cũ
Tìm giúp tôi người mẹ thương yêu
Nói với người rằng vì nghĩa vụ
Đứa con yêu đã thác mất rồi”.
Một đoạn đầu tiên anh viết cho mẹ anh thế này “Quảng Trị, 11/9/1972, toàn gia đình kính thương, hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã yên nơi cuối lòng đất thì gia đình khỏi phải nói đó là điều đột ngột. Mẹ kính mến, lớn lên trong tay mẹ từ khi còn đứng nước chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi, bức thư này tới tay mẹ thì chắc mẹ buồn lắm, lòng mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã khổ nhiều mang bao hy vọng nuôi con khôn lớn. Song, vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ vui sống đến ngày đón mừng chiến thắng, con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi.
Bố con ra đi xa để lại cho mẹ biết bao nỗi khổ nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn thì … thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho tổ quốc mai sau”. Đó là đoạn thư đầu tiên anh viết cho mẹ trước lúc anh hy sinh, rất xúc động với trách nhiệm cho tổ quốc và cả gia đình. Đoạn thứ 2 anh viết cho người vợ trẻ mới cưới 6 ngày của mình. Anh dặn dò chị như thế này “em yêu thương, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, biết bao nỗi buồn đang đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh lại và làm theo lời anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh để lại các phong bì và dặn các bạn anh gửi giúp, em hãy đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh, tôi gửi lời chúc sức khỏe tới những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này thôi nhé em đừng buồn khi được sống trong hòa bình hãy nhớ đến lòng anh”. Và đoạn cuối cùng còn lại anh rất cẩn thận và tình cảm, anh đã viết cho bố mẹ vợ nhờ bố mẹ vợ động viên vợ anh khi anh hy sinh và khuyên chị nên đi thêm bước nữa. Anh viết thế này “con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều, mạnh khỏe kéo dài đón mừng ngày thống nhất. Thầy mẹ ạ, chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu thì nay đã… chắc em nó buồn lắm, thầy mẹ động viên em thay con. Theo con đời em còn trẻ lắm, nếu ai người ta thông cảm thầy mẹ động viên em nó nên đi thêm bước nữa cứ ngày này thầy mẹ hãy nhớ tới con, thôi tất cả những gì đã qua cho vào dĩ vãng.
Ra đi con mong thầy mẹ khỏe sống lâu mãi mãi, cho con gửi lời chào bà, các cậu, các mợ, thôi con đi đây, chào tất cả gia đình làng xóm quê hương…”. Sau khi viết những dòng thư đó gửi cho đồng đội thì đúng 3 tháng 20 ngày sau anh Lê Văn Quỳnh đã hy sinh. Mặc dầu gia đình của anh đã nhận đuợc thư của anh từ tay đồng đội năm 1973. nhưng đến năm 2002 thì hài cốt của anh Lê Văn Quỳnh mới được tìm thấy cạnh bờ sông Thạch Hãn đó là nhờ anh Lê Văn Cường là một đồng đội cũ của anh. Hiện nay anh Cường hiện là giảng viên đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Hai anh ở cùng đơn vị, và chính tay Cường đã chôn cất anh Quỳnh lúc anh hy sinh. Vì vậy mà 2002 cả gia đình mới tình cờ gặp lại anh Cường và nhờ anh Cường và một số đồng đội vào lại nơi đây, sau những ngày tìm kiếm mệt mỏi thì hài cốt của anh đã được tìm thấy cạnh bờ sông Thạch Hãn, gia đình đã đưa hài cốt anh ra an táng tại tỉnh Thái Bình và tặng lại lá thư đó cho bảo tàng hôm nay. Một điều nữa là cho đến hôm nay chị Sơ vẫn ở vậy thờ chồng, chị không đi bước nữa, và hiện nay chị vẫn sống tại xã Lê Lợi, huyện Kiên Xương tỉnh Thái Bình.
Trong chương trình người đương thời năm 2003 thì những là thư đó và chị Đặng Thị Sơ đã được nói đến thì các bạn cũng sẽ biết đến trường hợp này và 1 thông tin rất vui là sau chương trình đó hơn 4 tháng thì có một đoàn tham quan thành cổ Quảng Trị và cho biết rằng sẽ tài trợ xây dựng cho chị Sơ một căn nhà trị giá 20 triệu đồng tại xã Lê Lợi huyện Kiên Xương tỉnh Thái Bình. Hai di vật này có thể nói là tiêu biểu cho hàng ngàn chiến sĩ của ta ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, hai di vật này được đăng trên rất nhiều báo như báo An Ninh, Tiền Phong,… và hôm nay được trưng bày tại bảo tàng thành cổ Quảng Trị. Di tích này có ý nghĩa to lớn trong kháng chiến chống Mỹ, mở đường cho cuộc đại chiến mùa xuân năm 1975, chính vì vậy mà nhà nước ta liệt vào hàng di tích quốc gia vô cùng quan trọng, nhà nước rất quan tâm trong vấn đề đầu tư tôn tạo.
Do hàng ngàn chiến sĩ của ta hiện còn nằm lại dưới lòng đất của thành cổ này mà những công trình kiến trúc thời Nguyễn sẽ không được phục dựng lại nữa. Và hôm nay tại thành cổ Quảng Trị người ta xây dựng thành một công viên văn hóa để tri ân và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ là vậy. Quý Anh chị để ý kỹ thấy ngôi mộ chung của thành cổ được thiết kế rất công phu và phù hợp với tâm linh của người phương Đông về sự vận hành vũ trụ cũng như các mối quan hệ âm dương mà mang một ý nghĩa rất sâu sắc là siêu độ cho những âm hồn đã khuất. Ngay phía trên của đài tưởng niệm này người ta làm hình bát giác để tượng trưng cho 8 quẻ là càn, khôn, ninh, chấn, cẩn, khảm, tú, đoài. Tầng mà các bạn dâng hương gọi là tầng lưỡng nghi âm dương, xung quanh có 4 lối bậc cấp dẫn lên để tượng trưng cho tứ tượng là 4 mùa xuân, hạ, thu, đông và đông, tây, nam, bắc, tầng này gồm 2 nửa, nửa âm và nửa dương (có nền đỏ). Trên này có mái đình Việt được cách điệu và ngay giữa mái đình đó có hình thái cực, theo quan niệm triết lý của người phương Đông, hình thái cực sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái, bát quái vận hành sinh ra vạn vật và làm cho vũ trụ luôn vận động và phát triển không ngừng.
Đó là ý nghĩa thứ nhất của đài tưởng niệm, ý nghĩa thứ hai là ở tầng lưỡng cực âm dương, người ta quan niệm rằng âm dương có mối liên hệ với nhau, giữa trời và đất, giữa ngày và đêm, giữa người sống và người chết. Đó là những hình thái của âm dương, âm dương không hoạt động độc lập mà trong âm bao giờ cũng có dương và ngược lại. Ngay ở nửa phần âm người ta làm cái đèn cao 8m1 gọi là đèn quân bình, 8m1 đó tượng trưng cho 81 ngày đêm, đèn có chức năng thiêng liêng là sưởi ấm linh hồn các chiến sĩ ta và siêu độ các anh về cõi thượng hằng. Trên đó người ta cũng làm 3 áng mây với ý nghĩa làm cầu nối giữa trời đất và con người tức thiên địa nhân, và phía dưới người ta làm 3 bát cơm, bởi vì các chiến sĩ hy sinh tại đây hầu như còn rất trẻ. Phong tục của người phương Đông chúng ta thường cúng cơm cho những người đã khuất. Ngoài ra còn có 81 tờ lịch bằng đồng tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu tại đây bắt đầu 28/6 và kết thúc 16/9/1972…

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư