Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận của em về nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược Ngà

Giải thích câu tục ngữ:"Thương người như thể thương thân"
Em hãy giải thích câu tục ngữ : "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn"
Cảm nhận của em về nhân vật ông sáu trong chiếc lược ngà
Từ truyện ngắn '' Lặng lẽ Sa Pa '' viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên
Viết đoạn văn 5-7 câu nêu nhận xét của em về cụm từ "ta với ta" trong bài qua đèo ngang của bà huyện thanh quan và bạn đến chơi nhà của nguyễn khuyến
 
5 trả lời
Hỏi chi tiết
130
1
0
Nguyễn Minh Vũ
11/12/2019 20:55:44
Truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện đầy sâu sắc và cảm động tình cảm cha con thiêng liêng giữa ông Sáu và bé Thu. Đó là một tình cảm đáng trân trọng, nó sáng lên ngay cả trong khói lửa của chiến tranh bạo tàn. Nhân vật ông Sáu là một trong những nhân vật trung tâm của nhân vật, thông qua tìm hiểu nhân vật ta thấy được tình cảm sâu sắc của một người cha hết lòng yêu thương con gái.
Không chỉ là một người cha tốt, ông Sáu còn là một người công dân hết lòng vì đất nước, trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, cũng như bao người yêu nước khác, ông Sáu đã tự nguyện tham gia vào đội ngũ những người lính, cầm súng chiến đấu vì sự tự do, độc lập của tổ quốc. Để thực hiện trách nhiệm với đất nước, thực hiện lí tưởng cứu dân, độc lập dân tộc đầy cao đẹp thì ông Sáu đã phải rời xa quê hương, rời xa gia đình và cô con gái nhỏ. Ông chỉ được về thăm gia đình khi được nghỉ phép vài ngày.
Khi về ông Sáu mang tâm trạng bồi hồi, rạo rực bởi sắp tới đây ông sẽ được về thăm những người thân yêu, đặc biệt là Thu - cô con gái bé nhỏ mà ông hết lòng yêu thương. Từ khi bé Thu được sinh ra, ông Sáu chưa từng được gặp con, cũng chưa một lần được nâng niu, cưng nựng. Nỗi khao khát muốn gặp lại con khiến cho ông Sáu bồi hồi suốt quãng đường về nhà. Khi thuyền còn chưa kịp cập bến thì ông Sáu đã vội vàng nhảy xuống “…nhún chân, xô chiếc xuồng tạt ra, bước vội vàng với những bước dài…” đây là hành động có phần gấp gáp, vội vàng của một người cha nóng lòng muốn gặp con.
Khi nhìn thấy đứa nhỏ chơi ở gần đó, ông Sáu biết chắc đó là con của mình, sự xúc động dâng trào khiến cho ông Sáu kêu to tên con “Thu! Con”, ông đưa tay ra đón chờ con, nhưng trái ngược với sự mong chờ, hi vọng của ông Sáu, bé Thu lại không biết người đàn ông kêu tên mình là ai. Hơn nữa, vết thẹo lớn trên mặt của ông Sáu khiến cho bé Thu sợ hãi, vừa khóc vừa gọi mẹ.
Nhìn thấy con mình vì sợ hãi mà chạy vào nhà, ông Sáu đã vô cùng đay khổ, ông thẫn thờ, khuôn mặt tối sầm lại, đôi tay thì buông thõng vô cùng đáng thương. Có lẽ, ông Sáu đã không thể ngờ được giây phút mà cha con hội ngộ lại thành ra như vậy, sự thất vọng, bất ngờ xâm chiếm khiến cho ông Sáu trở nên đáng thương.
Tâm trạng của ông Sáu trong những ngày nghỉ phép cũng rất phức tạp, vừa là niềm vui vì được về thăm gia đình, quê hương, người thân nhưng ông cũng buồn bã, đau đớn vì đứa con không chịu nhận cha. Bé Thu không những không chịu nhận cha mà còn đối xử với ông Sáu vô cùng lạnh nhạt. Ông Sáu ở nhà suốt ngày và không muốn đi đâu, ông luôn tìm cách để có thể vỗ về con. Nhưng sự quan tâm, vỗ về của ông Sáu lại không thể thay đổi được thái độ lạnh nhạt của bé Thu.
Là một người cha,ông Sáu luôn cảm thấy có lỗi với con vì không thể ở bên chăm sóc khi con ra đời, ông khao khát được một lần nghe tiếng gọi “ba” của bé Thu. Trước những hành động chối bỏ, lời nói lạnh nhạt của con, ông Sáu không lỡ giận mà chỉ khe khẽ lắc đầu và cười, nụ cười ấy không phải nụ cười của hạnh phúc mà là nụ cười của sự bất lực, cam chịu.
Dù rất yêu thương con nhưng có một lần vì quá nóng giận mà ông Sáu đã lỡ đánh bé Thu, đó là khi bé Thu dùng đũa hẩy miếng trứng cá ra khỏi bát khi ông Sáu gắp cho bé, đây cũng là hành động khiến ông Sáu vô cùng hối hận, ngay cả khi hi sinh trên chiến trường ông cũng không thôi day dứt, đau khổ.
Đến ngày lên đường, dù nhìn thấy bé Thu ở trong góc nhà, dù rất muốn đến gần ôm và tạm biệt con nhưng ông Sáu lại sợ những phản ứng sợ hãi, chối bỏ của con mà chỉ đứng đó nhìn con với ánh mắt đầy đau khổ. Khi chuẩn bị bước lên xuồng, bé Thu bất ngờ chạy đến gọi cha, ông Sáu đã vô cùng xúc động ôm chầm lấy con, lấy khăn tay lau nước mắt và âu yếm hôn lên mái tóc của con. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên ông Sáu rơi nước mắt nhưng đây là giọt nước mắt hạnh phúc, giọt nước mắt trùng phùng của tình cảm cha con.
Khi về công tác tại đơn vị kháng chiến, tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu vẫn khiến chúng ta vô cùng cảm động. Ông hối hận vì một chút nóng nảy mà lỡ tay đánh con. Trước khi chia tay, ông đã hứa ngày trở về sẽ tặng bé Thu một chiếc lược ngà, có thể thấy tác giả NGuyễn Quang Sáng rất chú trọng tả những chi tiết đến chiếc lược ngà này.
Khi chiến đấu, ông vô tình kiếm được một mảnh ngà voi, khi ấy ông Sáu vui vẻ, hớn hở như một đứa trẻ vừa được cho quà, niềm vui, sự xúc động này được thể hiện trực tiếp qua chi tiết: “từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”.
Tình cảm sâu sắc của người cha dành cho con được thể hiện ngay trong việc làm cho con cây lược, ông Sáu tỉ mỉ trong từng chi tiết, cưa từng chiếc răng “…tỉ mỉ cố công như một người thợ bạc…” Khi hoàn thành chiếc lược, ông Sáu đã khắc lên thân lược dòng chữ “ Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Những dòng chữ gắn gọn nhưng lại chứa chan biết bao nhiêu tình cảm khiến chúng ta xúc động.
Mỗi khi nhớ con, ông Sáu lại mang chiếc lược ra để ngắm nghía, đôi lúc mài lên mái tóc để làm cho cây lược bóng hơn vì ông không muốn khi con chải tóc sẽ bị đau. Chiếc lược trở lên ý nghĩa hơn bao giờ hết, nó không chỉ đơn thuần là món quà của người cha mà đó còn là biểu tượng của tình yêu, của nỗi nhớ của một người cha hết lòng yêu thương con.
Khi chưa kịp trao cây lược ngà cho con gái như lời hứa hẹn trước ngày lên đường thì ông Sáu đã hi sinh trên chiến trường, đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình ông khôn nguôi nhớ về con. Ông dồn chút lực tàn để lấy ra cây lược mà ông luôn mang theo bên mình để đưa lại cho người bạn chiến đấy của mình. Đây là một lời trăng trối đầy thiêng liêng, đó là ước nguyện cuối cùng của người cha ấy.
Qua hình ảnh của ông Sáu, Nguyễn Quang Sáng không chỉ cho chúng ta thấy tình cảm cha con thật thiêng liêng, đẹp đẽ mà nó còn cho thấy sự tàn bạo của chiến tranh, nó làm cho gia đình li tán, con xa cha, vợ lìa chồng. Tuy nhiên, truyện ngắn cũng là sự khẳng định mạnh mẽ về tình cảm gia đình, thứ tình cảm thiêng liêng mà bom đạn của kẻ thù không thể nào phá hủy được.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Nguyễn Minh Vũ
11/12/2019 20:56:12
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Ta nên hiểu câu này như thế nào và đánh giá nó ra sao ? Phải chăng đây chính là kinh nghiệm quý báu mà ông cha của chúng ta từ nghìn xưa đã để lại cho con cháu suy ngẫm và học hỏi.
Câu tục ngữ dùng hai sự vật “gỗ” và “nước sơn” để làm một phép so sánh. ”Gỗ” là chất liệu để làm đồ dùng như tủ,giường,bàn,ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu để quét lên lớp bên ngoài cho các đồ dùng ấy thêm đẹp thêm bền. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bóng nhoáng bề ngoài mà đã mua phải một đồ dùng bằng gỗ xấu hoặc gỗ mọt. Ông cha ta với kinh nghiệm sống của mình đã kết luận là: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Đó là hiểu theo nghĩa đen.Còn nghĩa bóng của câu tục ngữ thì rộng hơn rất nhiều.Nó bao hàm một lời khuyên về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một con người đừng nên để cái vỏ hình thức hào nhoáng bên ngoài mê hoặc mà phải coi trọng cái thực chất bên trong. Ngoài ra, câu này còn bao hàm một lời khuyên về cách sống; hãy sống chân thật bằng thực chất của mình, chân thành trong cách đối nhân xử thế, đừng ba hoa, khoác lác lòe đời bằng cái vỏ hình thức giả tạo, "chớ khéo đem cái mã bề ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong”.
Như mọi câu tục ngữ khác,câu tục ngữ này cũng là đúc rút kinh nghiệm của cha ông chúng ta, trải qua biết bao thế hệ,với bao thành bại, nên hư, vấp váp mới đúc rút thành chân lí: ”Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi nhìn nhận đánh giá một sự vật, ta phải thấy rằng giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong, không phải lúc nào cũng thống nhất mà thông thường thì những sự vật có thực chất kém cỏi lạ thường một hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Một vật dụng như chiếc tủ, chiếc giường, chiếc bàn bằng gỗ tạp lại được sơn phết, tô điểm với nước sơn bóng nhoáng, màu mè. Mỗi kẻ vô tài thường làm ra vẻ lịch duyệt, hiểu biết. Những kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Do đó, trong tiếp xúc thường ngày với mọi sự vật,mọi con người phải chú trọng vào chất lượng bên trong của sự vật, vào vẻ đẹp tâm hồn của con người chớ đừng vì bóng sắc hấp dẫn bên ngoài mà quên đi cái mục ruỗng, thối nát, xấu xa và vô vị bên trong. Bởi vì nghĩ cho kĩ, suy cho cùng, nếu chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức tài năng và trí tuệ.
Nhưng cũng không thể chỉ xem trọng nội dung mà lãng quên đi mặt hình thức.Một vật dụng,một món hàng đã có chất lượng tốt, gỗ tốt gỗ quý lại có bao bì,hay nước sơn xinh xắn tô điểm, trang trí đẹp đẽ thì giá trị vật dụng ấy, món hàng ấy càng được nâng thêm. Hình thức bên ngoài như thế đã góp phần làm tăng thêm cho giá trị bên trong. Một cái tủ, một chiếc bàn làm bằng gỗ đỏ hay bằng lăng mà lại còn được sơn bóng nhoáng hẳn sẽ vừa ý vừa lòng người mua. Một con người cũng vậy, có học vấn, đạo đức lại nói năng lịch sự thanh nhã,ăn mặc gọn gàng,sạch đẹp dễ làm ta thêm quý trọng hơn hẳn người tuy cũng có tài năng,đạo đức nhưng ăn nói thô lỗ, cộc cằn, áo quần xốc xệch. Đúng là cái đẹp lí tưởng phải là hài hòa giữa nội dung và hình thức.
Vậy để đánh giá và nhận xét một vật dụng,một con người,chúng ta dựa trên cơ sở cả nội dung lẫn hình thức.Hai mặt này kết hợp và bổ sung cho nhau làm nên giá trị của vật dụng ấy,con người ấy,trong đó nội dung giữ vai trò quyết định.Khi đánh giá,ta cần coi trọng chất lượng của sự vật cũng như đạo đức,tài năng trí tuệ của con người.
Tóm lại, "tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá, chọn lọc ở đời mà còn giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế.Không nên dựa dẫm vào cái hình thức bề ngoài vay mượn, không phải của mình để vênh vang tự phụ với mọi người rồi không chịu tu dưỡng rèn luyện. Cũng đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài, trang điểm mặt này, chưng diện quần áo mà quên đi cái chân giá trị của con người là đạo đức,trí tuệ và tài năng. Bài học mà câu tục ngữ này dạy ta thật là đúng đắn và sâu sắc.
1
0
Nguyễn Minh Vũ
11/12/2019 20:56:36
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn Nam Bộ nên trong văn thơ của ông có cái chất hồn hậu, mộc mạc mà thấm tình người như chính con người Nam Bộ vậy. Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" sáng tác năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ gay gắt, quyết liệt ở chiến trường miền Nam. Trong không khí chiến tranh, tình cảm cha con trong truyện ngắn được nhà văn làm nổi bật tạo sự xúc động mãnh liệt cho người đọc. Trong các nhân vật trong truyện ngắn, hình ảnh người cha, tức ông Sáu thật khiến người đọc cảm thấy thật bình dị song cũng thật đẹp, tình yêu ông dành cho bé Thu làm lay động tâm hồn của độc giả.
Ông Sáu sau tám năm chiến đấu ở chiến trường, khi được nghỉ phép về thăm nhà, lòng ông nôn nao vì biết sắp được gặp con gái của mình, khi ông đi, con gái của mình mới được hơn một tuổi. Vì vậy,lần này trở về không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, mong chờ. Có lẽ, tình cảm cha con thiêng liêng khiến ông nhận ngay ra bé Thu khi thuyền vừa mới cập bến, đó là một đứa bé khoảng lên chín, lên mười đang chơi ở gốc xoài. Sự xúc động, vui sướng khiến ông nghẹn ngào gọi tên con: "Thu! con" . Sự nôn nóng, xúc động của ông Sáu ta hoàn toàn có thể hiểu được. Với một người cha mà nói, sự xa cách, biệt li suốt tám năm ròng với chính đứa con gái mình hết mực yêu thương, nay được gặp lại vừa là niềm vui đoàn viên, vừa là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Tuy nhiên, mọi niềm vui của ông Sáu dường như không được lâu, bởi ngay sau đó, khi ông "bước tới vừa đưa tay đón chờ con" thì bé Thu không chạy lại ôm chặt lấy ông như ông từng mường tượng mà còn bé "tròn mắt nhìn", cái nhìn "vừa lạ lùng, vừa ngơ ngác". Sự xúc động làm cho vết thẹo trên mặt của ông "giật giật", giọng nói run run không còn kìm chế được được sự xúc động: "Ba đây con! Ba đây con". Vì sự nôn nóng, biểu hiện có phần gấp gáp, vồ vập của ông Sáu, lại thêm vết sẹo đỏ ửng trên mặt giật giật khiến cho bé Thu hoảng sợ , bé đã chạy đi, vừa chạy vừa kêu thét "má! Má". Bé Thu là một đứa trẻ, trước mặt có người lạ, lại có phần đáng sợ bởi vết sẹo trên mặt, sự hoảng hốt của bé, ông Sáu cũng phần nào hiểu được.
Nhưng bởi vì quá hi vọng vào cuộc đoàn viên hạnh phúc này nên khi bị bé Thu khước từ đón nhận, hoảng sợ chạy vụt đi thì ông Sáu đã "ngạc nhiên, đau đớn và hụt hẫng". Sự đau khổ của người cha bị chính con mình từ chối thừa nhận được nhà văn Nguyễn Quang Sáng miêu tả rất xúc động : "đau đớn khiến mặt anh sầm lại...hai tay buông thỏng như bị gãy". Người cha náo nức vì niềm vui được gặp con gái,muốn ôm con vào lòng với tất cả sự âu yếm dành dụm bao năm xa cách nhưng lại bị đứa con hoảng sợ, chối từ. Đó chẳng phải nỗi đau đớn, tuyệt vọng nhất của một người cha hay sao?
Hai ngày ở nhà, ông Sáu cũng chẳng dám đi đâu xa, cứ quanh quẩn tìm mọi cách để được gần con, mong mỏi sự đón nhận của bé Thu. Tuy nhiên, hiện thực diễn ra khiến ông vô cùng đau lòng, bé Thu không những nhất quyết không chịu nhận ông, mà một chút quan tâm, chút lễ phép đối với ông cũng không có. Khi được má sai vào gọi ba xuống ăn cơm, bé Thu cũng gọi cộc lốc, trống không, gọi chỉ vì bắt buộc phải làm vậy: "cơm chín rồi".Lúc ấy ông Sáu "vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười". Tuy là cười đấy, nhưng sao nụ cười này thật buồn, còn man mác sự thất vọng, bất lực, khổ tâm của người cha. Vì dù bao nhiêu cố gắng đi nữa thì cũng đều vô vọng, chính đứa con gái ruột thịt mình yêu quý đều một mực khước từ, thậm chí còn phủ nhận sự xuất hiện của ông.
Tuy rất buồn nhưng chưa một phút giây nào ông Sáu thôi cố gắng, thôi chăm chút, lo lắng cho bé Thu. Trong bữa cơm gia đình, vì yêu thương con nên ông Sáu đã gắp cho con miếng trứng cá to nhất, ngon nhất. Nhưng đáplại cử chỉ ân cần ấy là sự chối bỏ quyết liệt của con bé, con bé không những không đón nhận nó mà còn dùng đũa hất miếng trứng ra ngoài. Vì quá tức giận, ông Sáu đã đánh con. Đánh con nhưng lòng người cha còn đau gấp bội. Vì hành động nóng nảy này mà đến lúc hi sinh, ông Sáu vẫn mang theo sự hối hận. Đến tận lúc chia tay, lên đường vào chiến trận, ông Sáu vẫn "buồn nẫu ruột", ông không dám chạy lại ôm con, bế con vì sợ con bé hoảng sợ. Ông chỉ đưa mắt lên nhìn, cái nhìn cũng "buồn rầu". Nhưng thật bất ngờ,vào giây phút cuối cùng, khi sắp phải chia tay, ông Sáu lại vỡ òa trong hạnh phúc vì tiếng gọi ba bất ngờ từ bé Thu "b...a..". Ông Sáu sững sờ, một lần nữa không kìm nén được xúc động, người đàn ông ấy một tay ôm con, một tay lau nước mắt. Có thể nói, đây là món quà ý nghĩa nhất mà ông Sáu nhận được trước giây phút lên đường.
Vào chiến trường, ông Sáu không giây phút nào thôi nhớ con, vì lời hứa mua cho bé Thu một chiếc lược, nên khi nhặt được một mảnh ngà, ông đã vui sướng như nhặt được một thứ gì lớn lao lắm. Rồi cũng tự tay ông làm món quà này tặng cho con. Trên chiếc lược ông còn kì công khắc lên những dòng chứa đầy yêu thương: "Yêu nhớ, tặng Thu con của ba". Khi chiến đấu, vào giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, ông Sáu vẫn nhớ đến con. Thu hết tàn lực, ông lấy ra cây lược, trao cho ông Ba, bạn chiến đấu thân thiết của mình, cũng là người ông tin tưởng nhất lúc này. Không đủ sức chăng chối điều gì, ông Sáu chỉ nhìn ông Ba thật. Ánh nhìn ấy ám ảnh và thiêng liêng hơn một lời di chúc. Và đến lúc nhận được lời hứa từ ông Ba: "Tôi sẽ mang về trao tận tay cháu", ông mới nhắm mắt đi xuôi. Ông Sáu ra đi, nhưng kỉ vật là cây lược ngà, vật chứa đựng biết bao tình cảm của ông dành cho con thì vẫn còn mãi đó. Tấm lòng của người cha dành cho con đến phút cuối của cuộc đời vẫn bao la như vậy, da diết như vậy.
Thông qua nhân vật ông Sáu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ khắc họa được sinh động mà không kém phần chân thực hình ảnh người cha vĩ đại, cùng với tình yêu to lớn dành cho con của mình. Mà còn đánh động vào sâu thẳm trãi tim mỗi độc giả tình cảm cha con. Tôi tin rằng đọc tác phẩm này, nhiều độc giả nhớ về cha mình, nhớ về những hi sinh thầm lặng của cha trong suốt cuộc đời để dành cho chúng ta. Ta cảm nhận được sự thiêng liêng, vĩ đại nơi ông Sáu, ông không chỉ dành cho bé Thu tình cảm tuyệt vời nhất mà còn lưu giữ lại cho bé Thu một kỉ vật, đó chính là chiếc lược ngà, để khi nhìn vào đó, bé Thu có thể nhớ về cha mình, biết được tình cảm của cha dành cho mình sâu đậm đến mức nào
Không chỉ là một người cha hết lòng yêu thương con, ông Ba còn là một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, dũng cảm. Ông gắn bó với chiến trường, ngày ngày đối đầu với mưa bom bão đạn cũng chỉ mong mỏi đất nước được hòa bình, đất nước được tự do. Ông đã dành hơn nửa cuộc đời của mình để chiến đấu, dù có thương nhớ con nhưng ông cũng chưa bao giờ từ bỏ, vẫn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh, dâng hiến bất cứ lúc nào về Tổ quốc, quê hương của mình. Ta có thể thấy, dù yêu con nhưng ông Sáu cũng biết được trách nhiệm lớn lao của mình đối với Tổ Quốc. Vì vậy mà ông gác lại mong muốn được gặp con, được ôm con vào lòng, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc thân yêu. Không chỉ chịu nhiều nỗi đau về thể xác khi chiến đấu, vết tích còn để lại đó là vết thẹo dài trên mặt mà ông cũng đã hi sinh tính mạng của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Như vậy, thông qua truyện ngắn "Chiếc lược ngà", nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ làm nổi bật lên sự thiêng liêng của tình cha con, nỗi đau, nỗi mất mát mà chiến tranh mang lại cho mỗi gia đình. Mà nhà văn còn khắc họa thành công nhân vật ông Sáu, người chiến sĩ kiên trung, song cũng là một người cha dành cho con mình tình cảm yêu thương vô bờ bến. Câu chuyện về ông Sáu thật khiến người đọc xúc động, bồi hồi, bởi hình ảnh ấy quá đẹp, nó chạm vào phần tình cảm sâu thẳm trong trái tim mỗi độc giả, đó là tình phụ tử thiêng liêng.
1
0
Nguyễn Minh Vũ
11/12/2019 20:57:06
Sau khi học xong văn bản Lặng lẽ Sa Pa, nhân vật anh thanh niên đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc khó quên. Trước tiên anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời,yêu nghề ,ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình.Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái,bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”Dù cho công việc vất vả ,có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn.Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường,nhỏ bé so với bao ngừơi khác.Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay.Với truyện ngắn này ,phải chăng nhà văn muốn khẳng định:Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu,hy sinh lớn lao và thầm lặng?Những con người cần mẫn,nhiệt thành như anh thanh niên ấy, khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng,thật đáng tin yêu .
1
0
Kiên
11/12/2019 21:05:08

Giải thích câu tục ngữ:"Thương người như thể thương thân"
 

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu phản ánh tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ – một truyền thống quý báu của dân tộc. Một trong những số đó là câu tục ngữ "thương người như thể thương thân".

Trước hết ta phải hiểu thế nào là "Thương người như thể thương thân"? "thương người" là thương yêu, quan tâm, đùm bọc những người xung quanh, "thương thân" nghĩa là yêu thương, chăm sóc chính bản thân mình. Hai cụm từ trên liên kết với nhau bởi sự so sánh ngang bằng: Như thể. Chúng ta thường yêu thương, động viên, chăm sóc bản thân mình khi bị ốm đau, khi gặp khó khăn hay bất lực trong cuộc sống. Và ta cũng nên yêu thương, quan tâm tới người khác như chính với bản thân mình. Dân gian còn có nhiều câu tục ngữ hay ca dao mang nội dung tương tự để nhấn mạnh và tăng sức thuyết phục với bài học mà họ gửi gắm. Một trong số chúng là:

"Lá lành đùm lá rách"

"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

Vậy tại sao con người phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Thứ nhất, là người ai cũng mong muốn cuộc sống của mình được hạnh phúc, ấm no, đầy đủ, không cực khổ, nhưng không phải ai cũng đạt được như vậy. Có những người dù đã vô cùng cố gắng nhưng họ vẫn gặp phải hết khó khăn này đến khó khăn khác, ít khi được điều mà mình mong muốn. Những lúc khó khăn mệt mỏi như vậy mà nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia, giúp đỡ chân tình thì họ sẽ vơi đi bao nỗi ưu tư, phiền muội và được tiếp thêm niềm tin và nghị lực để tiếp tục tiến về phía trước. Ngoài ra, khi ta giúp đỡ, cho đi tình yêu thương ta sẽ nhận được niềm vui, sự thanh thản, niềm tự hào với bản thân vì mình đã làm được những việc tốt, những điều có ích. Những việc làm nhân đạo như vậy góp phần xây dựng một cuộc sống văn minh, tiến bộ và tươi đẹp, giàu tình nhân ái, thêm nữa sự yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ cùng góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, nếu chẳng may ta gặp khó khăn, những người trước kia được ta giúp đỡ sẽ quay lại đùm bọc, giúp đỡ ta cùng ta vượt lên số phận. Nói như vậy không có nghĩa là cứ cho đi là phải nhận lại mà tình yêu thương chỉ góp phần xây dựng các mối quan hệ mà thôi. Quan trọng nhất, chúng ta cùng sống trên dải đất hình như S thiêng liêng, nói cùng tiếng mẹ đẻ, chung một tổ tiên, đều là con Lạc cháu Hồng, có cùng trang lịch sử đau thương nhưng rất đỗi hào hùng... Ta đều tự hào bởi 2 tiếng Việt Nam, đều máu đỏ da vàng, mang trong mình dòng máu nồng nàn yêu nước... Tất cả những điểm chung đó đều là những minh chứng xác đáng giải thích cho việc tại sao chúng ta phải yêu thương nhau bởi ta là những người anh em thân thiết tuy không cùng huyết thống hay họ hàng gì. Cuối cùng, một xã hội nếu thiếu đi tình yêu thương thì sẽ vô cùng nghèo nàn, nhạt nhẽo, chỉ là một thế giới con người ích kỷ, ngày ngày chỉ đi qua nhau như những người xa lạ, chỉ biết khoanh tay trước sự đau khổ của người khác. Một xã hội không có trái tim, chỉ có sự lạnh lẽo, cô độc, chẳng khác nào một xã hội chết.

Vậy thì chúng ta cần làm gì để phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc? Trước tiên, trong gia đình ta phải biết yêu thương, quan tâm giúp đỡ ông bà cha mẹ, đặc biệt là anh chị em, ta nên giúp đỡ gia đình từ những việc nhỏ nhất như nấu cơm, quét nhà... đến những việc lớn hơn. Đi học về phải chào mọi người, ăn cơm phải biết mời người lớn dùng bữa trước, khi ăn xong phải rót nước cho cả nhà, lúc ông bà, cha mẹ không khỏe thì hỏi thăm, em nhỏ nghịch dại nên khuyên bảo... Sau nữa ở trường lớp, cùng là bạn bè, học chung dưới một mái trường thì nên giúp đỡ, sẻ chia với những người bạn có hoàn cảnh khó khăn để cùng chung tay xây dựng, vun đắp ước mơ đến trường của các bạn. Hay trong một lớp, bạn học giỏi thì giúp đỡ những bạn học kém hơn mình để cùng nhau vươn lên trong học tập. Chúng ta cũng nên thường xuyên tham gia các quỹ nhân đạo, ủng hộ chữ thập đỏ do nhà trường tổ chức. Ngoài ra, ở ngoài xã hội, tương thân tương ái cũng có thể rèn luyện dễ dàng. Nhà nước ta có biết bao chính sách xây dựng những mái ấm tình thương, làng trẻ em SOS... để cưu mang những trẻ em mồi côi không nơi nương tựa, ta cũng dễ dàng tìm thấy những chương trình hay quỹ từ thiện trên ti vi, báo đài như vì bạn xứng đáng, lục lạc vàng, điều ước thứ bảy, trái tim cho em...tham gia những hoạt động từ thiện ấy là một cách hữu hiệu để phát huy truyền thống tương thân tương ái của cha ông.

Tóm lại, câu tục ngữ "thương người như thể thương thân" đã đúc rút một bài học đúng đắn và vẫn còn giá trị to lớn trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mỗi chúng ta cần giữ gìn và phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc để xây dựng một cuộc sống tươi đẹp, văn minh. Câu tục ngữ cũng giúp ta hoàn thiện nhân cách, phát triển tâm hồn.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 8 mới nhất
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư