- Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, bản chất bóc lột, áp bức của giai cấp tư sản càng bộc lộ rõ, giai cấp vô sản và nhân dân lao động càng nghèo khổ. Điều này đã tác động đến ý thức, tư tưởng của một số người tiến bộ trong giai cấp tư sản. Họ nhận thức được những mặt xấu xa của xã hội tư bản và đề xuất kế hoạch xây dựng một xã hội mới, không có tư hữu, không có bóc lột... Đó là nội dung của chủ nghĩa xã hội không tưởng mà đại diện xuất sắc là Xanh Xi-mong, Sác-lơ Phu-ri-e ở Pháp và Rô-bớt Ô-oen ở Anh.
- Công lao của các nhà xã hội không tưởng là phê phán sâu sắc xã hội tư bản, có ý thức bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân, dự đoán về xã hội tương lai.
- Tuy nhiên, do chưa phát hiện được những quy luật phát triển của chế độ tư bản và cũng không nhìn thấy lực lượng xã hội có khả năng xây dựng xã hội mới là giai cấp công nhân nên các kế hoạch đề ra đều không thực hiện được.
Tuy vậy, trong bối cảnh xã hội bấy giờ, chủ nghĩa xã hội không tưởng là một trào lưu tư tưởng tiến bộ, có tác dụng cổ vũ người lao động và là một trong những tiền đề cho học thuyết Mác sau này.