Mùa thu 1895. Lê-nin thống nhất các nhóm mácxít ở Xanh Pê-téc-bua thành một tổ chức chính trị, lấy tên là Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Đó là mầm mống của Đảng mácxít cách mạng.
Năm 1898, tại Min-xcơ, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tuyên bố thành lập nhưng không hoạt động được vì ngay sau đó các thành viên đều bị bắt.
Do tham gia hoạt động cách mạng chống chế độ Nga hoàng, Lê-nin bị bắt và bị đày đi Xi-bia. Năm 1900, hết hạn đày, ông cùng các đồng chí của mình xuất bản báo Tia lửa nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân Nga. Năm 1903, Đại hội Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga được triệu tập ở Luân Đôn dưới sự chủ trì của Lê-nin để bàn về cương lĩnh và điều lệ của Đảng.
Tại Đại hội, đa số đại biểu tán thành đường lối cách mạng của Lê-nin nên gọi là phái Bônsêvích, còn thiểu số theo khuynh hướng cơ hội, chống lại Lê-nin nên gọi là phái Mensêvích.
Trong thời gian này, Lê-nin viết nhiều tác phẩm quan trọng nhằm phê phán sâu sắc những quan điểm của chủ nghĩa cơ hội, đồng thời khẳng định vai trò của giai cấp công nhân và Đảng tiên phong của lực lượng này ; nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chính trị trong sự nghiệp giải phóng người lao động.