Phụ nữ Việt Nam trung trinh tiết hạnh,Trang điểm cuộc đời muôn cánh hoa thơm.Ra ngoài giúp nước, giúp non,Về nhà tận tụy chồng con một lòng.Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đó là đối với cha mẹ, còn đối với bản thân thì:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình.
Người phụ nữ Việt Nam, ngay từ lúc còn ẵm ngửa cho đến khi biết lật, biết bò lớn dần trong nhịp võng đưa qua tiếng hát của bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em:
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Hay qua điệu hát ầu ơ:
Ầu ơ… Bao giờ Chợ Quán hết vôi,
Thủ Thiêm hết giặc, em thôi đưa đò.
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
Hoặc qua điệu ru ạ ờ:
Ạ ờ… Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con cá rô, trê,
Tròng cổ lôi về cho cái ngủ ăn…
Những vần ca dao mộc mạc, bình dị đã đưa em bé gái Việt Nam vào giấc ngủ an bình và từ ngày nầy qua ngày khác, tiếng ru lắng đọng, thẩm thấu vào tiềm thức của em bé nên sau nầy lớn lên thành chị, thành mẹ, thành bà lại hát để ru em, ru con, ru cháu theo nhip võng đưa kẽo kẹt đều đều.
Hát ru em, hát ầu ơ, ạ ờ là một điệu hát thông dụng được phổ biến từ thôn xóm, làng mạc cho đến thị thành. Hát ru em là một bản trường ca bất tận của kho tàng văn chương Việt Nam. Vào những buổi trưa vắng lặng hay những đêm khuya yên tĩnh, cùng với tiếng võng đưa, giọng hát ầu ơ, ạ ờ dịu dàng, trìu mến của bà, của mẹ, của chị vang mãi trong lòng đứa trẻ ấu thơ. Tiếng võng đưa kẽo kẹt đều đều cùng với tiếng hát đã văng vẳng từ bao thề hệ trên đất nước Việt Nam theo dòng sinh mệnh của dân tộc. Trải qua bao nhiêu thế hệ, trong mọi gia đình, nghèo cũng như giàu, cái nhịp đều đều của tiếng võng đưa không bao gời dứt. Không có người Việt Nam nào không từng hơn một lần nằm võng và tiếng võng đưa hòa cùng tiếng trẻ khóc, tiếng hát ru đã trở thành điệu nhạc muôn đời của dân tộc ta.
Thấm thoắt, em bé gái Việt Nam nho nhỏ ngày nào nay đã lớn dần và có thể giúp đỡ mẹ những công việc lặt vặt. Một đôi khi lầm lỗi trong công việc bị mẹ quở mắng hay đánh đòn, em không bao giờ dám oán trách mẹ. Nếu bị quở mắng thì nhỏ nhẹ rằng:
Mẹ ơi đừng mắng con hoài,
Để con bẻ lựu, hái xoài mẹ ăn.
Còn nếu bị đánh đòn, nàng chỉ thỏ thẻ:
Mẹ ơi đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.
Theo thời gian, cô bé Việt Nam bây giờ đã trở thành thiếu nữ dậy thì, trước khi lấy chồng, một đôi lúc ngồi nhìn những hạt mưa rơi, nàng nghĩ vẩn vơ:
Thân em như hạt mưa rào,
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Hay bâng khuâng tự hỏi:
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Ngồi cành trúc, tựa cành mai,
Đông đào, tây liễu biết ai bạn cùng?
Đến tuổi dậy thì, phụ nữ Việt Nam trổ mã, đẹp dần lên. Mỗi nàng một vẻ đẹp riêng, người thì đẹp qua đôi mắt, người khác đẹp ở mái tóc, có cô đẹp qua nụ cười, cô khác đẹp bằng hai má lúm đồng tiền, có người đẹp với chiếc eo thon thon, dáng đi yểu điệu, có người đẹp trừu tượng qua tâm hồn… Tóm lại, mỗi người một vẻ để làm rung động hay làm xao xuyến con tim của người khác phái.