Bài làm:
Tế Hanh là một nhà thơ để lại ấn tượng trong làng thơ ca Việt với bài thơ Quê hương. Một bài thơ nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng lại chứa đựng tình yêu quê hương chân thành mà sâu sắc của ông.
Mở đầu bài thơ tác giả đã giới thiệu về làng quê của mình tới độc giả:
“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai làng bơi thuyền đi đánh cá”
Khung cảnh về một làng quê làm nghề chài lưới được tác giả nhắc đến vào thời điểm buổi sáng sớm. Không gian rộng lớn được gợi tả bởi từ hình ảnh của làn nước biển bao quanh. Ở câu thơ thứ ba Tế Hanh đã liệt kê một loạt hình ảnh xuất hiện vào sáng sớm của làng chài. Tất cả những hình ảnh “gió nhẹ, sớm mai hồng” từ lâu đã in sâu vào trong tâm tưởng của nhà thơ và thường trực xuất hiện mỗi khi ông nhớ về quê hương. Không chỉ gợi tả cảnh mà còn nói đến hoạt động của làng chài đó là “bơi thuyền đi đánh cá”. Một hình ảnh lao động đẹp đẽ, khỏe khoắn được nhà thơ tiếp tục khắc họa trong khổ thơ tiếp theo:
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”
Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh để làm nổi bật lên vẻ đẹp cũng như tốc độ của chiếc thuyền. Cho thấy cảnh tượng ra khơi đầy vẻ hào hùng và khí thế của người dân làng chài. Đó là vẻ đẹp của của những người lao động đang miệt mài, hăng say cho công việc Con thuyền phăng phăng trước làn sóng, rẽ nước mạnh mẽ vượt trường giang. Hình ảnh cánh buồm, không chỉ là cái hồn của con thuyền, giúp con thuyền có thể ra khơi mà nó còn là “mảnh hồn làng”. Cánh buồm ra khơi, vượt đại dương mang heo khát vọng của quê hương, chính cánh buồm đã định hướng cho con thuyền mượn gió để vượt biển. Con thuyền nói chung và cánh buồm nói riêng mang theo ước nguyện của người dân làng chài đó là buổi đánh cá thành công, thu được nhiều cá tôm. Tất cả mọi người kể cả những thanh niên trai tráng trên thuyền lẫn bà con ở nhà đều mong sớm mai họ sẽ thu được kết quả tốt đẹp:
“Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”
Đoạn thơ chính là kết quả của một ngày trời đánh cá ngoài biển. Trước tiên là khung cảnh từ xa được tác giả Tế Hanh cảm nhận bằng thính giác đó chính là không khí nhộn nhịp, ồn ào trên bến đỗ. Đó là nơi những con thuyền tụ họp sau một ngày ra khơi nay đã trở về mang theo thành quả lao động của một ngày làm việc miệt mài, hăng say. Đó cũng là lúc toàn bộ ngôi làng như bừng tỉnh vào sáng sớm để đón thuyền cá đầy ghe về bến đỗ. Người dan làng chài chẳng có mong ước cao sang gì ngoài việc biển lặng, cá đầy ghe. Và kết quả là đúng như mong ước của mọi người nên đoạn thơ có không khí vui tươi, nhộn nhịp.
Ở khổ thơ tiếp theo Tế Hanh đã đi khắc họa vẻ đẹp của những người dân lao động:
“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nổng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”
Những người làng chài, cuộc sống của họ gắn liền với biển khơi, với nắng, gió biển. Chính vì vậy nên họ có làn da ngăm rám nắng. Một làn da khỏe khoắn, trở thành đặc trưng riêng của người dân nơi đây. Thêm vào đó là họ mang theo hơi thở của biển cả. Chiếc thuyền sau khi ở ngoài biển xa nay trở về nằm im trên bến để nghỉ ngơi sau những ngày mệt mỏi để chuẩn bị cho chuyến đánh cá tiếp theo. Vì nó không bao giờ rời xa biển nên chất muối của nước biển như thấm vào từng thớ vỏ của con thuyền. Đó là cách nói thể hiện mối quan hệ gần gũi, gắn bó của con thuyền với biển, hay chính của người dân làng chài với biển cả.
Đoạn thơ cuối nhà thơ đã bày tỏ tâm trạng của mình, nỗi lòng của mình với quê hương:
“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá”
Chỉ có khi cách xa thì nỗi nhớ ấy mới xuất hiện và trở nên thường trực hơn. Một người con xa quê hương, một đứa con của dân làng chài thì luôn nhớ về màu nước, về con cá bạc, về những chiếc buồm. Thậm chí nhà thơ còn nhớ cả những nghĩa tình mặn mà của người dân làng và cả cái mùi vị nồng mặn xa xăm.
Quê hương qua ngòi bút của nhà thơ Tế Hanh thật tươi đẹp và giản dị. Đó là mảnh đất gắn liền với nghề chài lưới, nơi có những con người trẻ trung, khỏe khoắn và có một lòng miệt mài, hăng say với công việc. Qua đó ta thấy được tình yêu quê hương, đất nước và con người của tác giả.