“Ơn ai một chút chẳng quên”, người xưa đã có câu như thế. Ấy là để nhắc nhở ta luôn phải sống biết ơn. Xuyên suốt 4000 năm lịch sử, biết ơn đã cùng nhân dân ta đi qua năm tháng, trở thành một nét đẹp truyền thống của dân tộc, được kế thừa và phát triển không ngừng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua các lễ hội, ngày lễ hoạt động được tổ chức hàng năm của nước ta như: lễ hội Phủ Dầy, giỗ tổ Hùng Vương, ngày thương binh liệt sĩ, ngày Nhà giáo Việt Nam… Vậy tại sao ta phải sống có lòng biết ơn? Không chỉ vì đó là truyền thống của dân tộc mà bởi, ta đang sống dưới một thế giới hòa bình - trước hết là kết quả ngã xuống của vô vàn con người, ta đang được hưởng thụ, đón nhận những điều tốt đẹp nhất - mà đó chính là thành quả của người khác mang lại. Thân thể cha mẹ cho ta, nuôi ta khôn lớn. Kiến thức thầy cô trao cho ta, những hạt cơm, bữa ăn ngon là từ thức ăn những người nông dân trồng được sau bao ngày vất vả cực nhọc. Những bộ quần áo đẹp ta mặc trên người là kết quả ngày đêm miệt mài thiết kế, sản xuất của những người thợ… Bởi vậy, biết ơn là một cách thể hiện sự trân trọng, nâng niu thành quả, là lời cảm ơn chân thành nhất ta gửi tới họ. Đó cũng là một thước đo đạo đức, giá trị con người, để người khác nhìn nhận và đánh giá ta. Những người sống biết ơn sẽ được mọi người yêu mến, làm tấm gương noi theo. Ấy vậy mà hiện nay, không ít những người lại sống ích kỷ, vô ơn. Họ qua cầu rút ván, ăn cháo đá bát thậm chí là với ân nhân của mình. Những hành động, con người như vậy đáng bị xã hội lên án và phê phán. Lòng biết ơn đơn giản vậy thôi, nhưng có mấy ai làm được, bạn thì sao?