Từ TP.HCM, xe chúng tôi bon bon dọc QL13, vượt qua ngã tư Bình Phước (có thể xuất phát từ đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp, qua ngã tư Ga, thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương) tới thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đến ngã tư có trạm thu phí, rẽ trái chạy thẳng QL13 là đã đến xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng.
Nhớ lời cô bạn hướng dẫn viên du lịch mách nhỏ trước lúc lên đường rằng Suối Trúc không có nhiều hàng quán, chúng tôi tấp xe vào mấy quán cóc nhỏ ở ấp Lồ Ồ, huyện Bến Cát, Bình Dương để trang bị lương thực. Vài cái bánh mì, vài chai nước, một ký sơ ri ngọt, vậy là yên tâm thẳng tiến!
Trúc đan thành vòm che nắng cho những bước chân đang tung tăng trong dòng suối róc rách - Ảnh: Yên Thảo
Với những “người Sài Gòn” vốn quen với những con đường đào lấp triền miên, chạy xe mà tưởng ngồi thú nhún thì con đường nhựa phẳng lì, rộng thênh thang dẫn đến hồ Dầu Tiếng quả là giấc mơ có thật!
Đẹp nhất là những đoạn có rừng cao su thẳng tắp, bạt ngàn hai bên đường. Gió mát rượi, trời trong vắt, nhìn rừng cao su hun hút mà cứ ngỡ cánh rừng cổ tích nào trong chuyện ngày xửa ngày xưa. Dọc theo con đường mòn giữa rừng cao su, thấp thoáng bóng áo trắng học trò chầm chầm vòng xe đạp. Tiếng gọi nhau í ới, giọng cười ríu rít thoảng trong gió làm ai cũng thấy "nhớ quá chừng" cái tuổi học trò đã qua.
Trên đường hướng về Hồ Dầu Tiếng (cách khoảng năm cây số), tại ngã ba, chúng tôi thở phào khi thấy tấm biển chỉ vào Hồ Than Thở (tên gọi phổ biến của Suối Trúc).
Tan vào Suối Trúc
Không kỳ vĩ, không ầm ầm đêm ngày như thác Tây Nguyên, không hoành tráng như Hồ Than Thở của Đà Lạt sương mù, Suối Trúc hồn nhiên tuôn dài như mái tóc sơn nữ từ lòng núi Cậu (được xem là đoạn cuối của dãy Trường Sơn). Nghỉ chân trên những phiến đá to có hoa văn lạ mắt do dòng nước chạm khắc, trong gió lao xao vòm trúc và khỏa chân trong nước mát lạnh… bạn sẽ quên ngay cái bụi bặm, nắng gió vừa trải qua.
Nhiều phiến đá ở Suối Trúc được các bạn trẻ gửi gắm lời yêu thương - Ảnh: Yên Thảo
Thật dễ hiểu khi nơi hoang sơ, bình yên, lãng mạn này trở thành điểm đến của nhiều nhóm bạn, gia đình và những đôi tình nhân dịp cuối tuần hay ngày lễ. Nhiều phiến đá nơi đây trở thành nơi gửi lời yêu thương. Cứ lội một lúc, bạn sẽ lại mỉm cười bắt gặp hai trái tim lồng vào nhau, ôm ấp ba chữ “I love U” (anh yêu em) trên phía đá, ngay cạnh ấy là những cánh hoa rừng e ấp tựa vào nhau.
Nếu may mắn “hứng trọn” cái lạnh từ một cơn mưa rừng rả rích, bạn sẽ có dịp thấm cái thi vị khi trú mưa dưới vòm lá trúc, nghe suối róc rách không ngừng.
Bà con ở đây hồn nhiên “chỉ mặt - đặt tên” khu vực Suối Trúc với hồ 1, hồ 2, hồ 3, giường đá và thác ba tầng. Nói là hồ chứ thật ra chỉ là nơi đá vây quanh, “như hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”, đủ cho bạn tha hồ khỏa nước.
Thú vị nhất ở Suối Trúc có lẽ là những phiến đá hình gợn sóng được người dân nơi đây gọi là “chiếc giường đá của người khổng lồ": "Nhớ vợ, trằn trọc suốt nên nó nhăn vậy đó”...
Suối Trúc nhiều nước và đẹp nhất từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch.
Đi Suối Trúc, các bẹn nên đi từ sáng, chiều về, chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống và trang phục phù hợp để lội suối.
Băng qua giường đá, bạn sẽ gặp thác ba tầng tuôn nước như một dải lụa nhỏ. Hãy cứ mạnh dạn leo qua ba tầng thác, nhìn lên, bạn sẽ thấy trời mây bát ngát, nhìn xuống sẽ thấy bức tranh hoa văn đá cực kỳ ngẫu hứng của tạo hóa.
Đong đưa trên võng sau khi chụp hình một đợt khách, anh Nguyễn Văn Đen cho biết anh chụp hình thuê ở đây từ khiSuối Trúc bắt đầu có người đến chơi. Nhưng phải đến năm 2003, “tiếng "đẹp" đồn xa”, Suối Trúc mới chính thức trở thành địa điểm du lịch lý thú của Bình Dương. Chị Mai, một “thổ địa” ở đây tiếc nuối: “Suối Trúc đẹp nhưng chỉ mới có bạn trẻ ở Bình Dương và Tây Ninh biết đến. Tiếc nhất là chỗ đó!”.
Có một câu nói rất hay “không nên về đường cũ”. Vì thế theo chỉ dẫn của "thổ địa" Mai, chúng tôi về bằng đường ôm vòng quanh núi Cậu. Chạy dọc con dốc thoai thoải, phẳng lì, êm ru, hứng cơn mưa vội vã, bạn sẽ thấm từ từ cái lạnh núi rừng và ngẫu hứng ngỡ mình rong ruổi giữa Tây Bắc xa xôi!