Để thực hiện quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước, Ban chấp hành TW Đảng khoá VII đã khẳng định “Công nghiệp hoá, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra năng suất lao động xã hội cao”. Quan điểm này đã gắn công nghiệp hoá với hiện đại hoá đồng thời đã xác định vai trò của khoa học - kĩ thuật là then chốt đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang tác động một cách sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới như hiện nay, xu hướng chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia, các khu vực và lục địa trở thành đòi hỏi cấp bách thì chúng ta càng thấy được vị trí và vai trò quan trọng hơn bao giờ hết của khoa học kĩ thuật đối với từng ngành kinh tế nói riêng và tổng thể nền kinh tế quốc dân nói chung cũng như với quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước.
Điểm lại lịch sử công nghiệp hoá trên thế giới trong tiến trình của các cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học-công nghệ trong vòng 200 năm qua, chúng ta thấy rằng về thực chất, đây là quá trình vận dụng các thành tựu kỹ thuật và công nghệ gắn liền với các phát minh khoa học, kỹ thuật và công nghệ nhất định. Quá trình này đã diễn ra với 5 chu kỳ phát triển kỹ thuật-công nghệ kể từ cuối thế kỷ XVIII cho tới năm 2000, với độ dài mỗi chu kỳ khoảng 50 năm. Mỗi chu kỳ được đặc trưng bởi một nhóm ngành chủ đạo (dẫn đầu) các ngành công nghiệp-là những ngành quyết định sự phát triển vượt lên trước trên cơ sở vận dụng những phát minh, sáng chế lớn nhất ở mỗi thời kỳ tương ứng. Nhờ vậy, đã tạo được động lực để thúc đẩy sự phát triển ở các khu vực kinh tế khác.
Việc sử dụng tốt nhất các ưu thế gắn liền với sự phát triển của nhóm các ngành công nghiệp chủ đạo trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể đã đưa một số nước tư bản chủ nghĩa trở thành những nước dẫn đầu nền kinh tế thế giới. Các chu kỳ phát triển công nghiệp và việc lựa chọn các thứ tự phát triển ưu tiên của các ngành được bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII, từ việc phát minh ra máy kéo sợi, máy dệt, tức là bắt đầu từ cuộc chấn hưng ngành công nghiệp dệt. Tiếp theo là các cuộc cách mạng năng lượng và cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông vận tải, truyền thông và viễn thông hoàn toàn gắn liền với các dạng năng lượng từ truyền thống tới hiện đại như than đá, động cơ hơi nước, điện, động cơ điện (mở đầu giao thông đường sắt), dầu lửa (mở ra giao thông bằng máy bay và ôtô), năng lượng nguyên tử (mở ra thời đại du hành vũ trụ, các siêu lộ cao tốc thông tin...)