Ánh trăng đã đi vào thơ với muôn ngàn ca từ mĩ lệ, đã chiếm trọn lòng yêu thương của biết bao thi sĩ. Đến với đề tài quen thuộc – ánh trăng, nhưng Nguyễn Duy đã thể hiện được tính triết lí và chiều sâu suy ngẫm quan bài thơ của mình, đặc biệt ở khổ thơ cuối bài:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Từ những ngày thơ bé sống giữa đồng quê, trăng đã người bạn tâm tình với nhà thơ. Ánh sáng ấy theo chân người chiến sĩ trong cả những trận chiến đấu gian khổ. Giữa rừng hoang nước lạnh, ánh trăng chiếu rọi làm ấm lòng người ra trận, vầng trăng gắn bó với biết bao nghĩa tình. Vậy mà khi cuộc sống đủ đầy, nơi thành thị ngập tràn màu sắc của những ánh sáng điện lưới, vánh trăng bỗng trở nên nhạt nhòa trong tâm trí người xưa. Để rồi khi ánh điện vụt tắt. ta mới ngước nhìn lại cố nhân, vẫn âm thầm tỏa ánh sáng chan hòa trên bầu trời cao rộng. Cuộc hội ngộ trong hoàn cảnh bất ngờ như thế, đã khiến nhà thơ không khỏi bồi hồi, xúc động để rồi tự vấn lòng mình. Thế nhưng vầng trăng vẫn “cứ tròn vành vạnh”, “im phăng phắc”. Tác giả đã ử dụng hai từ láy để diễn tả tâm trạng của “cố nhân”. Trăng vẫn tròn đầy, trọn vẹn nghĩa tình thủy chung, nhân hậu, bao dung của thiên nhiên. Dù thời gian có trôi qua, tình cảm đó chẳng chút hư hao. Ánh trăng đang trách móc hay giữ sự tĩnh lặng để người đứng đó tự vấn lương tâm?
Để rồi, người đứng nhìn phải “giật mình”, đó là phản xạ của người biết suy nghĩ chợt nhận ra sự vô tình bạc bẽo. Sự nông nổi trong cách sống của mình. Cái “giật mình” ở đây thật chân thành có sức cảm hóa lòng người. Hai tiếng “giật mình” cuối cùng bài thơ như một tiếng chuông rất khẽ nhưng ngân vang rất xa và đọng lại rất lâu.
Cái giật mình của Nguyễn Duy thật đáng trân trọng, đó là cái giật mình khi tác giả tự ý thức về sự vô tâm của chính mình. Tự hỏi trong chúng ta, ai dám chắc rằng minh chưa bao giờ lãng quên những điều mà chúng ta cho là trân quý nhất và khi nhận ra sự lãng quên đó, có ai dám nhận lỗi với chính mình. Câu thơ của nhà thơ ngắn ngủi mà có sức lay động lòng người, nhắc nhở mỗi người phải sống có nghĩa tình với quá khứ, uống nước phải nhớ nguồn.