Về bài thơ “Vui thế, hôm nay”, theo tôi, điều cần ghi nhận đầu tiên là cảm xúc chủ đạo đã được xác định, quán xuyến bởi một "mạch dẫn ngầm", đó chính là hình ảnh danh từ chỉ về 3 địa danh Trà Cổ, Trường Sa, Cà Mau. Các địa danh này đã xui khiến tinh thần và cảm xúc thơ tạo nên điều khác biệt, khác biệt với chính thơ Tố Hữu khi đặt so sánh với những thi phẩm ông từng viết về cuộc "trường kỳ kháng chiến" này. Và bởi vậy, hình ảnh/ngôn ngữ trong “Vui thế, hôm nay”, vẫn là thơ vui chiến thắng, nhưng với 9 khổ, 36 câu thơ, nhà thơ đã không hạ dù chỉ một chữ nói đến tính căm thù, đùng đoàng bom đạn mà người đọc thường gặp trong thơ ông, như: "Nước mắt rơi, làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ…, bài “Việt Nam máu và hoa”, hay như: "Vũ khí, chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng…, bài “Toàn thắng về ta” v.v.., ngược lại, ở “Vui thế, hôm nay” là tình nâng niu, đoàn viên, hướng tới sự hòa hợp không chỉ cho người đang sống nơi "Phố làng" mà "cho cả những linh hồn", người đã mất trong cuộc chiến. Đây nữa những câu thơ minh chứng cho mạch cảm xúc cao quý và riêng biệt này: "Tôi nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ /Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ! /Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển /Xanh trời, xanh của những giấc mơ... ", "Ta đã thắng. Hãy thẳng đường đi tới/ Lấp những hố bom, xóa mọi đau buồn…".
Là một nhà thơ vốn rất giỏi đưa tên các địa danh vào thơ, nhưng có lẽ, quần đảo Trường Sa, vào thời điểm tháng 8-1975, thì đây mới là lần đầu tiên địa danh máu thịt "Trường Sa" xuất hiện trong thơ Tố Hữu. Và hơn thế, những địa danh hải đảo đã được thể hiện trong trường liên tưởng xác định về chủ quyền đất nước: "Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa". Từ góc nhìn địa lý này, mới hay, điểm dẫn tư tưởng và cảm xúc mang giá trị quyết định, giá trị lớn cho thành công của thi phẩm chính là ở đây.
Bài thơ “Vui thế, hôm nay” toát lên niềm vui thống nhất đất nước, niềm mong ước dựng xây đất nước với viễn cảnh: "Tôi lại mơ... Trên Thái Bình Dương/ Tổ quốc ta như một thiên đường …" và niềm ký thác "Độc lập-Tự do, từ nay vĩnh viễn" trong toàn vẹn từng tấc đất, dải nước biên cương, hải đảo thiêng liêng. Lẽ thường, là nhà thơ thì ai cũng có thể có nguồn cảm hứng này, có chung nghĩa vụ công dân này để viết lên lời ngợi ca, điều tâm nguyện, di nguyện xương máu này với cuộc sống và dành căn dặn cháu con mai sau, song sự thật, không phải nhà thơ nào cũng có đủ tầm vóc của một tâm thế, vị thế để gánh đỡ lấy nguồn cảm hứng-công dân đó trong nghệ thuật thơ. Vì vậy, theo tôi, “Vui thế, hôm nay” không chỉ là một cống hiến xuất sắc của Tố Hữu cho nền nghệ thuật thơ văn cách mạng Việt Nam, mà thi phẩm này còn là một cột mốc mang tính "chuyển đổi phương pháp và mục tiêu sáng tác", thể hiện một tầm nhìn chiến lược, sách lược với niềm trăn trở máu thịt nhất, căn cốt nhất về sự bình an, sự hùng cường và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc!
Về kết cấu bài “Vui thế, hôm nay” có điểm đáng lưu ý. Bài thơ có 9 khổ và chia làm 3 đoạn. Khổ mở đầu đứng riêng một đoạn là 4 câu thơ gợi lại chặng đường 30 năm đi tới ngày toàn thắng. Hai khổ thơ cuối bài dành nhắc nhớ về Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu đã đi xa, và ngày tháng đó Nhà nước đang chuẩn bị lễ khánh thành Lăng Bác (ngày 29-8-1975); cả 3 khổ mở và kết bài đều được viết riêng ở thể 7 chữ, niêm luật chặt chẽ, nhịp thơ đi chậm, giọng thơ thì khoan thai, trầm lắng, suy tư. 6 khổ thân bài, thơ viết thể tự do, nhịp/giọng thơ lại khi khoan thai, lúc nô nức, mơ mộng. Đây đúng là một dụng công sắp đặt ngôn ngữ/thể cách nghệ thuật.
Mỗi chặng thăng trầm của lịch sử Cách mạng Việt Nam, Tố Hữu đều có những sáng tác thơ hay, như những dấu son sáng đẹp nạm vào từng trang sử. Giờ đây, sau 40 năm đọc lại bài thơ như “Toàn thắng về ta”, “Vui thế, hôm nay”, với giọng thơ hào sảng, tràn đầy niềm vui tươi náo nức, người đọc như vẫn được sống trong không khí ngày đại thắng. Quả là vào thời điểm đó khó có cây bút thơ nào thể hiện không khí, tình cảm người chiến thắng được như Tố Hữu. Lịch sử cách mạng Việt Nam, vận mệnh dân tộc tháng năm đó đã lựa chọn ông làm người hát thơ, nhà ghi biên niên sử bằng thơ cho mình