Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội; truyền thống gia đình, đạo đức gia đình và tấm gương của bố, mẹ ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, suy nghĩ của những học sinh (thường là những người chưa thành niên). Vì thế bố, mẹ phải gương mẫu cả về đạo đức và lối sống, cách hành xử phải có chuẩn mực, và cần có thời gian hợp lý để chăm sóc, giáo dục con em mình, phải là chỗ dựa tinh thần cho con em mình đặc biệt là người chưa thành niên và phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ với nhà trường, đoàn thể, chính quyền, cơ quan pháp luật để kịp thời uốn nắn, giáo dục khi có hành vi vi phạm pháp luật do con em mình gây ra.
Còn đối với xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng là học sinh. Giáo dục pháp luật chính là quá trình cung cấp tri thức, tình cảm niềm tin pháp luật, từ đó tạo cho học sinh có thói quen sống và hành xử theo pháp luật. Đó là biện pháp cơ bản, thường xuyên có ý nghĩa quyết định trong các biện pháp bảo đảm quyền của người học sinh (người chưa thành niên). Đồng thời đây cũng là biện pháp cơ bản phòng ngừa hành vi có thể dẫn đến phạm tội trong các vụ bạo lực học đường hiện nay.
Xây dựng cộng đồng văn hoá tạo môi trường lành mạnh, vững chắc, cơ hội sống tích cực: Chúng ta tạo các mối quan hệ xã hội tích cực cho người chưa thành niên nói chung và học sinh nói riêng bằng cách mở rộng các chương trình đào tạo kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động ngoài giờ, các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, tạo các sân chơi lành mạnh để thanh thiếu niên sống tích cực, không tham gia vào các hoạt động tiêu cực. Đồng thời cần chủ động đưa người chưa thành niên tham gia vào các hoạt động cộng đồng có ích, tránh để người chưa thành niên rơi vào tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” hoặc trầm cảm, suy nghĩ lệch lạc và có hành vi tiêu cực.