Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

01/03/2020 21:33:53

Lập dàn ý cho các đề bài sau

1. Lập dàn ý cho các đề bài sau:
     a. Tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước sâu nặng trong con người Hồ Chí Minh trong bài Cảnh khuya và Rằm tháng giêng?
     b. Tình bạn đậm đà thắm thiết của nhà thơ Nguyễn Khuến đc thể hiện ntn trong bài Bạn đến chơi nhà?
 
   c. Bài thơ Sông núi nước nam có phải là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta?
     d.Nhận xét của em về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan?
2. Viết đoạn văn hoặc bài văn trình bày suy nghĩ của em về nạn dịch Covid 19 hiện nay và cách phòng tránh chúng?

5 trả lời
Hỏi chi tiết
601
2
3
NGUYỄN THANH THỦY ...
01/03/2020 21:41:20
1b )
1.  Mở bài

- Giới thiệu về tác phẩm và tác giả
- Bài thơ ca ngợi tình bạn chân thành của tác giả với người bạn Dương Khuê của mình.
 
2.  Thân bài
- Giới thiệu sơ khai nội dung:
+ Bài thơ là lời ca ngợi tình bạn của Nguyễn Khuyến với người bạn thân từ xưa khi còn ở chốn quan trường – Dương Khuê.
+ Bài thơ như lời kể, giản dị mà thanh cao, thắm thiết nghĩa tình.
- Phân tích tình bạn trong bài thơ:
+ Mở đầu bài thơ là lời chào mừng của tác giả khi người bạn thân từ xa về thăm => lời thơ như lời reo vui rộn rã, câu thơ giản dị mà chứa đựng tình cảm chân thành.
+ Cách xưng hô "bác – tôi": gần gũi, thân thương, tự nhiên, không quan cách => tình cảm khăng khít, chân thật.
+ Sự lúng túng khi tiếp đón bạn: "Trẻ thời … trầu không có"
• "Trẻ thời … thì xa": không có ai để sai bảo, để mua rượu thịt về tiếp đón bạn => đành tiếp đón bằng "cây nhà lá vườn".
• Nhưng "cây nhà lá vườn" cũng lại oái oăm thay "cải chửa …đương hoa" => không có thứ gì có thể dùng được cả.
=> Câu thơ mang đầy tính hài hước dí dỏm, nhà không phải thiếu thốn, cái gì cũng có đủ, gà, cá, rau, dưa, thế nhưng tất cả đang ở độ dang dở, chưa thể đem ra mời khách được → Phải chăng là hoàn cảnh thiếu thốn khi ở chốn quê của tác giả?
+ Không có gì nhưng chắc miếng nước, miếng trầu thì phải có bởi xưa nay, tục lệ của dân tộc ta là "miếng trầu là đầu câu chuyện".
 =>Vậy mà miếng trầu cũng không có "Đầu trò … không có"
=> Tóm lại, tất cả vật chất để tiếp đón bạn hiền đều không có, tất cả còn đang dang dở, thiếu thốn.
+ Câu thơ cuối "Bác đến …ta": mang linh hồn của cả bài thơ: Chứa đựng tất cả sự trân trọng, quý mến, yêu thương, mừng rỡ của tác giả với người bạn của mình.
• "Ta với ta": Cái tôi của cả hai con người đều cùng được đẩy lên cao. Thể hiện sự kính trọng giữa hai con người tri kỉ. Chẳng còn sự riêng lẻ "tôi –bác", tất cả hòa chung thành một, thành tình bạn thâm giao.
• So sánh với "ta với ta" trong Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan: Sự cô đơn, lẻ loi một mình →  Ở đây, sự hòa hợp trong tâm hồn của những người tri kỉ.
- Kết luận chung:
+ Tình bạn trong bài thơ của Nguyễn Khuyến vừa cao cả, thanh cao, lại vô cùng trân quý.
+Một tình bạn thiếu tất cả (vật chất) nhưng lại có tất cả (tình cảm).
 
3.  Kết bài:
- Khẳng định lại tình bạn của Nguyễn Khuyến trong bài thơ.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
3
NGUYỄN THANH THỦY ...
01/03/2020 21:42:47
1d )
1. Mở bài

- Bà Huyện Thanh Quan là nữ sĩ tài năng của nền văn học trung đại Việt Nam, bà gây ấn tượng với người đọc bằng một phong cách thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, chất chứa nhiều những cảm xúc suy tư.
- Đặc biệt là với thủ pháp tả cảnh ngụ tình trong bài Qua Đèo Ngang thì phong cách thơ của bà lại càng được bộc lộ rõ hơn cả.
2. Thân bài
* Hai câu đề:
- Gợi ra một khung cảnh lưng đèo rộng lớn, khoáng đạt và bao la thế nhưng lại có chút buồn bã bao quanh.
- Thời gian "bóng xế tà", là buổi chiều tàn hoàng hôn đã tắt, trời đất bao phủ bằng màu xam xám, nhạt nhòa, gợi cảm giác buồn man mác, cảm xúc tràn về trong lòng người.
- Cảnh "Cỏ cây chen đá lá chen hoa" gợi cảm giác rậm rạp um tùm, mang đến sự hoang lạnh, ghê rợn của núi rừng âm u buổi chiều tối.
* Hai câu thực:
- Xuất hiện sự sống con người.
- Nghệ thuật đảo ngữ đưa hai từ láy"lom khom", "lác đác" lên đầu câu nhấn mạnh sự thưa thớt, hoang vắng.
- "Lom khom dưới núi tiều vài chú" => Sự nhỏ bé, lẻ loi của con người trước thiên nhiên.
- "Lác đác bên sông chợ mấy nhà" => Gợi sự chán nản, heo hút, mệt mỏi, thiếu sức sống trong khung cảnh dẫu rằng đã có sự xuất hiện của con người.
=> Nỗi lòng nhớ nhà tha thiết của một người con xa xứ, rời xa chốn phồn hoa đô hội, nay nhìn cảnh thưa thớt, lạnh lẽo lại càng thêm thương nhớ quê hương.
* Hai câu luận:
- Âm thanh của sự sống xuất hiện.
- Tiếng chim quốc, chim đa đa não nề, day dứt => Làm tăng sự hoang vắng tĩnh lặng của thiên nhiên rộng lớn, cô lập con người trong mối sầu tư.
- Nỗi nhớ thương quê nhà da diết, là buồn khổ xa xứ, lòng đau xót, bất lực trước thời cuộc rối ren, từ đó cũng nhận thấy được lòng yêu quê hương, đất nước tha thiết, sâu nặng và thầm kín của tác giả được thể hiện thật tinh tế qua cảnh sắc thiên nhiên.
* Hai câu kết:
- Khép lại bài thơ với những cảm xúc buồn thương sâu lắng, đồng thời cũng mở một chân trời cảm xúc mới bằng một giọng thơ chậm rãi, như tâm sự.
- Mở ra nhận thức cá nhân của tác giả về tình cảnh lẻ loi, cô độc.
- Ý thức về cái tôi cá nhân, về việc giữ riêng cho mình tâm hồn hồn thanh cao, lòng yêu nước sâu sắc, từ chối những sự nhiễu nhương của thời cuộc, bà đã dần buông bỏ những vướng bận cuộc đời, quyết để tâm hồn thanh tịnh với chỉ "một mảnh tình riêng ta với ta".
3. Kết bài
- Qua Đèo Ngang là một bài thơ thất ngôn bát cú xuất sắc, với bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế và tài hoa, thông qua cảnh sắc thiên nhiên Bà Huyện Thanh Quan đã gửi gắm vào đó những nỗi niềm cảm xúc cá nhân, đó là nỗi nhớ nhà, tình yêu quê hương đất nước và sự đau xót, bất lực trước thời cuộc biến đổi.
1
1
Nguyễn Thị Thảo
01/03/2020 21:44:13

Tính đến thời điểm này, ngoài bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc (2/9/1945) tại Quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thì lịch sử Việt Nam còn ghi nhận có tới hai văn bản khác được coi là bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Bao gồm: "Nam quốc sơn hà" (tương truyền của Lý Thường) và "Bình Ngô đại cáo" (Nguyễn Trãi). Vậy một tác phẩm văn học như: "Nam quốc sơn hà" với bốn câu thơ ngắn ngủi có xứng đáng được coi là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam?

Như chúng ta đã biết, Tuyên ngôn độc lập là văn bản chính luận được viết ra với mục đích tuyên bố với đồng bào trong nước và toàn thể nhân dân thế giới về nền độc lập và về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cần được tôn trọng. Bài thơ "Nam quốc sơn hà" được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta trước hết vì bài thơ là lời tuyên bố hùng hồn về nền độc lập chủ quyền của đất nước:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Nước Nam ta là một đất nước độc lập, có chủ quyền riêng và vua chính là đại diện tối cao cho dân tộc. Ranh giới bờ cõi của nước Nam không chỉ được ghi nhận qua những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn được ghi rõ ràng ở sách trời "tại thiên thư". Đó là một chân lý hiển nhiên: Sông núi nước Nam là của vua Nam, là của người dân nước Nam, một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi . Trong lời tuyên bố về chủ quyền , tác giả còn thể hiện sâu sắc thái độ tự hào, tự tôn dân tộc khi coi nước Nam là một nước ngang hàng với nước Bắc, vua Nam bằng vai với hoàng đế Trung Quốc, qua việc sử dụng từ "đế" mà không dùng từ "vương" (chữ "đế" và chữ "vương" đều có nghĩa là vua, người đứng đầu 1 đất nước, đại diện cho nhân dân, nhưng trong các triều đại phong kiến Trung Quốc xưa, vua Trung Quốc tự xưng là "đế"( có thể hiểu là ông vua lớn) còn các ông vua đứng đầu ở các nước láng giềng thần phục chỉ phong "vương" (có thể hiểu là ông vua nhỏ). Với cách sử dụng ngôn từ sắc sảo như vậy, rõ ràng địa vị và tầm vóc của nước Nam ta đã được nâng lên một tầm cao mới.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ấy, cha ông ta không chỉ khẳng định nền độc lập và chủ quyền của dân tộc mà còn thể hiện rõ ý chí quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập, chủ quyền ấy:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Lý Thường Kiệt coi quân xâm lược là "nghịch lỗ" (kẻ đi ngược lại với lẽ phải, với đạo trời), bài thơ "Nam quốc sơn hà" đã đưa ra lời cảnh cáo đanh thép: Chúng mày dám sang xâm phạm vào bờ cõi và chủ quyền thiêng liêng của nước Nam, thì tự chúng mày sẽ chuốc lấy bại vong thảm hại! Đó là cái kết cục xứng đáng cho những kẻ phạm vào sách trời, phạm vào đấng linh thiêng, coi thường chân lý, lẽ phải! Câu thơ vừa là một đòn tấn công mạnh mẽ giành cho kẻ thù xâm lược vừa có ý nghĩa khích lệ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của nhân dân với Tổ quốc...

Có thể nói không cần phải sử dụng quá nhiều ngôn từ, nhưng "Nam quốc sơn hà" vẫn làm rõ được những vấn đề mang tính trọng đại, lớn lao của quốc gia, dân tộc. Đó là lời tuyên bố đanh thép khẳng định chủ quyền về cương vực lãnh thổ và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ toàn vẹn nền độc lập dân tộc, quyết đánh tan mọi kẻ thù xâm lược. Với ý nghĩa sâu sắc ấy, "Nam quốc sơn hà" hoàn toàn xứng đáng là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt nam ta!

1
0
NGUYỄN THANH THỦY ...
01/03/2020 21:50:38
Trong bài thơ “Cảnh khuya” thiên nhiên hiện lên sống động, bình dị mà lung linh, huyền ảo biết bao:
 
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ.
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".
 
Mở đầu bài thơ, bằng nghệ thuật so sánh tài tình, tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng
 
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa".
 
Tiếng suối cháy róc rách, văng vẳng mơ hồ khiến nhà thơ tưởng như có tiếng hát êm ái, ngọt ngào, trong trẻo, ngân xa của ai đó vọng lại. Cách so sánh ấy không chỉ làm cho tiếng suối lạnh lẽo, xa xôi, vô hồn bỗng trở nên sống động, trẻ trung mà còn làm cho cảnh rừng yên ắng, tĩnh mịch trở nên có hồn người, xao động. Đêm rừng chiến khu bỗng trở nên gần gũi, thân thương với con người, bỗng mang hơi ấm của sự sống con người. Có lẽ trong đêm khuya thanh vắng, Bác đang mê mải với công việc cách mạng thì tiếng suối ngân lên khiến Người rời bàn viết. Khẽ ngước lên, vẻ đẹp của đêm lại quyến rũ Người. Nét đặc sắc và rất riêng biệt của đêm chiến khu tiếp tục tạo ấn tượng cho thị giác:
 
"Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa".
 
Câu thơ vẽ nên một hình ảnh hữu tình, ấm cúng: ánh sáng của trăng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây đổ xuống lại bao trùm lên hoa. Nếu câu đầu là trong thơ có nhạc (Thi trung hữu nhạc) thì câu thứ hai này là trong thơ có họa (Thi trung hữu họa). Hình ảnh thơ có vẻ đẹp của bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối đa dạng. Các sự vật đan lồng vào nhau tạo nên một bức tranh chỉ có hai gam màu sáng tối, trắng đen như nhiều lớp lang, tầng bậc cao thấp lung linh, chập chờn, huyền ảo, sống động mà ấm áp, hòa hợp quấn quýt với hàng chục, hàng trăm sắc hình đa dạng. Trăng - cây cổ thụ - hoa, ba vật thể cách nhau ngàn trùng, cao thấp, lớn bé cùng rất khác nhau nhưng lại đan cài, ôm ấp, nâng đỡ, soi sáng, tôn lên vẻ đẹp của nhau tạo nên một bức tranh nên thơ, sống động, có hồn. Điệp từ "lồng" được nhắc đi, nhắc lại hai lần thật đắt, thật hay bởi nó đã tạo nên âm hưởng ngọt ngào cho câu thơ.
 
Trong bức tranh đêm hiền hòa, dịu êm như thế xuất hiện hình ảnh con người chưa ngủ. "Chưa ngủ" vì “lo nỗi nước nhà” và cũng vì thế bất chợt bắt gặp và chia sẻ với vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên.
 
Nếu như trong "Cảnh khuya", thiên nhiên hiện lên là cảnh rừng Việt Bắc chập chờn hai gam màu cơ bản trắng - đen thì trong "Rằm tháng giêng thiên nhiên hiện lên lại là vẻ đẹp lồng lộng, bát ngát trăng vàng giữa dòng sông xuân mênh mang:
 
"Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên.
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
 Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền".
 
Bài thơ được Xuân Thủy dịch là:

"Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền"
 
Bài thơ vẽ nên cảnh đẹp tuyệt vời của đêm nguyên tiêu, vầng trăng mùa Xuân vừa đúng độ tròn, xinh tươi, soi sáng khắp bầu trời cao rộng, trong trẻo, thoáng đãng. Bầu trời và vầng trăng tưởng như không có giới hạn, dòng sông mùa xuân, màu nước mùa xuân nối liền với bầu trời xuân: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Điệp từ "xuân” được nhắc đi nhắc lại ba lần mang âm điệu bay bổng, gợi cảm giác trong trẻo, rộng lớn, thảnh thơi, thanh bình, thú vị làm sao! Thủy, nguyệt, thiên vốn là những chất liệu của thi ca cổ nhưng Bác đã có sự sáng tạo đặc biệt tài hoa để làm nổi bật cái thần của bức tranh "nguyên tiêu": tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống của vạn vật, con người.
 
Giống như phần lớn những bài thơ về thiên nhiên của Bác, “Nguyên tiêu” không thể thiếu vắng hình ảnh con người, và đó là người chiến sĩ cách mạng. Chỉ có khác một điều, trong “Nguyên tiêu”, hình ảnh người chiến sĩ không hiện lên đơn độc mà được thể hiện qua hình ảnh con thuyền cách mạng ấm cúng tình đồng chí, đồng đội:
 
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
 
Hình ảnh đó mở ra cho ta một cánh cửa kỳ diệu khám phá con người Bác: nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng rất đỗi thiêng liêng, bí mật mà đẹp như trong huyền thoại, nơi bàn chuyện hệ trọng sống còn của đất nước, vậy mà Người vẫn đắm say tận hưởng một vầng trăng đẹp, một vầng trăng viên mãn. Ở đó, cái thực và cái ảo đan xen, hài hòa: "Yên ba thâm xứ" là ảo, "đàm quân sự" là thực, "nguyện chính viên" là thực; nhưng "nguyệt mãn thuyền" là ảo. Song cái ảo đó chính là chất lãng mạn, chất trữ tình trong thơ Bác. Sau hội nghị quan trọng, quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh của Đảng, của đất nước; con thuyền, con người hòa quyện với thiên nhiên, thấm đẫm, tràn trề lai láng ánh trăng.
 
“Cảnh khuya” và “Nguyên tiêu”, tuy hai bài thơ đều viết về trăng ở chiến khu Việt Bắc, nhưng ở mỗi bài vẻ đẹp của trăng lại được người thi sĩ cảm nhận bằng một vẻ riêng. Trăng trong “Cảnh khuya” là ánh trăng đã được nhân hoá. Trăng lồng bóng vào cây cổ thụ để giãi “hoa” (hoa trăng) trên mặt đất. Cảnh vật như hiện ra lồng lộng dưới ánh trăng. Thêm nữa, tiếng suối trong đêm trong trẻo như tiếng ai đang ngân nga hát càng làm cho trăng khuya thêm mơ mộng. Trong khi đó, trăng trong Rằm tháng riêng là trăng xuân, trăng mang không khí và hương vị của mùa Xuân. Cảnh ở đây là cảnh trăng ở trên sông, có con thuyền nhỏ trong sương khói. Nhưng điểm đặc biệt nhất phải nói đến đó là sự chan hoà của ánh trăng như tràn đầy cả con thuyền nhỏ.

Hai bài thơ này được Bác viết trong những năm đầu kháng Pháp vô cùng khó khăn gian khổ. Nhưng ở trong thơ, ta vẫn gặp một chủ thể trữ tình rất yêu thiên nhiên, vẫn ung dung làm việc, vẫn chan hoà cùng ánh trăng thơ mộng của núi rừng. Người lo lắng cho đất nước nhưng trong tâm hồn, Bác vẫn dành cho thiên nhiên những niềm ưu ái, không vì việc quân bận rộn mà Người đành hờ hững, từ chối vẻ đẹp thiên nhiên, điều này nói lên phẩm chất lạc quan và phong thái ung dung của Bác.
1
0
NGUYỄN THANH THỦY ...
01/03/2020 21:51:34

Trong tiến trình lịch sử oanh liệt đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã xuất hiện những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, mà Nam quốc sơn hà là bản mở đầu.

Đại Việt ta khởi đầu sự nghiệp của mình bằng sự tạo lập nhà nước Văn Lang của các vua Hùng bên bờ sông Hồng. Mười tám đời cha truyền con nối, tổ tiên ta vẫn khẳng định được vị thế của mình. Từ Văn Lang phát triển thành Âu Lạc, núi sông bờ cõi đã được mở mang. Nhưng rồi chỉ một phút mất cảnh giác của An Dương Vương mà sự nghiệp mấy trăm năm tổ tiên gây dựng tan thành mây khói. Mất nước là mất tất cả, vẫn sống ở đất mình mà thành kẻ nô lệ. Gông cùm xiềng xích đè nặng cả ngàn năm. Suốt đêm trường tối tăm ngột ngạt của kiếp nô lệ lầm than mà sức sống Đại Việt vẫn rất tiềm tàng. Bản lĩnh ngoan cường đã giúp cha ông ta bảo tồn được nòi giống, giữ gìn được bản sắc và giành lại được chủ quyền dân tộc vào đầu thế kỉ X.

Từ thế kỉ X, quốc gia phong kiến Đại Việt độc lập đã được xây dựng. Các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê rồi Lí kế tiếp nhau trị vì đất nước đến nay đã hơn trăm năm. Nhưng bọn phong kiến phương Bắc, với tư tưởng bá quyền nước lớn, muốn thống trị toàn thiên hạ vẫn ngông cuồng xâm lược Đại Việt, những tưởng có thế lại biến nước ta thành quận huyện của chúng như xưa. Đã đến lúc dân tộc ta phải đĩnh đạc lên tiếng khẳng định lại chủ quyền của mình! Và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên đã ra đời:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

 Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng bay nhất định phải tan vỡ.

Sông núi nước Nam là của người Nam. Đó là chân lí độc lập bất hủ!

Song, dễ hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng trong lời tuyên ngôn này, cần nhìn từ góc độ nguyên tác chữ Hán của bài thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Câu mở đầu của bài thơ thật hùng hồn và đanh thép:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư.

Ý thức tự tôn dân tộc được bộc lộ mạnh mẽ qua hai từ Nam quốc và Nam đế đầy ẩn ý.

Trong Hán tự, quốc là chữ dùng đế chỉ nước lớn, nước thiên tứ thống trị toàn thiên hạ (còn “bang” là nước nhỏ, nước chư hầu); đế là chữ dùng để chỉ vua của nước lớn, nước thiên tử (còn "vương” là vua nước nhỏ, nước chư hầu; tước do “hoàng đế” phong cho). Trong tư tưởng bá quyền của bọn phong kiến Trung Hoa, chưa bao giờ chúng chịu thừa nhận nước khác là quốc và vua của nước khác là đế.

Từ thế kỉ VI, người anh hùng Lí Bí của Đại Việt sau khi khởi nghĩa chống ách nô dịch thắng lợi đã tự xưng là Lí Nam Đế. Một thái độ phủ nhận uy quyền nước lớn.

Thái độ ấy, một lần nữa được nhắc lại trong Sông núi nước Nam. Khẳng định nước Nam (Nam quốc) là của người Nam (Nam đế) là sự ý thức sâu xa về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc. Hơn nữa, thái độ ấy là tư thế của một dân tộc dám kiêu hãnh đứng thẳng làm người, giơ một quả đấm thép giáng thẳng vào bộ mặt kiêu căng ngạo mạn của bọn phong kiến Trung Quốc coi nước khác chỉ là chư hầu của chúng, coi dân tộc khác chỉ là nô lệ của chúng.

Sông núi nước Nam là của người Nam. Đó là “lẽ phải”, là “sự thật” hiển nhiên, bởi giang sơn bờ cõi này là do tự bàn tay dân tộc ta đã gây dựng. Nó đã tồn tại từ mấy ngàn năm nay.

Ngay đến cả đấng thần linh tối cao là “Trời” cũng phải thừa nhận và ghi rõ trong “sách trời”:

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Thêm một lần nữa, bài thơ nhấn mạnh tính chất tất yếu của quyền độc lập tự chủ và khát vọng chính đáng của một dân tộc.

Càng khát khao độc lập tự chủ, dân tộc ta càng kiên quyết đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập. Ý chí ấy được khẳng định ở hai câu kết của bài thơ:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Lời tuyên bố thật đanh thép: kẻ thù chớ có xâm phạm. Nếu chúng bay dám coi thường cả đấng tối cao là “Trời”, phạm vào “sách trời”; coi thường cả một dân tộc, phạm vào lòng tự tôn dân tộc, xâm phạm đến sông núi nước Nam thì sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại, nhơ nhuốc đến ngàn đời.

Có thể nói, Sông núi nước Nam là lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn nhất từ trước đến nay về chủ quyền đất nước.

Với ý nghĩa ấy, Sông núi nước Nam xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

Bản tuyên ngôn ấy kết tinh tất cả tư tưởng và tình cảm, khát vọng và ý chí của cả dân tộc Đại Việt suốt mấy ngàn năm dựng nước giữ nước và toả sáng đến muôn đời.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư