Cuộc sống của con người luôn gắn liền với thiên nhiên. Đó chính là những mặt của cuộc sống. Những tâm hồn nghệ sĩ nhiều khi thốt ra thành những bài thơ, câu hát qua những cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên. Đối với nhiều người thiên nhiên đó chính là người bạn tri kỷ của họ. Để họ quên đi những nỗi cô đơn, muộn phiền trong cuộc sống.
Cảnh sắc thiên nhiên sẽ làm cho họ trở nên vui vẻ, phấn chấn hơn. Ví như nhà thơ Hàn Mặc Tử là điển hình cho một con người luôn bị thiên nhiên lay động, làm nên những bài thơ đẹp về thiên nhiên về cuộc sống.
Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của ông đó chính là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ta có thể thấy nổi bật lên hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế mà cụ thể là thiên nhiên con người thôn Vĩ.
Mở đầu bài thơ:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”.
Một câu thơ vang lên như một sự chờ đợi và nhắn nhủ nhớ mong. Có một chút gì đó buồn tủi và cô đơn, một cái gì đó cảm giác trống vắng. Nhà thơ mong muốn có một ai đó đến đây để có thể ngắm nhìn thôn Vĩ, chiêm ngưỡng thôn Vĩ và trò chuyện cùng mình. Một câu thơ nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa tâm tư của một người đang chờ đợi.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Hình ảnh thôn Vĩ bắt đầu hiện lên. Một vẻ đẹp trong buổi sớm mai rất bình dị với hàng cau, với vườn cây xanh vẫn còn đọng những hạt sương trên lá như ngọc long lanh trong nắng sớm. Một vẻ đẹp tinh khôi, tất cả như đang bừng sáng trong ánh nắng. Thôn Vĩ Dạ như đang khoác trên mình một chiếc áo mới, của một ngày mới rất lung linh và diệu kỳ.
“Nắng hàng cau” là cái nắng dịu nhẹ của bình minh, màu xanh “mướt” như “ngọc” là một màu xanh trong trẻo lung linh khắp cả khu vườn. Tình yêu thiên nhiên, yêu cái thôn “Vĩ”, yêu quê hương của Hàn Mặc Tử đã được bộc lộ một cách sâu sắc.
Chỉ có thể với một người yêu vẻ đẹp quê hương mình đến thế, với tâm hồn thi sĩ vốn có mới có thể thốt nên những câu thơ hay, đẹp và trong sáng đến như vậy. Một vẻ đẹp rất bình dị của một làng quê xứ Huế.
Trong cái khung cảnh bừng tỉnh của một ngày mới đó. Cái tâm hồn của con người cũng bừng tỉnh. Những ấn tượng của cảnh sắc đập vào giác quan. Khiến nhà thơ bật lên một cái gì đó thổn thức, nhung nhớ và mơ hồ. Một hình ảnh của con người xuất hiện trong cái khung cảnh đó.
“Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”
Hình ảnh một bóng người thấp thoáng qua hàng trúc với chiếc lá chen ngang. Một con người đẹp, với khuôn mặt chữ điền trong cái phong cảnh tao nhã đó đã xuất hiện. Như có một điều gì đó hòa quyện vào cảnh vật. Không bộc lộ rõ ra, mà chì là một sự lấp ló của khuôn mặt đẹp bị che một phần bởi hình ảnh lá trúc quen thuộc.
Có lẽ đây chính là vẻ đẹp tao nhã mà chỉ có đến với thôn Vĩ Dạ mới cảm nhận được. Một chút gì đó là man mác trong cái khung cảnh bừng sáng của một buổi sáng sớm. Dường như thể hiện hai cảm xúc, trạng thái khác nhau trong cùng một khung cảnh, thấm đẫm lòng người.
Khuôn mặt đẹp, thanh tú kia liệu có phải là một con người thật hay chỉ là một hình ảnh tưởng tượng của nhà thơ về một người bạn tâm giao, một người bạn tri kỷ. Chỉ sau khi đọc những câu thơ tiếp theo chúng ta mới hiểu được, đó là sự nhớ nhung của tác giả về một con người.
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Hai câu đầu của khổ thơ thứ hai là một bức tranh phong cảnh hữu tình, đượm buồn làm thổn thức tâm hồn người. Một sự tả thực nhưng gọi lên cái hồn xứ Huế buồn man mác với gió mây nhè nhẹ bay, với dòng sông nước chảy chầm chậm lững lờ, hàng cây cỏ khẽ đung đưa.
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Âm điệu của câu thơ vang lên buồn bã. Sự sống của cảnh vật có chút gì đó đang lay lắt, mệt mỏi. Khiến người ta nhìn vào cũng cảm thấy mệt mỏi. Nhưng cái sự lay lắt đó không phải là do thời tiết, thiên nhiên. Mà nó do ánh mắt của một con người đang trong nỗi buồn nhung nhớ nhìn vào. Gió thổi, mây bay như một sự vô tâm chẳng hề liên quan. Và một sự xa cách, một sự chia lìa về tình cảm, tình người đã được thể hiện ở hai câu thơ sau.
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Âm điệu buồn bã lại được nhân lên qua một câu hỏi tu từ ở cuối bài thơ.Tả cảnh thực hay là cảnh đã được tâm trạng hoá, bộc lộ nỗi niềm thi nhân. Cái ngược chiều của gió, mấy khơi gợi sự chia lìa đôi ngả của tình đời, tình người, như rạch vào nỗi đau thân phận, sự chia lìa xa cách của chủ thể trữ tình khi viết bài thơ này.
Một hình ảnh sông trăng đã được cách điệu lên, ánh trăng đẹp nhưng như là một sự mơ hồ, ảo ảnh về một người mà tác giả đang chờ đợi. Trong cái khung cảnh buồn thiu, lay lắt kia, dưới ánh trăng soi rọi là một hình ảnh một con thuyền cô độc vẫn đang nằm im, vẫn chưa rời bến. Và như một sự thúc giục, thuyền ơi sao lại nằm im như thế, sao vẫn chưa đi đón người đó cùng với ánh trăng trong cái đêm tối này. Sự cách điệu, nhân hóa, đã khiến cho sự buồn bã và nhung nhớ được tăng lên.
Một sự trông ngóng, một niềm hy vọng đến da diết, nhưng rồi lại có sự hoài nghi với một câu hỏi chưa lời giải đáp. Những câu thơ thể hiện một nỗi niềm thi nhân, trong cái cảnh sắc của mây trời sông nước đang cảm thấy thiếu đi một cái tình đời, tình người cùng chia sẻ tâm sự.
Khổ thơ cuối cảu bài thơ cất lên, người đọc đã hiểu hơn về người mà tác giả đang nhung nhớ và chờ đợi trong vô vọng.
“Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
“Khách đường xa” ở đây chính là hình ảnh một người con gái đã khiến cho Hàn Mặc Tử say đắm trong cả một giấc mộng dài với hình ảnh “Áo em trắng”. Người con gái đó đã từng đến trong cuộc đời của ông chăng, và người con gái đó đã ra đi trong sự tiếc nuối của nhà thơ.
Người con gái đó đã khiến cho cái tâm hồn thi sĩ của Hàn Mặc Tử phải thốt lên những câu thơ buồn man mác về một tình yêu, hạnh phúc chưa thể với tới được. Hình ảnh “Áo em trắng quá nhìn không ra” và “sương khói mờ nhân ảnh”. Là hình ảnh một cô gái đẹp trong tà áo trắng bị che mờ bởi lớp sương khói và nhà thơ hi vọng đó chính là người con gái mình yêu, mình đang nhung nhớ.
“Mơ khách đường xa” là một giấc mơ, một giấc mộng đẹp về một con người, về một người tâm giao mà tưởng chừng sẽ là tri kỷ suốt cuộc đời này của tác giả.
Cái màu sắc trắng xen lẫn hình ảnh khói sương có phải là một sự tưởng tượng về một hình ảnh không có thực trong cái đôi mắt đã đậm cảm giác buồn của nhà thơ, một vẻ đẹp tinh khôi mờ mờ ảo ảo mà không thể với tới được. Một mối tình mong manh tựa sương khói, một bóng hình ẩn hiện trong sương khói.
Và như một sự thức tỉnh của nhà thơ khi đã nhận ra đó chỉ là một sự mơ hồ của mình. “Ai biết tình ai có đậm đà?” như là một sự trách móc, như là một câu hỏi, như là một sự tự an ủi một tâm hồn đã ôm một cái mộng cảnh, một cái mộng tình đơn phương và vẫn mong rằng người đó có thể nào thấu hiểu trái tim mình.
Nhưng cũng có người lại cho rằng, tác giả đang mộng tưởng về một người tác giả đem lòng yêu, nhưng đã xa rời ông từ giã cõi đời này và chỉ để lại một mình ông trong nỗi cô đơn. Nhưng cũng có người lại suy luận, tác giả đã đem lòng yêu một người con gái nhưng người đó đã xa rời ông trong sự lặng lẽ và quên mất ông, người đã giành cho cô gái một tình yêu đẹp.
Một câu thơ khiến cho chúng ta có nhiều cách hiểu khác nhau, những suy nghĩ khác nhau. Nhưng hội tụ lại đó là sự thể hiện một tấm chân tình của Hàn Mặc Tử về một người con gái xứ Huế.
Qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chúng ta phần nào thấy được một bức tranh xứ Huế đẹp mộng mơ, tao nhã. Và trong cái khung cảnh đó, trái tim của người nghệ sĩ, nhà thơ như Hàn Mặc Tử hay bất kỳ ai yêu thiên nhiên cũng có thể bộc lộ được cái tâm trạng cảm xúc của mình.
Một xứ Huế đẹp mộng mơ qua hình ảnh thôn “Vĩ Dạ” nhưng lại đượm buồn, nhung nhớ. Bài thơ mượn hình ảnh thiên nhiên, để gột tả nên tâm trạng một con người đang cô đơn và chờ đợi. Thôn Vĩ chính là một hình ảnh đẹp về một vùng đất của xứ Huế sẽ làm say đắm lòng người, và sẽ làm mê mẩn những tâm hồn thi sĩ.
Bài thơ thể hiện một tình yêu thiên nhiên và tâm trạng của Hàn Mặc Tử thực sự rất sâu sắc bởi chính ông.