Câu 4:
Thanh Hải là một trong những nhà thơ có mặt sớm nhất trong lực lượng văn nghệ miền nam kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Trọn cuộc đời ông sống và chiến đấu vì nhân dân, đất nước. Cả lúc khi ở trên giường bệnh, ông vẫn một lòng nghĩ về đất nước và trách nhiệm của bản thân đối với dân tộc. Hai khổ thơ gần cuối bài thơ kết tinh sâu sắc tâm nguyện cao quý của nhà thơ một lòng dâng hiến cho cuộc đời:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Cũng như bao nhà văn, nhà thơ cách mạng khác, Thanh Hải đem ngòi bút của mình phục vụ cho công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Thơ ông chân thật, bình dị, đôn hậu và chân thành, thể hiện tinh tế tâm hồn và tình cảm con người xứ Huế.
Có thể nói bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tâm sự, là tiếng lòng, là ước muốn cuối cùng của nhà thơ. Ở một khía cạnh khác, có thể xem đó là một di chúc tinh thần của Thanh Hải. Dù đang gắng sức chống chọi lại với bệnh tật nhưng lời thơ của ông vẫn chan chứa niềm vui, cuồn cuộn sức sống. Ông say mê trước vẻ đẹp của mùa xuân, khao khát được hòa nhập với nguồn sống bất tận của đất trời.
Dù cuồng nhiệt đến thế nhưng nhà thơ hiểu rằng sự sống không bao giờ là bất tận. giới hạn cuộc đời đang ở trước mắt, điều quan trọng ngay lúc này đây chính là làm thế nào để bước qua giưới hạn ấy. Đối với nhà thơ, cái chết không có nghĩa là dừng lại mà là sự hóa thân. Bởi thế, ông đã lựa chọn sự hóa thân đẹp đẽ nhất:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Nếu ở khổ đầu bài thơ hình ảnh “bông hoa tím biếc”, “một tiếng chim chiền chiện” làm nên vẻ đẹp xuân hồng thì đến đây, Thanh Hải lại muốn hóa thân thành những hình ảnh đẹp dễ và ý nghĩa ấy. Nhà thơ muốn làm một “con chim” hót gọi xuân về, làm “một cành hoa” đẹp tạo hương sắc cho vườn hoa cuộc đời, làm một “nốt trầm” thầm lặng trong bản hòa ca thanh bình của đất nước.
Điệp ngữ “ta làm” trở đi trở lại trong đoạn thơ thể hiện rõ những suy tư, trăn trở của nhà thơ về một lối sống cao đẹp. Đó là lối sống chân thành, tận trung với đất nước, với nhân dan vĩ đại, tận hiến, bồi đắp cho cuộc đời tươi xanh. Những ước nguyện đơn sơ mà hết sức ý nghĩa.
Cũng trong mạch cảm xúc của nhà thơ nhưng đến khổ thơ này, cách xưng hô đã có sự chuyển đổi từ “tôi” sang “ta”. Tác giả không muốn chỉ của riêng tác giả mà của tất cả mọi người, ai cũng sống như thế thì đất nước sẽ vững bền, cuộc sống sẽ tươi đẹp mãi mãi. Có cả cái riêng và chung trong cái “ta” ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung.
“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân,hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước. Cùng trong suy nghĩ ấy, nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng ước nguyện:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót chiếc lả phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình ”
Như vậy lí tưởng cao đẹp ấy là ước nguyện chung của mỗi con người Việt Nam. Có điều ở Thanh Hải ước nguyện ấy chỉ nhỏ bé, “lặng lẽ”, khiêm nhường mà thật đáng quý, đáng trân trọng. Đáng quý hơn ở Thanh Hải là ước nguyện cống hiến cho cuộc đời ở mọi lúc mọi nơi khi còn trẻ hay khi đã về già:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dáng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Lời tâm tình tha thiết của nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc những cảm xúc trong trẻo, ngọt ngào. Giọng thơ không còn nhanh, dồn dập như đoạn đầu mà chậm rãi, trầm lắng hơn.
“Mùa xuân” ở đây không còn là mùa xuân dịu ngọt của muôn hoa mà đã nâng lên tầm khái quát. “Mùa xuân nho nhỏ” là hình ảnh ẩn dụ biểu tượng cho những dâng hiến của tác giả với cuộc đời. Ấy là cái đẹp, là niềm vui, là tài năng mà Thanh Hải cống hiến cho cuộc sống, cho đất nước, cho cách mạng để cùng với mọi người làm nên “mùa xuân vĩnh hằng” của dân tộc.
Những từ láy gợi tả “nho nhỏ”, “lặng lẽ” một lần nữa cho ta thấy nhà thơ thật khiêm nhường, âm thầm, tự nguyện. Càng trân trọng hơn nữa khi đó là những đóng góp bền bỉ, không dừng lại ở một khoảnh khắc nào “dù là” còn ở tuổi thanh xuân hay khi “tóc bạc” đã điểm màu gió sương. Và có lẽ là cả sau cái chết. Trong những ngày tháng cận kề với cái chết, Thanh Hải vẫn không thôi cống hiến, thơ ông vẫn chứa chan tinh yêu thiên nhiên, cuộc sống, con người. Có thể nói rằng bản thân ông đã là một “mùa xuân nho nhỏ” suốt đời cống hiến.
Lối sống đẹp và cao cả ấy của Thanh Hải đã làm nên một triết lí sống cao đẹp giống như Nguyễn Công Trứ đã tâm niệm:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”.
Ở Nguyễn Công Trứ là sự cống hiến tuổi xuân để được lưu danh sử sách, còn với Thanh Hải là sự dâng hiến là mãi mãi, suốt cuộc đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chính tâm niệm sống cao đẹp ấy đã nhắc nhở mọi người phải cúi đầu trước một hồn thơ đẹp.
Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Ý thơ thể hiện một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống. Giọng thơ nhẹ nhàng, trầm lắng, có sức khái quá cao. Biết lặng lẽ dâng đời những gì tốt đẹp nhất, biết sống vì mọi người, sống vì nhân dân, đất nước, biết cho đi có nghĩa là sẽ được nhận lại là mọt lối sống cao đẹp nhất trong cuộc đời này.
Cuộc đời thì hữu hạn nhưng nghệ thuật thì vô hạn và trường tồn mãi với thời gian. Nhà thơ Thanh Hải đã ra đi nhưng “Mùa xuân nho nhỏ” vẫn còn ngân nga mãi trong lòng người đọc bao thế hệ. Bài thơ đã thực sự sống thay tác giả để nhắc nhở mỗi người chúng ta: hãy sống sao cho thật sự ý nghĩa để mỗi người đều là một “mùa xuân nho nhỏ” điểm tô cho mùa xuân lớn của cuộc đời. Ước nguyện chân thành và cao quý của nhà thơ Thanh Hải thôi thúc chúng ta biết sống đẹp, sống hữu ích cho quê hương, đất nước mình.
Tick điểm 4 lời giải của t nha