Đưa tiễn một cuộc đi xa. "Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi. Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác". Thế rồi con tàu càng đi, càng bồi hồi nhớ nước. "Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ. Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương..."
Chao ôi, sóng quê hương?
Biển, trong cảm thức của người Việt rất mãnh liệt và sâu lắng. Bao đời đứng trước biển, “mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, ngay cả ở trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ…... Con mắt và trái tim chúng ta vì vậy sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh ở trên bản đồ : những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ rộng lớn hơn nhiều, và chúng ta phải có ý thức rõ ràng về điều đó. Đường biên giới của ta là bất khả xâm phạm”! Những dòng chữ đầy ắp cảm xúc này được trích từ tác phẩm “Thiên nhiên Việt Nam” của gs. Lê Bá Thảo, nhà khoa học địa lý hàng đầu của Việt Nam, xuất bản năm 1990. Từ những ý tưởng ấy nếu biết chân thành cảm thụ, bền tâm suy ngẫm, sẽ hiểu ra rất nhiều điều. Từ lớp vỡ lòng, con em chúng ta cần phải được dạy điều đó để từ tờ giấy trắng tâm hồn tuổi thơ đã đậm tô rõ nét niềm tự hào về biển trời thân tương và hùng vĩ của tổ quốc. Có như vậy thì mới thấm thía được với cảm nhận "sóng vỗ dười thân tàu đâu phải sóng quê hương".
Từng bước trưởng thành, thế hệ trẻ Việt Nam cần phải thường xuyên được củng cố và nâng cao nhận thức, vun đắp tình cảm thiêng liêng đối với Tổ quốc, một đất nước bán đảo đứng trước Biển Đông, với thềm lục địa bao gồm nhiều hòn đảo mà tự bao đời ông cha ta đã từng xác lập chủ quyền bằng những hành động cụ thể, có khi bằng máu của mình đã lưu ghi trong sử sách. Tình cảm ấy gắn liền với nghĩa vụ thiêng liêng phải gìn giữ và bảo vệ. Chẳng thế mà hơn năm trăm năm trước, 1473, theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, vua Lê Thánh Tông đã cảnh báo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy : “Nếu người dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di ”.
Lùi xa về mấy trăm năm trước nữa, giữa thế kỷ XII, cũng sách trên ghi : năm 1161, “Lý Anh Tông sai đô tướng Tô Hiến Thành và phó tướng Đỗ An Di đem hai vạn quân đi tuần tiễu ở các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên cõi xa”. Năm 1171, vua “đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”. Năm 1172, “mùa xuân tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Liệu đây có phải là vị vua đầu tiên vẽ bản đồ đất nước?
Đừng quên là nhiều trận quyết chiến chiến lược đánh tan giặc ngoại xâm đã từng xảy ra nơi của biển khi mà những đạo binh xâm lược luôn dùng đường biển để tiến vào nước ta : trận Bạch Đằng năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán do Vạn vương Hoằng Tháo cầm đầu và chết trên biển. Bình về chiến công này, Ngô Thì Sĩ viết : “một vũ công cao cả vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”! Quả đúng như thế.
Trận quyết chiến chiến lược của quân dân đời Trần tháng ba năm Mậu Tí [1288] dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đánh tan mấy chục vạn quân Nguyên cũng diễn ra trên khúc sông Bạch Đằng lịch sử này. Trong "Nguyên sử, q.166, Phàn Tiếp truyện" chép : Kịch chiến từ giờ Mão đến giờ Dậu" tức là từ sáng đến chiều, đã nói lên tính khốc liệt của cuộc chiến. Tướng giặc Ô Mã Nhi từng khoác lác hăm dọa vua Trần : "Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời; ngươi chạy xuông đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước" để rồi cuối cùng bị tóm cổ tại ghềnh Cóc, sông Chanh, một nhánh chảy vào sông Bạch Đằng, nơi Hưng Đạo vương đã dàn thế trận với những bãi cọc đâm thủng thuyền giặc. Rõ ràng là, trong những trận quyết chiến chiến lược đó, thủy binh luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong tư duy chiến lược của ông cha ta, tiêu biểu là Hưng Đạo Vương.
Vì thế, việc dựng tượng Trần Hưng Đạo, thiên tài quân sự Việt Nam, vị tướng duy nhất được nhân dân phong Thánh, tại Song Tử Tây, nơi đầu sóng ngọn gió ở Trường Sa là một việc làm thật có ý nghĩa, một bước đột phá trong quyết sách giữ nước, thể hiện rõ bản lĩnh "có cứng mới đứng đầu gió" của dân tộc ta. Trong tâm thức Việt Nam, "Đức Thánh Trần" còn tượng trưng cho oai lực trừ tà diệt quỷ. Những hồn ma Toa Đô, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp... và lũ hậu duệ của chúng đang lảng vảng ở Biển Đông chắc sẽ phải hồn xiêu phách tán trước oai lực ấy.
Trong tương quan về vị thế địa chính trị, địa chiến lược, thì mỗi thước, mỗi tấc đất trên thềm lục địa, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Tổ quốc hôm nay. Khi mà vấn đề Biển Đông đang là một thực tế nổi cộm trong đời sống quốc tế với những thủ đoạn vừa nham hiểm vừa trắng trợn của thế lực bành trướng hiếu chiến đang thè cái "lưỡi bò ham hố" muốn liếm trọn vùng biển giàu "vàng đen" và vị trí chiến lược nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương này, thì việc thông tin đầy đủ và khơi động tình cảm yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ phải là nghĩa vụ của những người có trách nhiệm với đất nước.
Vào thời điểm nhạy cảm như thế, càng phải có ý thức thường trực về việc động viên tình cảm yêu nước của thế hệ trẻ, cổ vũ và tạo cho họ điều kiện để thực hiện quyền được yêu nước của mình. Làm thất thoát hay để thui chột tình cảm ấy, vì những ứng xử tế nhị trên trường quốc tế mà cản trở việc tuổi trẻ thể hiện tình cảm yêu nước đó là có tội với đất nước, đáng hổ thẹn với cha ông đã bao đời đổ máu để giữ gìn từng tấc đất, từng thước biển, từng hòn đảo làm nên giang sơn gấm vóc hôm nay. Vì thê, tượng Đức Thánh Trần dựng tại Song Tử Tây cùng với phong trào "góp đá xây dựng Trường Sa" là một tín hiệu cổ vũ cho ý chí quật cường của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay. Hai câu thơ ghi trong "Kỷ yếu Trường Sa" chép ra đây đã phần nào nói lên được điều đó:
“Xây vững chãi những công trình trên biển
Tôn cao nền Tổ quốc giữa đại dương "
Là một bán đảo với chiều dài gấp bốn chiều rộng, bờ biển trải dài từ Vịnh Bắc Bộ sang đến Vịnh Thái Lan, hải phận mở rộng ra 12 hải lý, tức là trên 22km và vùng kinh tế biển rộng 200 hải lý thường tương ứng với thềm lục địa ở đáy biển, nối dài bờ biển ra ngoài khơi đến độ sâu 200m thì chiến lược biển phải là một chiến lược có tầm vóc xuyên suốt thời gian và không gian. Khi con thuyền đất nước đã vượt qua quãng nước lợ pha vị mặn ở đầu cửa sông, khởi đầu một vòng lượn ngoạn mục ở khúc quanh của dòng chảy để hướng ra biển thì một “chiến lược biển” được vạch ra cách đây hơn 5 năm là sự ghi nhận một bứt phá trong tư duy về biển. Năm năm đã trôi qua, chiến lược ấy đã được thực hiện như thế nào?
Để “vựơt biển”, trước hết phải vượt lên chính mình, phải thay đổi “tâm thế lục địa” bằng “tầm mắt đại dương”. “Chiến lược biển”phải là một bước phát triển có ý nghĩa trực tiếp về kinh tế, nhưng còn hơn thế, có ý nghĩa khởi động, nhằm chuyển đổi tâm thức của dân tộc . Nâng cách nghĩ của dân tộc lên một tầm tư duy mới, đưa đất nước vươn xa hơn trong vị thế địa-chính trị đặc thù của một bán đảo nằm ở ngã tư đường biển quốc tế nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Mà đâu phải chỉ bây giờ đây ta mới bàn về “chiến lược biển”. Ngẫm sâu vào tự tình dân tộc sẽ thấy rằng, trong cảm thức người Việt chúng ta, núi và biển có sức lay động thật mãnh liệt. Biểu tượng con Rồng, cháu Tiên từ huyền thoại Lạc Long - Âu Cơ ghi đậm không chỉ là hình tượng thăng hoa của nguồn cội, mà suy ngẫm cho kỹ, thì ra đây từng là sự lựa chọn thế tồn tại của ông cha ta, hướng núi hay hướng biển? “Hình khe thế núi gần xa, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”, dựa vào hình thể đất nước thì chọn hướng nào để phát triển?
Phải chăng truyền thuyết 50 người con theo cha lên núi và 50 người theo mẹ xuống biển là một lựa chọn của sự cân bằng tâm thế hướng núi và hướng biển. Mà hướng biển xem ra có phần ưu trội vì trong mô hình mẫu hệ thì “mẹ Âu Cơ” chắc không phải là yếu thế hơn, nếu không là ngược lại. Chỉ có điều, ân huệ của biển rất nhiều song không dễ thụ hưởng, còn tai họa vì bão lụt do biển gây ra thì lại bạo liệt tàn khốc.
Vì thế, dựa vào địa hình, “yếu tố trội” và là yếu tố bảo thủ nhất, biến đổi chậm nhất theo thời gian, cùng với các yếu tố tự nhiên khác như khí hậu, sông ngòi và lớp phủ sinh vật, thì chọn “hướng núi”, dựa vào núi để mà mở nước phải chăng là một sự lựa chọn trong thế chẳng đặng đừng vào buổi ấy. Mặc dù vậy, trong sâu thẳm tâm thức Việt, cả hai hướng ấy quyện vào nhau. Những lời “nguyện nước thề non” của thi sĩ Tản Đà, có sức khơi gợi mãnh liệt tâm thức ấy
“Non cao đã biết hay chưa,
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn”
Mà đâu chỉ nỗi khắc khoải của một tài thơ nằm vắt ngang thế kỷ XIX và thế kỷ XX, hơn nửa thế kỷ sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng nói về sự gắn quyện ấy
"Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao, đi về biển rộng”
Vì trên đất nước ta đâu cũng có “những giòng sông nối đôi tay liền với biển khơi”. Người nhạc sĩ thiên tài ấy gợi lên một ý tưởng rất lạ: “Bao năm chờ đợi sóng gần ta” và rồi trong “bao năm chờ đợi” ấy liệu đã có những ai nghe được, cảm được “biển có bâng khuâng gọi thầm”?
Vâng, biển gọi. Vì đi về phía biển là đi tìm một chân trời.
Lịch sử đã từng ghi nhận bản lĩnh mở đường, đi về phương Nam của Nguyễn Hoàng thế kỷ XVII. Bản lĩnh đó được bật dậy từ một tầm nhìn : nhìn ra cái thế chiến lược của việc mở nước về phương Nam, hướng ra biển từ giải Hoành Sơn, tạo ra một thế phát triển mới. Quả là, “vạn đại dung thân” là gì, nếu không phải là thấy chiến lược bừng sáng trong đầu về một chân trời mới mở rộng ra trước mắt, không phải cho một đời Nguyễn Hoàng, mà cho ngàn ngàn đời một dân tộc thường xuyên đi tìm lối thoát khỏi một vị thế địa dư trứng nằm dưới đá ? (Cao Huy Thuần).Tầm nhìn chiến lược, xuyên lịch sử, xuyên không gian và thời gian từ đôi mắt của bậc danh sĩ thế kỷ XVI Nguyễn Bỉnh Khiêm, với bản lĩnh và sự nghiệp của người anh hùng đi mở cõi Nguyễn Hoàng, đã khởi đầu cho một chuyển đổi tâm thế dân tộc : hướng ra biển.
Gợi lại đôi điều “cảm thức về biển” khi vấn đề Biển Đông đang nóng bỏng đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải biết hướng ra biển không chỉ bằng đôi mắt mà phải bằng cả trái tim. Chính với trái tim ấy mà Hồ Chí Minh quyết vượt biển tìm đường cứu nước trong trái tim rớm máu
" Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngũ
sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
xa nước rồi càng hiểu nước đau thương"
Vì thế , thay vì "làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác", hôm nay, nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 122 Chủ tịch Hồ Chí Minh, học theo tầm nhìn đại dương của Bác Hồ, thế hệ trẻ quyết noi gương ông cha, giữ vững và phát huy bản lĩnh Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giữ nước và phát triển đất nước theo mong ước cuối cùng của Bác : "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Hếtttttttttttttt