Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng chođội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi lẽ, theo Người, đạo đức là cái căn bản nhất của người cán bộ cách mạng, “mọi việcthành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”. Trên cơ sở tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các giá trị tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, truyền thống văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu lên những chuẩn mực đạo đức cách mạng, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh đến “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người nói: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Bằng cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, coi đó là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Đạo đức cách mạng theo quan điểm của Hồ Chí Minh ngày càng được hiện thực hóa và khẳng định giá trị cao đẹp trong đời sống xã hội của đất nước ta. Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, lớp lớp cán bộ, đảng viên trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, không tiếc tuổi xuân, gác lại những hoài bão cá nhân, dũng cảm, tiên phong trong cuộc đấu tranh một mất, một còn vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhiều người trong số họ đã không được hưởng niềm vui của ngày độc lập, thống nhất đất nước, nhưng họ xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu nhất về sự “chí công, vô tư”, đặt lợi ích tối cao của đất nước lên trên lợi ích của cá nhân, bộ phận. Trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện hàng vạn, hàng triệu cán bộ, đảng viên, những “người tốt, việc tốt”, những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, lao động với tinh thần “mìnhvì mọi người”, “tiên ưu, hậu lạc”, “mỗi người làm việc bằng hai”, có ý thức tiết kiệm của công, không tham ô, lãng phí, v.v.. Nhờ vậy, sự nghiệp kiến thiết đất nước trước đây và công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn cách mạng sinh động đã khẳng định rằng, đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng của Hồ Chí Minh đã đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên; đồng thời, cũng là tiêu chuẩn phấn đấu, tiêu chí để phân loại, đánh giá chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.Song, bên cạnh những tấm gương tiêu biểu đó, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trước công việc, chức trách được giao; lười học tập, ngại rèn luyện, sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh; quan liêu, tham nhũng, lãng phí;… Chính họ là một lực cản của tiến bộ xã hội;là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, làmvẩn đục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, điều mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dày công vun đắp.Hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước ta đang đứng trước cả thời cơ và thách thức đan xen. Thời cơ và thách thức đó cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu rất cao cả về phẩm chất và năng lực đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự nghiệp đổi mới đất nước không chỉ đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, mà còn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; nếu không, sẽ trở thành lạc hậu và bị hệ thống đào thải. Những biểu hiện vun vén cá nhân; tệ tham nhũng, lãng phí của công, bớt xén của người lao động,... phải bị nghiêm trị và thay vào đó là sự giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cánhân với lợi ích tập thể, bộ phận với toàn bộ, trong đó lợi ích của quốc gia, nhân dân bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu. Sự lười biếng, vô trách nhiệm, quan liêu hành chính, dựa dẫm, ỷ lại, cùng các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống phải bị lên án, loại trừ; đồng thời đề cao tinh thần làm việc có trách nhiệm, có lương tâm, sâu sát quần chúng, sâu sát cơ sở, tiêu biểu cả trong lời nói và việc làm, nhận thức và thái độ, tư cách và lối sống của mỗi cán bộ,đảng viên.Do đó, việc đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một yêu cầu vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách, trước mắt của sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nhấn mạnh: “Đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải nâng caơ tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, thật sự tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc; xử lý hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết”(2). Để thực hiện tốt những nội dung đó, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau. Trước hết, cần làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Việc này, từ trước đến nay chúng ta vẫn thực hiện, song trong chừng mực nào đó, việc tuyên truyền, giáo dục ở các cấp, các ngành, hệ thống các trường Đảng và trường đào tạo cán bộ còn có những bất cập so với sự phát triển của thực tiễn. Ngay nội dung của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng có lúc được hiểu một cách giáo điều, máy móc và được tuyên truyền theo kiểu “tầm chương, trích cú”. Có thể khẳng định rằng, nội dung đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, nhưng không thể hiểu một cách phi lịch sử, chết cứng, mà cần phải bổ sung vào đó những nội dung, yêu cầu mới, gắn với thực tiễn mới của đất nước. Ngày nay, không thể hiểu Cần chỉ là sự cần cù, chịu khó, tự lực, tự cường, mà còn là trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện; sự năng động, sáng tạo trong xử lý các tình huống nảy sinh của thực tiễn. Kiệm không chỉ là ý thức tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, tiết kiệm công quỹ của tập thể..., mà còn đòi hỏi sự tỉnh táo, tinh tường, nắm bắt thời cơ, vận hội, cạnh tranh có hiệu quả để làm giầu cho đất nước; đồng thời, khắc phục có hiệu quả những thách thức, rủi ro, thất thoát đối với tài sản của Nhà nước, tập thể. Liêm, bên cạnh yêu cầu phải sống trong sạch, không tham tiền của, không nịnh trên, dối dưới,... còn phải đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh loại bỏ bệnh tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang diễn ra trầm trọng, làm ảnh hưởng rất nhiều đến uytín của Đảng, tính ưu việt của chế độ ta. Chính, vừa phải thẳng thắn, chính trực, làm điều thiện, tránh điều ác; hơn nữa, còn phải công tâm, khách quan, dân chủ, gần gũi quần chúng, gần gũi cơ sở, tự phê bình và phê bình chân thực, thẳng thắn. Chí công vô tư đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có tầm nhìn chiến lược về tiền đồ, tương lai của quốc gia, dân tộc, không nhỏ nhen ở những toan tính cá nhân, những mối lợi nhất thời, bộ phận. Như vậy, sức sống của đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là ở thực tiễn không ngừng phát triển. Do đó, việc giáo dục, tuyên truyền về đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người chỉ thực sự sinh động, có hiệu quả cao khi bám sát những yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.Hai là, để việc giáo dục đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thực sự góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về ý thức và hành động, cần khôi phục và đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, thực hiện nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Đây chính là phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh. Người dạy: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiếtkiệm, mà mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”(3). Người còn cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(4). Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước đang đứng trước vô vàn điều mới mẻ mà nhiều người dân còn chưa kịp nhận thức và làm quen; hơn nữa, mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” đang không ngừng gia tăng. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thực sự chuẩn mực trong phát ngôn; đồng thời, phải bằng hành động thực tế, chủ động, tích cực biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hiện thực. Cán bộ, đảng viên phải tận tâm, tận lực thực hiện thật tốt cương vị, chức trách được giao, đi trước, làm gương cho quần chúng noi theo; không nên chỉ hứa hẹn rồi để đấytheo kiểu “đánh trống bỏ dùi”; phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, “cả quyết sửa lỗi mình”; làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của dân, của nước, tránh vì lợi ích cá nhân mà vi phạm tư cách, đạo đức, lối sống của người cán bộ cách mạng.Ba là, phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống”. Xây dựng ý thức và thói quen hành vi đạo đức cho cán bộ, đảng viên không đơn thuần chỉ là quá trình tuyên truyền, giáo dục về các giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng, mà còn là quá trình đấu tranh, khắc phục, loại bỏ dần thói hư, tật xấu của con người. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi con người ta đều có cái thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(5). Như vậy, xây dựng đạo đức cách mạng phải đi liền với đấu tranh, phê phán những biểu hiện trái với đạo đức cách mạng. Hai mặt này không thể tách rời nhau, bởi lẽ, vun đắp cho những giá trị tốt đẹp cũng đồng thời là quá trình loại bỏ những cái xấu, cái tiêu cực; mặt khác, đấu tranh đẩy lùi thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên cũng đồng thời là quá trình khẳng định những giá trị chân, thiện, mỹ, khẳng định đạo đức cách mạng. Hiện nay, điều mà chúng ta phải tiếp tục thực hiện là đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, lần 2 (khóa VIII), nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tự phê bình và phê bình; thông qua đó giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, cần triển khai thực hiện nghiêm túc cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí - thứ “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước. Điều đó đòi hỏi các cấp từ Trung ương đến địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, “có gan thừa nhận khuyết điểm” và sửa chữa khuyết điểm;phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, chấn chỉnh kỷ cương, phép nước; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, lối sống; đồng thời, phát huy dân chủ rộng rãi của quần chúng tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên.Bốn là, từng cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời. Hồ Chí Minh dạy: “Đạo đứccách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(6). Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ, đảng viên, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng. Người đã sớm cảnh báo mộtsố người, trong đấu tranh gian khổ thì vững vàng, kiên định, song đến khi có chút quyền lực thì đâm ra kiêu ngạo, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, có tội với cách mạng. Hiện nay, tình trạng đó vẫn diễn ra, mà nguyên nhân chính là những cán bộ, đảng viên đó đã không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi các tổ chức Đảng phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện, kiểm tra cán bộ, đảng viên; song, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào trình độ giác ngộ chính trị - đạo đức, bản lĩnh và tính tự giác của mỗi người.Vừa qua, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Chỉ thị số 06/CT-TƯ về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nghiên cứu, học tập, nhận thức sâu sắc hơn về đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người. Đồng thời, qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thái độ, hành vi, thói quen; xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa