Trong bài thơ Ánh trăng, khổ thơ thứ 4 chính là bước ngoạt quan trọng trong tình huống câu chuyện trong bài thơ. Thật vậy, khổ thơ thứ 4 này chính là khổ thơ đặc sắc về cuộc hội ngộ giữa con người và vầng trăng, hay cũng chính là đối diện với quá khứ. "Thình lình....tối om" đã tạo nên tình huống đặc biệt. Sau những tháng ngày con người quay về với sự đủ đầy và quên đi vầng trăng tình nghĩa thì nay đột nhiên đèn điện tắt. Đèn điện tắt hay chính là cuộc sống thành thị dừng lại trong khoảnh khắc ngắn ngủi và bất ngờ ấy. Tình huống bất ngờ ấy được đặt trong câu chuyện giống như một tình huống thực sự tình cờ nhưng cũng mang những ý nghĩa sâu sắc. Và dựa vào bản năng, con người vội chạy ra ngoài và bật tung cửa sổ để tìm ánh sáng "vội bật tung cửa sổ". Hình ảnh trong câu thơ cuối là hình ảnh sâu sắc và ấn tượng nhất. Từ "đột ngột" được đảo ngữ lên đầu nhằm nhấn mạnh sự xuất hiện một cách đường đột, không báo trước. "Vầng trăng tròn" là vầng trăng năm xưa, vẫn tròn và ân tình như cũ, chỉ có con người là thay đổi. Tình huống thật sự bất ngờ và đường đột tạo nên cuộc hội ngộ xúc động. Người lính giờ đây đối mặt với vầng trăng năm xưa, với quá khứ ân tình thủy chung mà mình đã trót quên lãng, đối mặt với quá khứ vẹn nguyên mà mình đã trót quên đi vào những năm tháng sống trong đủ đầy. Hình ảnh vầng trăng tròn chính là hình ảnh ẩn dụ vô cùng đặc sắc. Tóm lại, khổ thơ thứ 4 là cuộc hội ngộ bất ngờ và xúc động của con người và quá khứ ân tình, thủy chung hay còn chính là bước ngoặt quan trọng trong mạch cảm xúc của bài thơ.