Đã hơn tháng nay, gia đình tôi chuyển đến nơi ở mới. Ở đây có rất nhiều vườn cây. Đối với tôi điều thích thú nhất là được vào khu vườn táo của chú tôi vào các ngày nghỉ học. Đã một vài lần tôi đã được ăn những quả táo ngọt và to ở khu vườn dày đặc những thần cây táo xum xuê này. Chủ nhật sáng nay, tôi lại xin phép mẹ lên vườn táo của chú Sáu chơi.
Sau khi chào hỏi mọi người và được ăn rất ngon lành mấy cái bánh bông lan to tướng của chị Lan, tôi tót ra vườn với chú Sáu. Vừa huýt sáo, vừa nhảy nhót theo chú, tôi thích thú nghĩ đến những cây táo đầy quả to, mọng lá xanh um ướt sương đang rung rinh đón nắng sớm. Hôm nay, tôi sẽ hái thật nhiều táo mang về cho bé Uyên. Chắc chắn nó sẽ thích đấy. Ồ kìa! Cái gì thế này! Khu vườn táo trống trơn. Đó đây, rải rác những gốc cây thẳng đuột, trơ trọi. Tôi ngơ ngác, chẳng hiểu sao cả, nhìn bộ mặt ỉu xìu của tôi, chú Sáu phì cười:
- Tính ăn táo hả? Hết quả rồi, chờ mùa sau đi nhóc ạ!
Trong lúc chú Sáu thu dọn nốt mấy đống cành lá ngổn ngang ở góc vườn. Tôi buồn bã ngồi xuống cái võng mắc giữa hai cây xoài lớn. Có lẽ chú Sáu không trồng táo nữa hay sao ấy. Mấy cây táo trong vườn đã bị chặt hết chẳng còn sót cây nào. Thân cây bị cưa gần sát gốc, quét một lớp vôi trắng như cái áo bệnh viện của người ốm. Nhìn nhựa cây ứa ra đã khô lại trên những vết cưa trên thân cây, tôi thấy nghèn nghẹn như muốn khóc.
Nắng buổi sớm thật ấm, gió nhè nhẹ, nằm trên cái võng dưới bóng mát cây xoài một mình buồn bã, lát sau tôi thiếp đi lúc nào chẳng biết. Trong giấc mơ tôi thấy những cây táo bị cắt ngọn đang nói chuyện với mình. Nghe thấy tiếng rên rỉ đau đớn phát ra từ một thân cây táo mập mạp, tôi đến gần, cây táo rên rỉ, nhăn nhó chào tôi.
- Ái chà, đau quá! Cậu bé mới đến đây à?
Hết sức ngạc nhiên và tò mò, tôi gật đầu. Cây táo lại nói:
- Cậu đến muộn. Hết mùa táo rồi. Sang năm tôi sẽ cho cậu thật nhiều quả ngọt, vẫn rất tò mò, tôi hỏi:
- Sang năm táo sẽ cho quả nữa à?
- Tất nhiên - Táo bật cười tươi - Cậu tưởng những cây táo chúng tôi bị cưa thế này là chết à? Không đâu, người ta cưa thế này là bỏ đi phần thân già cỗi đã hết nhựa sống sau mùa quả rồi. Có như thế sang năm chúng tôi mới cho quả sai, trái ngọt được. Nếu không chúng tôi sẽ bị già cỗi.
Đã bớt ngỡ ngàng, nhìn cây táo với khúc thân còn lại ngắn ngủn và cái gốc xù xì được vun bón, tôi đánh bạo hỏi:
- Thế sao có rất nhiều cây táo khác ở chỗ tôi không phải chịu hình phạt đau đớn đó?
Táo nghiêm giọng hãnh diện đáp:
- Đó không phải là hình phạt mà là một cách chăm sóc của con người đối với chúng tôi. Loài táo dại vô tích sự mà cậu nhìn thấy thì không cần có sự chăm sóc.
- Thế nhưng còn thiếu gì cách chăm sóc sao lại chọn cách ngược đời là làm cho đau đớn, cắt bỏ hết phần cơ thể của táo? - Tôi hỏi.
Cây táo ôn tồn nói:
- Cậu mới đến đây, không rảnh việc trồng vườn nên không biết đấy thôi. Không còn cách nào khác đâu! Sau mỗi mùa táo, thân và cành của chúng tôi già đi, hết nhựa, cản trở sức sống, chỉ tổ làm mồi cho sậu bệnh, chỉ có cắt bỏ đi thì táo mùa sau mới khoẻ mạnh, cũng như con người ấy, nhiều lúc phải trải qua phẫu thuật đau đớn mới lành bệnh và bảo vệ được sự sống
Thì ra là vậy. Ấy thế mà lúc nãy tôi chả hiểu gì cả. Đưa tay sờ nhẹ vào những vết cưa trên thân cây, tôi hỏi thầm:
- Mỗi năm phải chịu thử thách lớn như vậy, táo có đau buồn không?
- Đau thì có, nhưng buồn thì không cậu ạ. Người ta đâu chỉ cắt bỏ thân cây mà còn vun bón nữa. Muốn sống có ích đóng góp nhiều cho cuộc sống thì phải biết vứt bỏ những cái hư hỏng, cụ kỹ, tật bệnh trong con người mình. Có nhiều khi phải hy sinh, từ bỏ cả những cái yêu quý nhất nữa.
Mấy gốc táo kế cạnh nãy giờ chăm chú, yên lặng lắng nghe lúc này cũng thay nhau lên tiếng đồng tình:
- Này cậu cứ chờ đi. Đến mùa táo sau, đến đây, rồi cậu sẽ thấy chứ gì.
Đến giờ tôi đã hoàn toàn hiểu ra. Đúng như táo nói, con người ta cũng vậy, có lúc cũng phải vứt đi những thói xấu, tật xấu, những cái cũ kỹ, lạc hậu thì mới cống hiến cho xã hội, cho đất nước.
Ông tôi vẫn hay nói với chúng tôi điều đó. Cả trong những mẩu chuyện tôi đã học được nữa chứ. Có rất nhiều gương hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ đã từng làm tôi khâm phục. Các chú ấy đã hy sinh một phần thân thể, hi sinh tài sản hoặc hy sinh cả mạng sống của mình nữa để giành được chiến thắng, đánh đuổi kẻ thù, còn chuyện giải phẫu để chữa hết bệnh cho con người - như táo nói - thì dễ hiểu rồi, tôi vẫn thấy nhiều người lắm. Bố tôi vốn là bác sĩ mà... Tôi cứ mơ màng và suy nghĩ như thế cho đến lúc chú Sáu đánh thức và bảo tôi về nhà...
Mùa xuân năm sau, những gốc táo hoàn toàn thay đổi hẳn. Những cành lá xanh um che lấp mất những vết cưa dạo trước. Nhìn những cây táo tốt tươi, tôi sung sướng nghĩ đến việc sẽ thực hiện lời hứa với bé Uyên. Chẳng bao lâu nữa, Uyên sẽ được tôi dắt đến đây và được tự tay hái những quả táo to tướng, thật ngon lành.