Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Chí lớn tỏ rõ khác thường
Theo truyền thuyết, trước khi mẹ Lý Công uẩn (lúc này đang mang thai) đến chùa Ứng Tâm để xin ngủ nhờ thì sư trụ trì chùa Ứng Tâm đêm trước nằm mơ thấy Long thần báo mộng rằng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch có Hoàng đế đến”. Truyền thuyết đã diễn tả cảnh Lý Công Uẩn ra đời như sau: Một đêm khu tam quan của chùa sáng rực hẳn lên, hương thơm ngào ngạt lan toả. Nhà sư cùng bà hộ chùa ra xem thì thấy người đàn bà ấy đã sinh một con trai hai bàn tay có bốn chữ son “Sơn hà xã tắc”.
Lớn lên, Lý Công Uẩn rất khôi ngô tuấn tú, lại thêm thông minh, dần dần biểu lộ một tính cách, chí khí đặc biệt. Có nhiều truyền thuyết về ông rất kỳ bí, ví như: Có một lần, nhà sư họ Lý sai Công Uẩn đem oản đặt lên bàn thờ cúng Phật. Cậu bé đã khoét oản ăn trước. Không hiểu sao nhà sư lại phát hiện được, bèn trách mắng Công Uẩn. Cậu tức lắm, cho là bức tượng Hộ pháp nhìn thấy đã mách sư, bèn đánh tượng ba cái tát, rồi lấy son viết mấy chữ “Đồ tam thiên lí” (Đày ba ngàn dặm) vào sau lưng tượng. Đêm đó sư Khánh Vân nằm mơ, thấy Hộ pháp buồn rầu, đến ngỏ lời từ biệt: “Hoàng đế đã phạt đày tôi đi xa, xin chào ông ở lại”. Sáng sớm, sư Khánh Vân lên chùa xem hư thực thế nào, thì quả thấy sau lưng bức tượng Hộ pháp có dòng chữ viết kết án như ông đã nằm mơ. Nhà sư bèn sai mấy chú tiểu múc nước rửa đi, nhưng chùi thế nào cũng không sạch. Khi cho gọi Lý Công Uẩn đến rửa, thì cậu chỉ lấy tay xoa xoa thì chữ đã biến mất!Ngày càng lớn thì chí khí và tầm hiểu biết của Công Uẩn ngày càng nâng cao, học một biết mười, rất giỏi giang, nhưng vẫn tinh nghịch như một đứa trẻ.
Tương truyền một lần, Công Uẩn bị sư Vạn Hạnh phạt, trói suốt đêm nơi cửa chùa. Bị muỗi đốt không ngủ được, Công Uẩn tức cảnh đọc bốn câu thơ đầy khẩu khí, bằng tiếng Hán, dịch Nôm ra như sau:
“Màn có trời cao, chiếu đất liền
Cùng trăng thanh thả giấc thần tiên
Suốt đêm nào dám vung chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng!”
(Lê Văn Uông dịch)
Sư Vạn Hạnh nghe được tự nhủ thầm: “Đứa bé này không phải người thường, sau lớn lên ắt có thể giải nguy, gỡ rối, làm bậc minh chúa trong thiên hạ đây!”, bèn hết sức chăm sóc dạy bảo(2).
Công Uẩn có tính không màng của cải vật chất, chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu chữ nghĩa của thánh hiền. Nhưng khi học cậu không câu nệ vào kinh sử và nhờ sáng dạ nên rất chóng hiểu, biết dùng những điều học được để suy ngẫm việc đời.
Nhờ có học vấn, tài cán và với chí lớn tỏ rõ khác thường nên Công Uẩn sớm được tiến cử vào triều làm quan nhà Tiền Lê từ đời vua Lê Đại Hành (941 – 1005), đến đời Lê Ngọa Triều (986 – 1009) tới chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, là một chức quan võ cao cấp, chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô.
Khi vua Lê Đại Hành đã mất, các vua sau này chơi bời trụy lạc, tranh giành ngôi vị chém giết lẫn nhau. Nhân dân trong nước đã tỏ ra quá chán ghét. Nhưng mãi đến năm 1010, khi Lê Long Đĩnh mất, lúc này Lý Công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Vua kế tự Long Đĩnh còn nhỏ, Lý Công Uẩn đang là chỉ huy quân túc vệ trong coi cung cấm với tài học vấn uyên thâm và nhiều tài cán nên được quan Chi hậu nhà Tiền Lê là Đào Cam Mộc cùng các quan trong triều tôn lên ngôi vua. Và đó chính là Lý Thái Tổ, vị vua khai sinh ra triều Lý. Vua trị vì 19 năm thì mất, mất năm Mậu Thìn (1028), thọ 55 tuổi. Ông được táng ở Thọ Lăng, Thiên Đức phủ, miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế(3).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |