Với người Hải Phòng, sông Tam Bạc không chỉ đơn thuần là dòng chảy mang đi những con sóng, mà ở đó chứa đựng những ký ức riêng của một thời, trở thành một trong những biểu tượng rất riêng của thành phố. Đó là nơi du khách khi đến Hải Phòng được dịp dạo bộ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông đôi bờ uốn lượn như một bức tranh trữ tình đầy sắc màu, nghe kể lại những điều chưa biết về nơi đây.
Sông Tam Bạc là nhánh bắt nguồn từ sông Lạch Tray đổ ra sông Cấm. Du khách đến đây được nghe giới thiệu về dòng sông từng là đường thủy quan trọng của Hải Phòng, nơi trên bến, dưới thuyền, buôn bán tấp nập, tạo nguồn sống cho biết bao thế hệ người dân sống hai bên sông. Lịch sử ghi lại và những bức ảnh từ xa xưa cho thấy, hai bên sông vốn lác đác những ngôi nhà thấp thay vì hàng hàng, lớp lớp những dãy nhà tầng san sát nhau như bây giờ. Cũng từ thói quen, nếp buôn bán bám vào ven sông của một thời giao thương đường thủy là hướng chủ đạo tỏa đi muôn nơi mà sông Tam Bạc tạo cho mình những hình ảnh rất riêng. Đó là cảnh rất nhiều người dân sống trọn đời, trọn kiếp với con thuyền lênh đênh trên dòng Tam Bạc. Chợ Sắt cũng được hình thành chính từ sự tụ hội của dân buôn muôn nơi về đây, muốn có một điểm giao thương tập trung trên bờ sông. Những khung sắt chở từ Pháp sang và dựng lên chợ “đầu mối” nên được gọi là chợ Sắt. Dần dà, người tứ xứ xuôi theo dòng Tam Bạc đến đây họp chợ, lập nghiệp, dựng lên những ngôi nhà hai bên sông và ngày càng tạo ra dáng hình những tuyến phố.
Nhưng có một điều làm nên sự đặc biệt của “đô thị” bên sông Tam Bạc một thời, đó là phố Tam Bạc là nơi “cửa phụ”, mặt sau của “phố chính” Lý Thường Kiệt nên không được đầu tư xây dựng quy củ, khang trang. Thay vào đó, người ta chỉ bố trí công trình phụ, cửa hậu, trổ cửa sổ nhìn ra phía sông Tam Bạc. Đa số mặt phố Tam Bạc chỉ dành cho công việc phụ, đưa hàng lên, xuống phục vụ cho những chủ buôn, chủ nhà ở cửa chính phía trước. Do vậy, “mặt phố” Tam Bạc cứ nhấp nhô, cao thấp, không giống bất kỳ hình thù của một tuyến phố nào chung quanh đó. Cái vẻ rêu phong xưa cũ ẩn hiện bên hình thù nhấp nhô tạo cho Tam Bạc một hình ảnh rất “mở”, có gì đó cổ kính, cao sang lẩn khuất trong khối hình tưởng như xấu xí. Chính vì thế, phố Tam Bạc bên sông Tam Bạc ngày xưa từng là đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao họa sĩ, nghệ sĩ để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đặc biệt là những bức tranh về phố Tam Bạc vang danh khắp nơi. Người Hải Phòng vì thế mà rất đỗi tự hào về dòng sông, con phố Tam Bạc độc đáo một thời.
Đến phố Tam Bạc bây giờ. Nhiều du khách tiếc nuối vì đặc trưng phố Tam Bạc xưa nay không còn nhiều. Thay vào đó là những khối nhà được xây nhiều tầng, hiện đại. Nhưng dòng sông chảy trong lòng thành phố với hàng cây xòe bóng mát đôi bờ vẫn đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách. Còn đó những chuyến đò xuôi ngược chở người sang sông, cảnh trên bến dưới thuyền của thời buôn bán hiện đại được lưu giữ rất tự nhiên. Nhịp sống hối hả của người dân thành thị cũng không làm mất đi vẻ thanh bình, trong lành của không gian Tam Bạc vào mỗi lúc bình minh. Màn đêm buông xuống, sương phủ lên không gian vẫn không làm nhòe đi ánh sáng từ dãy đèn cao áp hai bên phố, từ những dãy nhà bên sông in bóng lung linh trên mặt sông gợn sóng lăn tăn, đôi tình nhân thong dong dạo bước gợi cho mỗi người cảm giác xao xuyến, góc suy tư riêng pha chút lãng mạn bên dòng Tam Bạc.
Dạo bộ trên hai bờ sông, ngâm nga những vần thơ về Tam Bạc của nhà thơ Lưu Quang Vũ một thời phiêu lãng với Hải Phòng, du khách xốn xang đến lạ: “Trăng đã lên, đêm đã lả về sau/Anh đi bên dòng Tam Bạc/Thủy triều lên thao thức/Con sóng giống như cuộc đời anh/Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi/Về cuộc đời ghê gớm ta yêu” .