1. Sự xuất hiện Phật giáo ở Việt Nam
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Theo nguồn sử liệu cũ từ thời Lạc Việt, nước ta đã có trung tâm Phật giáo Luy Lâu nổi tiếng ở vùng châu thổ sông Hồng. Đó không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm chính trị, quân sự, thương mại của Lạc Việt. Phật giáo Luy Lâu đã tác động không nhỏ đến các nhà tư tưởng của Lạc Việt. Khi Phật giáo du nhập một cách hòa bình vào Việt Nam, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu và trở thành tâm thức của người Việt cổ.
Dân tộc Lạc Việt lúc đó đã có một nền văn minh nông nghiệp lúa nước nhưng tổ chức nhà nước và tôn giáo còn đơn giản. Trong khi đó, nước ta luôn bị kẻ thù phương Bắc đe dọa xâm lược và đô hộ. Có thể Phật giáo lúc này góp phần phát huy vai trò hệ tư tưởng của người Việt chống lại Hán hóa. (1).“Trong thời Bắc thuộc, Phật giáo tuy chưa trở thành Quốc giáo nhưng đã đóng vai trò như tôn giáo dân tộc để tham gia bảo vệ văn hóa, chủ quyền dân tộc của người Việt”
Sau khi thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc, từ thế kỷ X, nước ta đã bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ thì Phật giáo cũng không ngừng phát triển. Thời Đinh – Tiền Lê, triều đình bắt đầu trọng dụng một số nhà sư có kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực. Các vua thời Đinh – Tiền Lê ban hành một số chính sách bảo trợ và phát triển hệ thống tăng đoàn Phật giáo trong cả nước như một tôn giáo chính thống, nhiều chùa lớn được xây ngay tại kinh thành. Các vua còn cử cả phái đoàn sang Trung Quốc thỉnh kinh Phật về in và truyền bá cho dân chúng. “Phật giáo thời kỳ này bắt đầu phát huy vai trò như một lực lượng tinh thần của dân tộc trong các đường lối chiến lược xây dựng và ổn định đất nước sau một thời kỳ dài bị đô hộ” (2).
2. Phật giáo trở thành Quốc giáo ở thời Lý
Theo dòng lịch sử, từ một tôn giáo ngoại lai trở thành tôn giáo dân tộc, sang thời Lý, Phật giáo trở thành quốc giáo của nhà nước Đại Việt. Triều đại nhà Lý tồn tại hơn 200 năm (1009-1225) với chín đời vua. Trong lịch sử Việt Nam, triều Lý là một triều đại lớn và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trên các lĩnh vực khác nhau. Dấu ấn quan trọng nhất trên lĩnh vực chính trị chính là sự kiện lịch sử năm 1010, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Thăng Long từ đó trở thành thủ đô văn hiến ngàn đời sau của dân tộc.
Đến năm 1054, triều Lý lại đặt quốc hiệu mới cho nước Đại Việt và buộc nhà Tống phải thừa nhận nước ta là một quốc gia riêng. Trên lĩnh vực quân sự, triều Lý để lại dấu ấn trên trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc (đánh Chiêm Thành phá tan âm mưu của nhà Tống trong việc lợi dụng Chiêm Thành để xâm lược nước ta và sau đó tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống). Ngoài ra, triều Lý cũng chăm lo phát triển kinh tế, thúc đẩy văn hóa nên đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ... Một dấu ấn quan trọng khác trên lĩnh vực tôn giáo thời Lý là sự hưng thịnh của đạo Phật.
Sự hưng thịnh của đạo Phật thời Lý biểu hiện rõ nhất ở tổ chức tăng đoàn. Không chỉ có số lượng phật tử đông đảo (hầu như trên cả nước từ vua, quan đến dân đều theo đạo Phật) mà tăng đoàn còn có nguồn ruộng đất và tài sản riêng rất lớn. Triều đình phong kiến nhà Lý tham gia chính quyền từ trung ương đến các địa phương.
Các vua Lý đã kế thừa tổ chức tăng quan thời Đinh – Tiền Lê. Đây là tổ chức có tính chất tôn giáo liên quan chặt chẽ với hệ thống nhà nước. Tăng quan triều Lý là những người giúp cho nhà nước quản lý các tín đồ phật tử về mặt hành chính, đồng thời trên thực tế cũng là người bảo vệ quyền lợi của Phật giáo. Một số tăng sĩ đắc đạo và có học vấn uyên bác thời này được các vua Lý hết sức trọng dụng. Có sư là thầy dạy của vua và được phong làm Quốc sư.
Dưới thời Lý, một loạt nhà sư được ban hiệu Quốc sư như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ. Vai trò chủ yếu của các Quốc sư thời Lý là những cố vấn đắc lực giúp vua hiểu biết về giáo lý đạo Phật, ngoài ra khi cần, các Quốc sư còn cố vấn cho vua những vấn đề về chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa...
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh
Nhà Lý đề cao Phật giáo do xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Xét về quan hệ, thái tổ nhà Lý (Lý Công Uẩn) có mối quan hệ đặc biệt với các nhà sư đương thời, thuở nhỏ từng là con nuôi của sư Lý Khánh Vân và là đệ tử thụ giáo của sư Vạn Hạnh. Xét về niềm tin tôn giáo, các vua thời Lý rất sùng đạo. Bản thân một số vua được tôn là tổ của các phái thiền. Vua Lý Thái Tông là vị Tổ thuộc thế hệ thứ bảy phái Thiền Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông là Tổ thứ hai Thiền phái Thảo Đường.
Xét về chính trị, việc nhà Lý thành lập có công hậu thuẫn to lớn của thế lực Phật giáo trong nước đứng đầu là sư Vạn Hạnh. Về sau, các nhà sư lại trở thành những trợ thủ đắc lực phò vua giúp nước. Xét về xã hội, triều đình phong kiến nhà Lý muốn tận dụng những ưu điểm của Phật giáo để dung hòa những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội. Sau khi triều Lý thành lập, các vua nhà Lý cai trị đất nước trên hệ tư tưởng của đạo Phật nên đã dần dần xoa dịu sự bất bình của nhân dân cả nước trước sự bạo tàn, sa đọa của các vua cuối thời Tiền Lê.
Do sự đề cao Phật giáo của nhà nước phong kiến và sự phát triển của hệ thống tăng đoàn, đạo Phật đã từng bước hội nhập vào đời sống của người dân Việt. Sự hội nhập ấy diễn ra không phải chỉ một giai đoạn, một thời điểm mà xuyên suốt chiều dài lịch sử của triều đại nhà Lý. Giáo lý đạo Phật được phổ biến rộng rãi trên cả nước. Trong giai đoạn này, Phật giáo không chỉ dành riêng cho giới sư sãi, phật tử mà còn ảnh hưởng chung toàn xã hội. Chùa chiền không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lễ hội mà còn là nơi học tập, trau dồi đạo đức, văn hóa của người dân Đại Việt; nổi bật nhất là môn phái thiền học được áp dụng một cách rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng. Đạo Phật đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân đúng như Hòa thượng Thích Mãn Giác sau này đã viết:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông” (3).
Trở thành Quốc giáo hơn 200 năm tồn tại của triều đại nhà Lý, Phật giáo giữ vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và bước đầu phát triển của quốc gia Đại Việt ở tất cả các hoạt động từ chính trị xã hội, quân sự, ngoại giao đến văn hóa, giáo dục.
3. Phật giáo giữ vai trò ổn định chính trị và phát triển xã hội
Nước ta vừa mới thoát khỏi thời kỳ đô hộ kéo dài nhưng ngay sau khi độc lập, các vua Đinh – Tiền Lê phần nhiều là những kẻ vũ biền. Những cực hình như ôm cột đồng đốt nóng, thả vạc dầu đun sôi, nhốt cũi ngâm sông, giam vào chuồng hổ báo... để trừng phạt kẻ tội phản do các vua ban hành đã làm mất thiện chí của dân chúng và phản ảnh tình trạng xã hội còn lạc hậu.
Thời kỳ này Phật giáo mới bắt đầu được chú trọng, các vua Đinh – Tiền Lê chưa thực sự áp dụng việc trị nước dựa vào tư tưởng từ bi, hỷ xả của đức Phật. Sang thời Lý, nhận thấy tư tưởng và giáo lý của đạo Phật có nhiều điểm phù hợp với việc trị quốc trong thời bình nên các vua nhà Lý coi trọng tăng đoàn – một phần vì mến đạo nhưng cũng một phần vì lý do chính trị. Nhờ vào học vấn và tài lực của chư tăng, phật tử thời Lý mà Đại Việt ổn định về chính trị và phát triển hơn các thời trước về văn hóa xã hội.
Nguyễn Đổng Chi trong sách “Việt Nam cổ văn học sử” có trích dịch một đoạn lời của Quốc sư Viên Thông (1080-1151) - (Đời thứ 18, dòng Tỳ ni đa lưu chi) giãi bày với vua Lý Thần Tông về phép trị nước như sau: “Thiên hạ cũng như một đồ vật, để nó vào nơi yên thì yên vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà vua; nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ... Trị và loạn ở tại trăm quan, được người thì trị mà không được người thì loạn... Bậc vua chúa không làm hưng hay vong liền mà dần dần ở sự thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết như thế nên mới bắt chước để yên người... Yên dân là kính kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mục. Theo lối đó thì hưng, trái lại thì vong. Sự hưng vong là dần dần sinh ra thôi” (4).
Với những lời giãi bày trên, quả thật các Quốc sư thời Lý xứng đáng là những nhà cố vấn vững vàng về chính trị. Đó là một bài học chính trị thấm nhuần tinh thần Phật giáo.
Đó còn là sự sáng suốt tuyệt vời của sư Vạn Hạnh khi ngài khuyên vua Lê Đại Hành chỉ việc án binh bất động trong hai mốt ngày là giặc lui, hoặc sự kiện ngài khuyên vua dời đô về Thăng Long, vùng đất địa linh nhân kiệt để giữ cho địa thế nước ta vững bền dài lâu. Thực tế đã xảy đúng như lời dạy của Quốc sư. Điều này đủ biết vai trò quan trọng của hệ thống tăng quan thời Lý với việc ổn định hệ thống chính trị của nhà nước Đại Việt.
Không chỉ giữ vai trò ổn định hệ thống chính trị, Phật giáo thời Lý còn tác động không nhỏ đến tình trạng phát triển kinh tế xã hội.
Do sự phát triển của đạo Phật nên các chùa thời này đều có cơ sở vật chất rất lớn, bao gồm rất nhiều ruộng đất và tài sản. Một điều đáng quý là nguồn tài sản của các chùa hầu hết dùng để cứu cấp dân nghèo vào những năm mất mùa. Cửa chùa cũng chính là nơi cưu mang những người hoạn nạn. Các thư tịch cũ như sách Thiền Uyển Tập Anh chép rằng vua và các tín chủ giàu có thường cúng dường của cải để chư tăng bố thí cho dân nghèo hay dùng vào các công việc cứu trợ công đức khác. Các Thiền sư như Không Lộ, Giác Hải tinh thông y thuật đã phát minh ra nhiều phương dược để cứu chữa cho dân...
Tư tưởng từ bi, cứu thế của đạo Phật còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Xã hội thời này thuần hậu hơn rất nhiều so với các triều đại trước. Phần lớn các vua Lý đều có lòng khoan dung, nhân từ do ảnh hưởng của đạo Phật. Điển hình như các vua Lý Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông luôn chỉ đạo quần thần phải chăm lo cho đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc chính là bảo vệ sự độc lập của nước nhà. Sử sách cũ đã phải ca ngợi tài trí, đức hạnh của vua Lý Nhân tông: “Vua là người sáng suốt khôn ngoan, nhân hiền, hiếu nghĩa. Vua nghe lời can ngăn, cầu kẻ hiền tài, ít tạp dịch, thuế khóa nhẹ. Bấy giờ nước lớn phải sợ; nước nhỏ phải mến, thần giúp người theo, dân thì đông giàu, mình thì thái bình. Thực là ông vua giỏi ở triều Lý” (5).
Ở triều đại trước, các vua Đinh – Tiền Lê chưa thực sự thấm nhuần triết lý sống của đạo Phật mặc dù Phật giáo đã phát triển. Vua sẽ là gương sáng cho dân chúng noi theo nhưng có lẽ tư tưởng và cách ứng xử của các vua Đinh – Tiền Lê chưa phù hợp lòng dân. Ngược lại, các vua nhà Lý từ chỗ thấm nhuần triết lý đạo Phật đã cai trị đất nước trên hệ tư tưởng đúng như lời chỉ dạy của Pháp Thuận Thiền sư:
“Quốc lộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh”.
(Vận nước như mây quấn
Trời Nam hưởng thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh) (6).
Thực tế lịch sử đã chứng minh, bản thân các vua Thiền sư thời Lý đã tự trau dồi đạo đức vô ngã, triết lý sống nhập thế trên cơ sở tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã của đạo Phật. Các vua nhà Lý trở thành tấm gương cho dân chúng noi theo. Điều này tạo nên một đời sống tinh thần tốt đẹp cho toàn xã hội. Đó là một đời sống hướng thượng, hướng con người đến chân thiện mỹ và đạt chân lý ngay trong đời sống hiện tại. Nền kinh tế - xã hội nước ta thời ấy nhờ vậy cũng tiến bộ, phát triển hơn so với các triều đại trước.
4. Tư tưởng Phật giáo và khối đoàn kết toàn dân chống ngoại bang
Ngay từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng đầu Công nguyên đã đem theo tư tưởng bình đẳng và từ bi rất thích hợp với khối đại đoàn kết toàn dân và mở rộng tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau của dân Việt. Tinh thần vô ngã, vị tha Phật đà ấy ở thời Lý đã thấm sâu vào tiềm thức của cư dân Đại Việt và tạo nên mối đoàn kết dân tộc sâu sắc giữa vua quan với người dân bình thường, giữa tướng lĩnh với binh lính.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có dẫn: “Năm 1038, vua Lý Thái Tông ngự ra bố hải khẩu (Thái Bình) cày ruộng tịch điền. Vua sai hữu ti quét đất lập đàn, thân tế thần nông, sau đó cầm cày toan làm lễ cày ruộng. Tả hữu can rằng, đó là việc của bọn nông phu, bệ hạ làm việc ấy làm gì? Vua nói: trẫm không tự cày thì lấy xôi đâu mà tế, lại lấy gì nêu gương cho thiên hạ. Vua đẩy cày ba lần rồi ngừng. Nhà vua tự thân cày tịch điền đầu năm, là để làm kiểu mẫu cho dân của nhà Lý” (7). Đấy chính là một minh chứng biểu hiện tinh thần dân chủ và đoàn kết giữa vua tôi Đại Việt.
Giáo lý về “tất cả chúng sinh đều có Phật tính” đều có sẵn mầm giác ngộ để tương lai thành Phật là một chủ thuyết thực sự bình đẳng, hạn chế phân biệt ranh giới đẳng cấp phong kiến thời Lý. Đối với các ông vua kiêm Thiền sư như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông thì chủ quyết bình đẳng đó không phải là khẩu hiệu mà thể hiện bằng đường lối chính sách cai trị và cả trong cung cách xử sự hằng ngày của các vua.
Chính tinh thần dân chủ và tinh thần đoàn kết toàn dân do ảnh hưởng hệ tư tưởng đạo Phật đã giúp Đại Việt giành được kỳ tích trong trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc. Đó là sự kiện đập tan cuộc xâm lược quy mô lớn với 30 vạn quân của nhà Tống. Để giành được chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Tống ở thế kỷ XI, bản thân những người đứng đầu nhà nước Đại Việt bấy giờ phải hội tụ nhiều yếu tố: lòng yêu nước, trí tuệ, tinh thần vô ngã, bình đẳng giữa quân dân và cả sự khoan dung độ lượng khi kẻ thù thất bại.
Tinh thần Phật đà thể hiện trong cuộc khánh chiến chống Tống ở triều đại nhà Lý được soi rọi rõ nhất qua tấm gương người lãnh đạo cao nhất của quân đội Đại Việt lúc bấy giờ là Thái úy Lý Thường Kiệt. Khi cuộc kháng chiến chống Tống vừa mới bắt đầu, để củng cố lực lượng lãnh đạo của quân dân Đại Việt, Thái úy đã dẹp bỏ lợi ích cá nhân, mời ngay Lý Đạo Thành, Thái sư triều trước, từ Nghệ An trở lại triều đình giữ chức Thái phó bình chương quân quốc trọng phụ để cùng ông hợp lực lo toan việc nước trong lúc nguy nan.
Vào giai đoạn gần cuối cuộc kháng chiến, Lý Thường Kiệt sử dụng trí tuệ về nghệ thuật quân sự một cách thành công. Từ chỗ nắm rõ tinh thần và sự suy yếu của lực lượng địch, đồng thời muốn khích lệ tinh thần của quân dân Đại Việt, ông đã cho đọc bài thơ thần nổi tiếng “Nam quốc sơn hà”. Chính bài thơ thần này đã khơi dậy tinh thần yêu nước thành sức mạnh chiến đấu trực tiếp diệt thù của người dân Việt. Cũng chính bài thơ thần này trở thành bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Đại Việt, làm tinh thần quân giặc hoảng loạn.
Cuối cùng, để kết thúc chiến tranh khi quân giặc đã bị đè bẹp ý chí hoàn toàn, Lý Thường Kiệt sử dụng chính sách quân sự mềm dẻo và nhân từ: “dùng biện sĩ bàn hòa, không nhọc tướng sĩ, khỏi tốn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu” (8).
Như vậy, từ một nền Phật giáo thuần túy, do nhu cầu của lịch sử, Phật giáo thời Lý biến thành một nền Phật giáo chống ngoại xâm. Đây là một trong những vai trò và cũng là đóng góp có ý nghĩa nhất của Phật giáo giai đoạn này. Phật giáo thời Lý đã đóng góp vào phong trào vận động độc lập với một lý luận hết sức rõ nét.
Dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng bình đẳng, vô ngã, người dân đại Việt không kể xuất gia hay tại gia, từ vua quan đến thường dân đã cùng nhau đoàn kết chống ngoại bang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và độc lập dân tộc. Chính những người ủng hộ Phật giáo giai đoạn này – đứng đầu là vua quan – xuất phát từ thực tiễn của dân tộc đã sáng tạo ra lý luận chống ngoại xâm của mình.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bấy giờ được thể hiện bằng tư tưởng địa linh, một tư tưởng xác định đất nước Việt Nam sẽ sản sinh ra những người dân làm chủ. Vì vậy chủ quyền dân tộc là điều bất khả xâm phạm và bằng mọi giá phải bảo vệ nền độc lập ấy trên nền tảng là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Đây là một bước tiến mới của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và nó cũng tạo cho hệ tư tưởng Phật giáo một diện mạo mới mang tính đặc thù của thời đại và của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt giai đoạn nhà Lý ước mơ về một đất nước có chủ quyền và thanh bình đã thành hiện thực. Đó cũng nhờ vào sự đóng góp to lớn của hệ tư tưởng Phật giáo cũng như lòng yêu nước và sự đoàn kết toàn dân tộc.
5. Phật giáo ảnh hưởng đến nền giáo dục và văn hóa thời Lý
Một đặc điểm phổ biến của hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là thời Lý, chùa chiền giống như một trường học. Mỗi ngôi chùa thời ấy là một diễn đàn, một chốn học đường với tầng lớp người theo học không chỉ có thường dân mà cả bộ phận quý tộc. Sự học hỏi giữa mọi người diễn ra bình đẳng không phân biệt sang hèn. Ở thời Lý, các bậc danh thần như Thái úy Tô Hiến Thành và Thái bảo Ngô Hòa Nghĩa từng thụ giáo học với Thiền sư núi Cao Dã ròng rã trong mười năm mới được biết mặt thầy.
Nhiều ngôi chùa trở thành các thiền viện nổi tiếng, không chỉ phổ biến kinh sách đạo Phật mà còn là diễn đàn của các nhà thơ và tầng lớp trí thức Nho giáo bấy giờ. Tiêu biểu nhất có lẽ là ngôi chùa Quỳnh Lâm.
Chùa Quỳnh Lâm là một trung tâm Phật giáo có vị trí quan trọng vào hàng nhất nhì ở thời Lý và cả thời Trần sau này. Tương truyền người có công khởi dựng chùa Quỳnh Lâm đầu tiên chính là vị Quốc sư nổi tiếng thời Lý – Không Lộ Thiền sư. Chùa Quỳnh Lâm được xem như một hiện tượng văn hóa tiêu biểu mang đặc điểm riêng của văn hóa Phật giáo thời Lý. Trong giai đoạn lịch sử này, văn hóa Đại Việt có sự giao lưu và hội nhập giữa ba thành tố Phật, Đạo và Nho.
Đây vốn là ba hệ tư tưởng không cùng nguồn gốc nhưng đều du nhập vào đời sống tinh thần của người Việt từ rất sớm và mặc nhiên trở thành các hệ giá trị văn hóa dân tộc, nhất là Đạo giáo và Phật giáo, mặc dù đến trước thế kỷ X, chính quyền Trung Quốc vẫn ngấm ngầm hoặc công khai lấy Nho giáo làm chỗ dựa. Đến thời Lý, dù Phật giáo trở thành Quốc giáo nhưng với bản chất giáo lý và cách thức truyền bá giáo lý, Phật giáo chủ trương hòa đồng với các tôn giáo khác trong xã hội. Do đó có thể nói giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo có mối quan hệ cộng hưởng trong phạm vi nhà chùa thời Lý.
Đặc điểm hội nhập ba thành tố Phật, Nho và Đạo trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt thời Lý là hệ quả của sự cởi mở về quan điểm chính trị của các ông vua thiền sư thời này. Với tư tưởng bình đẳng và tầm nhìn chiến lược, các vua chủ trương xây dựng một nền văn hóa có sự dung hòa, cân bằng vị thế giữa ba tôn giáo lớn trong xã hội bấy giờ là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Điều này thể hiện ở các chính sách của triều đình như: vừa cho dựng chùa, lập các đạo cung, đạo quán, xây đền miếu; vừa đặt giai phẩm cho tăng đạo, sắc phong cho các vị Nho thần; cho dựng văn miếu và Quốc Tử Giám mở khoa thi Nho học nhưng đồng thời mở cả khoa thi Tam giáo dành cho quan lại chuyên trách việc tôn giáo, tế lễ hoặc những người đứng đầu các đền miếu, chùa chiền.
Chính sách dung hòa tôn giáo của triều đại nhà Lý đã thúc đẩy nền văn hóa và giáo dục phát triển. Sách Đại Việt sử ký toàn thư từng viết rằng thời bấy giờ “nhân tài đầy rẫy”. Nền văn hóa mang màu sắc Phật giáo thời Lý thực sự rất phát triển. Nhắc đến thời kỳ này, hậu thế không thể quên những danh nhân văn hóa mà hầu hết lại chính là các ông vua thiền sư, các vị sư tổ và cả các vị nhà Nho ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo với những tác phẩm xuất chúng về văn học nghệ thuật. Những áng thơ văn của các thiền sư mang đầy hơi thở của sự sống. Trong lời tựa của tập sách “Toàn Việt thi lục”, Lê Quý Đôn đã đưa ra những nhận xét chung về tình hình sinh hoạt văn học dưới hai triều đại Lý – Trần:
“... Nước Việt ta ngay từ buổi đầu dựng nước đã văn minh không kém gì Trung Hoa... Đến các vua nhà Lý đều là những bậc giỏi chữ hay thơ, nhưng nay không biết tìm kiếm vào đâu, chỉ thấy sách Thiền Uyển Tập Anh còn chép được của vua Thái Tông hai bài, của vua Nhân tông hai bài. Cho đến các vua nhà Trần cũng rất mến thích thơ văn, mỗi vị đều có tập thơ riêng nhưng đã rơi rụng mất mát nhiều, trong Việt Âm Thi Tập chỉ còn thấy độ vài ba chục bài. Nói chung thì hồn thơ Lý – Trần rất phóng khoáng, tình cảm cao siêu mà thanh nhã, phong vị phảng phất Thiền ngữ, nên đã tạo được tiếng vang có ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị và văn hóa đương thời” (9).
Về các ngành mỹ thuật như kiến trúc, hội họa, điêu khắc Phật giáo, thời Lý đã đóng góp nhiều công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Tiêu biểu nhất cho nền mỹ thuật Phật giáo thời này là bốn công trình được gọi là An Nam tứ đại khí: tháp Báo Thiên, tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm, đỉnh Phổ Minh, chuông Quy Điền. Ngoài ra còn có rất nhiều công trình nổi tiếng khác như chùa Diên Hựu, tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Chương Sơn...
6. Kết luận
Có thể nói, Phật giáo thời Lý đã làm nên một trang sử vẻ vang, huy hoàng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phật giáo thời này có sức sống mãnh liệt bằng tinh thần vô ngã vị tha; thể hiện sức sống tự lực tự cường với tinh thần độc lập dân tộc. Nó đi đúng đường lối tu hành của đạo Phật, dung hợp với bản sắc văn hóa dân tộc để tạo thành nét đặc thù cho nền Phật giáo Việt Nam thời đại nhà Lý. Con đường này phù hợp với quy luật phát triển của tâm thức để phát sinh tuệ giác đưa con người đến chỗ giác ngộ giải thoát ngay trong hiện tại.
Phật giáo thời Lý đã đóng góp vào việc xây dựng nền văn minh Đại Việt thịnh trị trong hơn hai thế kỷ. Bởi vì về cả phương diện tinh thần và phương diện vật chất, ảnh hưởng của Phật giáo giai đoạn này là quá rõ trên tất cả các hoạt động trong nước. Ngày nay, tinh thần đạo Phật không tách khỏi tinh thần dân tộc, văn hóa Phật giáo trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều này là do trong buổi đầu hình thành văn hóa, dân tộc Việt Nam đã được nuôi dưỡng bằng món bổ dưỡng và cần thiết của Phật giáo.