Khi nghiên cứu thuật ngữ “công vụ”, có nhiều cách hiểu khác nhau gắn với các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động và con người thực thi hoạt động đó. Khoa học luật hành chính nhiều nước cho rằng, công vụ có nội dung thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng nhằm thoả mãn nhu cầu chung của xã hội trên cơ sở đường lối chính trị đã hoạch định(2). Mọi hoạt động của Nhà nước đều nhằm mục đích phục vụ nhân dân, thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống để đảm bảo trật tự xã hội. Mặt khác, các đạo luật đều được cụ thể hóa bằng những quyết định của cơ quan quản lý nhà nước. Việc thực hiện các quyết định hành chính nhà nước chính là hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, công vụ là một khái niệm mang tính lịch sử và gắn liền với thiết chế chính trị của mỗi quốc gia.
Hiện nay đang tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về công vụ, không có khái niệm chung cho tất cả các quốc gia, đồng thời khái niệm này luôn được thay đổi để thích ứng với bối cảnh chính trị - xã hội ở mỗi thời kỳ. Theo đó, công vụ được xem xét ở những phạm vi, cấp độ khác nhau: thứ nhất, công vụ được hiểu là các hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức thuộc khu vực công, kể cả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình… do Nhà nước thành lập) và các cơ quan, đơn vị quân đội, công an; thứ hai, công vụ được hiểu là hoạt động do người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhằm tách biệt những hoạt động có tính chính trị với hoạt động chuyên môn nghề nghiệp của các đối tượng trong bộ máy nhà nước; thứ ba, công vụ là hoạt động do công chức làm việc trong bộ máy hành pháp thực hiện. Mặc dù có nhiều quan niệm ở các cấp độ khác nhau về công vụ nhà nước, nhưng điểm chung nhất của các quan niệm trên là tính chất phục vụ cộng đồng, xã hội do các cơ quan nhà nước (hay do Nhà nước thành lập) thực hiện theo quy định pháp luật. Ở Việt Nam, Điều 2 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định hoạt động công vụ “là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan”(3). Cán bộ, công chức khi tham gia hoạt động công vụ phải tuân thủ các nghĩa vụ được pháp luật quy định và có trách nhiệm thực hiện đúng quyền hạn được giao.
Trách nhiệm công vụ không chỉ là một khái niệm gắn với quản lý nhân sự trong khu vực công mà còn mang tính chính trị, tạo dựng hình ảnh của chế độ nhà nước, của Nhà nước trong cộng đồng xã hội. Trách nhiệm công vụ là việc cán bộ, công chức, viên chức tự ý thức đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Trách nhiệm trong hoạt động công vụ của công chức có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả hoạt động công vụ gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được tổ chức, cấp trên trao cho trên cơ sở luật định. Như vậy, trách nhiệm công vụ bao gồm:
- Trách nhiệm trước tổ chức/cơ quan và cấp trên. Loại trách nhiệm này hình thành khi người thực hiện công vụ không chỉ quan tâm đến kết quả công việc của mình mà còn quan tâm đến kết quả chung của tổ chức. Họ ý thức được sự gắn kết giữa quyền lợi, lợi ích của tổ chức với lợi ích của bản thân. Trong một số trường hợp, cá nhân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích của tổ chức xuất phát từ ý thức bảo vệ lợi ích của tổ chức cũng chính là bảo vệ lợi ích cá nhân của mình.
- Trách nhiệm trước công việc mà trước hết là trách nhiệm đối với chính bản thân mình. Đây là trách nhiệm với sự lựa chọn của mình khi trở thành thành viên của một tổ chức và theo đuổi sự nghiệp, trách nhiệm với những gì mình đã cam kết để được hưởng các đãi ngộ.
- Trách nhiệm đối với xã hội từ các tác động do hành vi mà họ tạo ra. Trách nhiệm xã hội là cam kết của các chủ thể thực thi công vụ đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng và xã hội.