Trong cuộc sống này có rất nhiều thứ bạn cần phải bước để chân được vững hơn. Dám bước hay không là tùy vào chính bạn và cũng có nhiều lý do để khiến bạn quyết định, có thể vì bạn thiếu sự can đảm hoặc vì sự lười nhát, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Có người không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy.
Bước ở đây không có nghĩa là bước chân như mọi ngày chúng ta cũng đi đến nơi này, nơi khác mà là bước tiến. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không chỉ đơn thuần đi trên đôi chân vật lý mà còn đi bằng ý chí và tinh thần. Mỗi ngày có rất nhiều điều mà chúng ta không ai mong muốn nó xảy ra, nhưng vì chúng ta không biết trước được những điều sẽ đến nên không ai có thể tránh khỏi.
Chẳng hạn như hôm nay, bạn đi làm muộn một chút vì tắc đường, bạn muốn người khác hiểu cho bạn, vì không phải chỉ mình bạn gặp tình trạng này. Người khác sẵn sàng hiểu vì điều đó, nhưng nếu những lần sau vẫn tình trạng này xảy ra thì là lỗi do bạn. Có người vẫn gặp tình trạng kẹt xe nhưng họ vẫn đến đúng giờ, nhưng sao bạn lại trễ? Giả sử, bạn cũng bị trễ chuyến bay vì kẹt xe, liệu máy bay có hiểu cho bạn không?
Hôm đó, bạn không được khỏe một chút, bạn xin phép sếp cho bạn nghỉ một ngày. Sếp sẽ thông cảm và cho phép bạn nghỉ. Nhưng khi bố mẹ bạn đau, phải nhập viện, bạn không có đủ tiền viện phí để chi trả, bạn bảo bệnh viện thông cảm? Liệu bệnh viện có hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của bạn lúc đó?
Hồi trước đi làm, bạn chỉ thích đi muộn về sớm, căng thẳng một chút là chơi game hay chọn phương pháp thư giãn. Mọi người có thể thông cảm cho bạn. Nhưng rồi sau này, con cái người ta học trường tốt, bạn nói với con mình rằng nhà không đủ điều kiện, liệu con bạn có đủ tuổi để hiểu?
Những điều đơn giản đó liệu có quá sức để bạn không thể vượt qua? Bạn chỉ cần đi sớm hơn một chút thì sẽ không đến công ty muộn, cố gắng chăm sóc sức khỏe để không phải đổ bệnh, nếu có thì vẫn có thể làm online tại nhà (nếu tính chất công việc cho phép) hoặc cố sức đến công ty nửa ngày để công việc không bị trì hoãn. Đi làm về muộn cũng chả sao, vì về sớm cũng nằm lì ra đó với cái tivi hoặc điện thoại, …. Bạn sợ gì mà không bước? Không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy.
Ai cũng có những mệt mỏi, gánh nặng riêng của mình. Đừng bao giờ gặp mặt nhau rồi chỉ biết than, để rồi nó trở thành một “thương hiệu” cho chính bạn. Vì sẽ chẳng ai muốn nói chuyện với một người cứ gặp mặt là chỉ biết than. Đi làm có những căng thẳng riêng, nhưng nếu bạn cứ than thì bạn không chỉ mệt về thể xác mà còn mệt về tinh thần và bạn có đảm bảo còn đủ năng lượng để làm việc.
Đừng vừa trách lương thấp nhưng không có sự nỗ lực hết mình. Đừng trách xã hội thực dụng, làm việc trong trạng thái lười biếng, trì trệ, không có nỗ lực thì không có báo đáp. Đừng nhảy việc liên tục mà đổ lỗi cho công ty hay sếp. Trước hết nên nhìn lại chính bản thân mình, tại sao người đến trước bạn vẫn làm việc cho đến tận lúc bạn bước vào và bạn ra đi họ vẫn ở đó? Cuộc sống tồn tại quá nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề chính vẫn là bản thân của mỗi người. Vậy, trước khi giải quyết vấn đề gì thì phải giải quyết bản thân mình trước đã. Vì đó là những điều vốn dĩ bạn phải bước qua nếu muốn phát triển bản thân. Có người không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy.
Nếu là một người không bị khiếm khuyết cơ thể về mặt vật lý thì bạn đã may mắn hơn rất nhiều người trên thế giới này. Có nhiều người bị tai nạn giao thông đến nỗi bị cướp mất đi đôi chân, nhưng họ vẫn bước trên đôi chân tinh thần của mình. Còn bạn? Bạn không bị khuyết về mặt vật lý, nhưng còn mặt tinh thần thì sao? Nhìn lại, có nhiều người không bị khuyết về mặt cơ thể vật lý nhưng không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy.