Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh!/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình.../ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh" (Hồ Chí Minh toàn tập - T6).
Giọng thơ thân mật và tự nhiên như lời nói chuyện tâm tình, những lời căn dặn thân thiết, nhưng lại chứa đựng một tình cảm đặc biệt, một tấm lòng yêu thương bao la vô hạn của Bác Hồ đối với các cháu thiếu niên nhi đồng. Càng đặc biệt hơn khi chúng ta biết rằng, tình cảm đó, tấm lòng đó của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi được Bác thể hiện trong hoàn cảnh "nước sôi, lửa bỏng" của đất nước, lúc Bác đang bận trăm công nghìn việc nhưng không lúc nào, không khi nào Bác lại tỏ ra không quan tâm đến thế hệ trẻ.
Còn nhớ, những năm tháng còn bôn ba ở nước ngoài đi tìm hình của nước, Người đã rất chú ý đến việc chọn lựa và đào tạo thế hệ trẻ cho cách mạng. Ngày 22-7-1926, Người đã có thư gửi Ủy ban trung ương Đội thiếu niên tiền phong trực thuộc trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Lê-nin: "Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam... Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức. Khi chúng tôi nói với các em về cách mạng Nga, về Lênin và về các bạn - những chiến sĩ Lêninnít Nga nhỏ tuổi - thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn... học tập với các bạn, và để trở thành như các bạn - những chiến sĩ Lêninnít nhỏ tuổi (Bác Hồ với thiếu nhi - NXB Thanh Niên). Sau 30 năm xa Tổ quốc, trở về nước hoạt động cách mạng, Người lại càng chú ý quan tâm, chăm sóc, bồi dưỡng các cháu thiếu nhi. Ngày 21-9-1941, Bác có bài đăng trên báo "Việt Nam độc lập", số 106, bộc lộ rõ tình cảm của mình với trẻ em, Bác viết: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan", nhưng "Chẳng may vận nước gian nan", cho nên "Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa/ Vậy nên con trẻ nước ta/ Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh". Người khẳng định: "Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng". Khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Người đề nghị cho thành lập Hội nhi đồng cứu quốc để nhằm tạo điều kiện cho các em rèn luyện và đóng góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong bài thơ "Trẻ chăn trâu", Người viết: "Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/ Anh em ta mới có ngày vinh hoa/ "Nhi đồng cứu quốc" Hội ta/ Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh/ Ấy là bộ phận Việt Minh/ Dân mình khắc cứu dân mình mới xong"
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường, Người đã thể hiện tình cảm của mình một cách hết sức thân mật, trìu mến: "Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" (HCM toàn tập - T4). Ngày 15-9-1945, nhân dịp Tết Trung thu, Người lại có thư gửi các cháu thiếu nhi, Người như nhìn thấu được niềm vui của các cháu nhỏ trong ngày Tết Trung thu độc lập đầu tiên. Và niềm vui của các cháu cũng chính là niềm vui của Người: "Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao?". Và Người đã lý giải rằng: "Vì Bác rất yêu mến các cháu", vì bây giờ các cháu không còn là "một bầy nô lệ trẻ con" mà đã trở thành "những người tiểu chủ nhân của một nước độc lập". Một năm sau, trên báo Cứu quốc, số 239 ra ngày 14-5-1946, Người lại có những vần thơ mộc mạc nồng ấm nghĩa tình, đầy lòng mong mỏi: "Bác mong các cháu" cho ngoan/ Mai sau gìn giữ giang san Lạc-Hồng/ Sao cho nổi tiếng Tiên-Rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam". Làm theo lời Bác, các cháu thiếu nhi trên khắp mọi miền đất nước đã "tùy theo sức của mình, để tham gia kháng chiến và gìn giữ hòa bình". Bác lại luôn theo sát những việc làm, hành động hữu ích đó của các cháu để kịp thời động viên, khen thưởng. Tháng 8-1947, được tin hai em nhi đồng liên lạc trong bộ đội chiến khu II cũ có nhiều việc làm tốt, Bác đã có thơ khen ngợi: Gửi cháu Phạm Đỗ Hải: Bác được tin rằng/ Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Theo về bộ đội/ Thế là cháu giỏi/ Biết cách tuyên truyền/ Bác gửi lời khen/ Khuyên cháu gắng sức/ Học hành, công tác/ Tiến bộ luôn luôn/ Gửi cháu cái hôn/ Và lòng thân ái". Và với cháu nhỏ Lê Văn Thục, Bác cũng ngõ lời khen: "Cháu có can đảm/ Giơ súng dọa Tây/ Bắt nó hàng ngay/ Lấy được súng nó/ Vì thành công đó/ Bác gửi lời khen/ Khuyên cháu tập rèn/ Ngày càng tiến bộ/ Bác lại gửi cháu/ Mấy chục cái hôn" (HCM toàn tập - T4). Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh năm 1947, Bác có thư gửi nhi đồng toàn quốc, Bác ghi nhận những đóng góp, cống hiến và cả sự hy sinh của các cháu nhi đồng trên mọi miền đất nước, Bác viết: "... Từ Nam đến Bắc có nhiều nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc ... Bác cùng các cháu kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ thiếu niên đó". Còn với các cháu nhi đồng phải lạc cha rời mẹ, phải tản cư nơi núi rậm rừng xanh thì "Bác cùng các cháu, ta phải hết sức thương yêu, tìm cách giúp đỡ... Bác khuyên các cháu gắng sức thêm. Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm" (Theo cuốn "Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch" NXB Sự thật, HN, 1956, T1). Năm 1951, lúc cả nước ta đang bước vào cuộc chiến chống Pháp xâm lược một cách quyết liệt nhưng khi Tết Trung thu đến, Bác vẫn không quên gửi tới các cháu thiếu nhi những lời thơ thắm thiết tràn đầy tình cảm yêu thương: "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung". Lời thơ đơn sơ, mộc mạc mà âu yếm, gợi nhớ, gợi thương. Năm 1953, với tài thiên đoán, Bác như nhìn trước được sự thất bại của bè lũ thực dân và bọn can thiệp nên lòng Bác rất vui, niềm vui đó được lộ rõ trong thư gửi các cháu nhân Tết Trung thu 1953: "Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thư này Bác gửi thư chung / Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần...". Tài tình thay, kết thúc bài thơ, Bác tiên đoán rằng: "Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn". Quả thật, chưa bước vào mùa thu năm 1954, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bằng chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thế nhưng, với bản chất sen đầm quốc tế, đế quốc Mỹ đã đặt bàn chân xâm lược nhơ bẩn lên đất nước ta. Nửa nước yêu thương nằm trên gót dày đinh của kẻ thù tàn bạo. Dù cuộc chiến này có khốc liệt gấp trăm lần trận trước, nhưng Bác vẫn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội TNTP (15-5-1961), Bác khuyên nhủ thiếu nhi thực hiện tốt 5 điều Bác mong mỏi. Những điều đó sau này trở thành "Năm điều Bác Hồ dạy". Từ đó tới nay, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng luôn trở thành kim chỉ nam và là nội dung cho thiếu nhi Việt Nam phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Đặc biệt, trong những năm tháng khói lửa ác liệt của cuộc chiến tranh, lòng thương yêu vô tận của Bác vẫn hướng về các cháu thiếu nhi miền Nam, Bác đã có những vần thơ tha thiết nhớ thương nhưng vẫn sáng ngời một niềm tin lớn. Đó là niềm tin: "Bắc Nam sẽ sum hợp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt trẻ, già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi" (Gửi các cháu miền Nam - 1965). Đau thay, 4 năm sau chúng ta không còn Bác nữa. Mùa xuân 1975, Bắc Nam đã sum họp một nhà, dù vắng Bác nhưng trong tâm khảm mỗi một người dân đất Việt - nhất là các cháu thiếu nhi, hình bóng Bác thì đó mãi mãi còn. Đất nước này cùng với tên gọi Hồ Chí Minh luôn vĩnh hằng với thời gian, luôn ở trong niềm thương nỗi nhớ của mọi thế hệ thiếu nhi Việt Nam...