Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

2 trả lời
Hỏi chi tiết
332
1
1
doan man
06/06/2020 19:45:42

Cùng sinh ra trong bọc trăm trứng, cùng chảy chung trong mình dòng máu đỏ, cùng trải qua những năm tháng lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc, cùng có chung một mạch nguồn văn hóa cho nên đã từ lâu con người trên dải đất hình chữ S này đã biệt yêu thương, chờ che, đùm bọc lẫn nhau. Nó trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, truyền thống ấy đã được cha ông ta đúc kết rất nhiều trong kho tàng ca dao tục ngữ. “Thương người như thể thương thân” là một trong những bài học như thế.

“Thương người như thể thương thân” là câu nói ngắn gọn, tự nhiên nhưng chất chứa hàm ý sâu sa. “Thương người” nghĩa là biết yêu thương chăm sóc, quan tâm sẻ chia với những người xung quanh, với cộng đồng, xã hội. Còn “thương thân” là giữ gìn chăm sóc quý trọng bản thân mình. Hai vế được được trong quan hệ so sánh với nhau nhằm mục đích khuyên nhủ chúng ta rằng phải biết yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình, biết tôn trọng, đồng cảm bao dung giúp đỡ những người xung quanh khi ta có thể.

Tình yêu thương con người là tình cảm thiêng liêng tốt đẹp đậm chất nhân văn của con người Việt Nam. Cùng sinh ra trên mảnh đất hình chữ S thiêng liêng, tuy không cùng huyết thống nhưng mỗi chúng ta đều có chung một tiếng nói một dòng màu một màu da. Tất cả điều ấy đã khiến con người trở nên gắn bó để yêu thương đùm bọc chở che cho nhau. Hơn thế mỗi người sinh ra đều thuộc về một tập thể nhất định không ai có thể tồn tại đơn độc lẻ loi một mình. Chính vì vậy, khi chúng ta biết quan tâm yêu thương lẫn nhau, cùng nhau đoàn kết tiến bộ thì xã hội mới có thể phát triển lớn mạnh. Một xã hội sẽ trở nên đóng băng, cô độc và nhanh chóng tan rã nếu như không có hơi ấm của tình yêu thương Đặc biệt cuộc sống với bao bộn bề lo toan khi bình yên khi sóng gió ta luôn luôn cần đến sự quan tâm giúp đỡ của những người xung quanh. Cho nên khi ta biết cho đi tình yêu thì mới mong nhận được lại sự chia sẻ yêu thương từ người khác. Những kẻ ích kỉ vụ lợi chỉ biết sống vì mình thì mãi mãi sẽ sống cô độc và không bao giờ có được sự đồng cảm giúp đỡ khi gặp khó khăn trở ngại. Cuộc sống quanh ta còn biết bao mảnh đời bất hạnh đang cần những cánh tay yêu thương che chở từ đồng loại vì thế mỗi chúng ta luôn cần mang trong mình tấm lòng vị tha cao cả.. Giúp người cũng chính là cách để giúp mình được sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn với cuộc đời bởi mỗi khi làm được việc tốt chắc chắn tâm hồn của mình sẽ thanh thản và hạnh phúc hơn.

Tình yêu thương con người, tấm lòng tương thân tương ái được thể hiện ở nhiều khía cạnh cụ thể, sinh động. Trong chiến tranh, tinh thần đồng chí đồng đội gắn bó đầy yêu thương của những người bộ đội cụ Hồ chia nhau củ sắn, bát cơm, thậm chí có thể vì nhau mà sống chết là những câu chuyện cảm động cho con cháu thế hệ ngày nay. Những phong trào nhường cơm sẻ áo, hũ gạo cứu đói ở hậu phương cũng là biểu hiện sâu sắc tinh thần tương thân tương ái của dân tộc. Đến thời đại ngày nay, truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc vẫn được duy trì và phát huy. Gần gũi nhất là trong gia đình con cái biết yêu thương, tôn trọng, phụng dưỡng cha mẹ, anh em đoàn kết, biết đùm bọc thương yêu lẫn nhau, vợ chồng cùng nhau chia sẻ những tâm sự những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống, san sẻ gánh nặng công việc cho nhau. Tình yêu thương đôi khi xuất phát từ những điều gần gũi giản đơn mà ấm áp sâu sắc vô cùng. Hằng năm, những cuộc vận động ủng hộ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt liên tục được phát động, những ngôi nhà tình thương làng trẻ mồ côi được quan tâm xây dựng cũng đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Đặc biệt tấm lòng tương thân tương ái được giáo dục sâu rộng trong nhà trường với những bài học đạo đức về lẽ sống yêu thương dành cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Cùng với đó, mỗi chúng ta cũng cần phải biết lên tiếng phê phán trừng phạt đối với những kẻ vô lương tâm thờ ơ, lạnh lùng trước sự thống khổ, bất hạnh của người khác.

Tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giúp đỡ người khác phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, vô tư, tự nguyện. Sự cho đi không phải là sự bố thí hàm ơn và đòi hỏi được nhận lại. Của cho không bằng cách cho, hãy “thương người” theo đúng cách và đúng ý nghĩa của nó. Những hành động mang danh giúp đỡ người khác nhưng xuất phát từ lợi ích cá nhân, có sự toan tính vụ lợi thật đáng bị lên án. Ngoài ra, tấm lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ người khác dựa trên khả năng của bản thân, không vì người khác mà ảnh hưởng đến quyền lợi đáng có của mình.

câu tục ngữ “thương người như thể thương thân” là lời nhắc nhở chân thành mà sâu sắc cho mỗi người về đạo lí tương thân tương ái yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này sẽ mãi được lưu truyền cho hôm nay và cả mai sau.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Phạm Bảo Trâm
06/06/2020 22:02:37

Từ xưa tới nay, lòng nhân ái luôn là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Để nhắc nhở con cháu lưu giữ đạo lý tốt đẹp yêu thương, giúp đỡ mọi người, ông cha ta có câu “thương người như thể thương thân”.

Để hiểu rõ đạo lý sâu sắc ông cha ta gửi gắm, chúng ta cần cắt nghĩa được từng ý trong câu tục ngữ ngắn gọn, xúc tích. “Thương người” là sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh, nhất là những lúc họ gặp khó khăn. “Thương thân” tức là sự yêu quý, trân trọng chính bản thân mình. Từ đó có thể hiểu “thương người như thể thương thân” là yêu thương, đồng cảm và giúp đỡ những người xung quanh như yêu thương chính bản thân mình.

Từ câu tục ngữ “thương người như thể thương thân”, ông cha ta muốn nhắn nhủ tới tất cả chúng ta phải biết yêu thương, sẻ chia với mọi người, đặc biệt là trong lúc khó khăn, hoạn nạn, gặp trắc trở trong cuộc sống. Xa hơn nữa đó là sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Bởi lẽ, một cây làm chẳng nên non. Chúng ta đang sống trong một xã hội, một tập thể, một cộng đồng, ai rồi cũng sẽ có những lúc gặp khó khăn. Như thế, nếu biết yêu thương và giúp đỡ thì sẽ còn tạo nên một tinh thần đoàn kết, truyền thốn

Lòng nhân ái, yêu thương con người vốn đã được hun đúc và phát huy từ bao đời nay. Từ thời phong kiến, mỗi  năm những nơi bị hạn hán đều được nhà vua huy động phát lương thực cứu đói. Rồi trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, bao nhiêu người mẹ, người chị nơi hậu phương sản xuất, mang gạo ra tiền tuyến phục vụ chiến sĩ. Bao nhiêu thầy cô giáo trẻ tình nguyện lên miền núi, vùng sâu vùng xa để dạy chữ vì tình yêu thương đối với trẻ em thôn bản. Hàng năm, mỗi khi có bão lũ, nhân dân cả nước lại hường về đồng bào miền Trung, gửi lương thực, quần áo và cả sách vở…Đó đều là những ví dụ rõ ràng và thiết thực minh chứng cho tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta.

Trong xã hội ngày nay, có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận, là một nhóm người đã mắc bệnh “vô cảm”, thờ ơ khi gặp những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Đó là một bộ phận nhóm người cần được giáo dục lại về tư tưởng, đạo đức sao cho thấm nhuần lời răn dạy sâu sắc “thương người như thể thương thân”.

“Thương người như thể thương thân” là một đạo lý tốt đẹp, truyền thống quý báu của dân tộc ta. Câu tục ngữ nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh. Có như vậy, xã hội chúng ta mới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư