Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong đời sống hằng ngày, ta có thể nghe kể đến rất nhiều vụ việc cướp bóc, đánh nhau, chết ngạt do chen lấn xô đẩy. Những vụ việc trên xảy ra đều là do chúng ta không có ý thức kỉ luật dẫn đến những hậu quả đáng buồn. Kỉ luật luôn đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, giúp ta giữ vững kỉ cương Nhà nước và pháp luật.
Vậy kỉ luật là gì? Tất cả những điều gì mà chúng ta phải tuân theo để giữ gìn trật tự chính là kỉ luật. Người có kỉ luật là người làm việc gì ra việc đó, ngăn nắp, gọn gàng, biết chấp hành nội quy, luật pháp. Chính vì thế nên những ai có ý thức kỉ luật luôn được mọi người yêu quý, tôn trọng và ngược lại. Trong bất cứ một cộng đồng nào, một xã hội nào, dù lớn hay nhỏ đi chăng nữa, cũng cần phải có kỉ luật để đảm bảo lợi ích cho tập thể và cá nhân. Kỉ luật giúp ta giữ gìn an ninh trật tự, rèn luyện tính cẩn thận, ngăn nắp cho bản thân mình.
Vậy tại sao ý thức kỉ luật lại cần thiết trong đời sống? Bất cứ ở nơi đâu cũng phải có kỉ luật hay quy luật, kể cả trong thiên nhiên hay nơi con người tồn tại. Trong thiên nhiên, mọi vật phải hành động theo một quy luật đã được ấn định như mặt trời, mặt trăng phải quay theo một quỹ đạo nhất định để có thể phân định ngày đêm, năm tháng. Cây cối phải theo một quá trình : gieo hạt, nảy mầm, lớn lên, sinh hoa, kết quả. Hãy thử tưởng tượng bạn đang xếp hàng chờ mua đồ thì có một người vô ý thức kỉ luật chen ngang, bạn cảm thấy thế nào? Chắc hẳn không chỉ bạn mà cả hàng người đang đứng đều cảm thấy khó chịu, bực bội vì hành động “vô tình” kia. Một ví dụ nữa cho thấy kỉ luật là điều thiết yếu trong cuộc sống khi “thảm họa kép” vừa xảy ra ở Nhật Bản mà ai cũng biết qua đài báo. Động đất và sóng thần đã phá huỷ nghiêm trọng cả thành phố, khiến bao người bị nhiễm phóng xạ. Nhưng nếu người Nhật không có ý thức, lòng tự trọng và kỉ luật thì chắc chắn thiệt hại sẽ còn cao hơn nhiều, không ai lường được. Tại các thành phố lớn, khi động đất đang xảy ra, người ta thấy tại các cầu thang của những toà nhà cao tầng, từng đoàn người nối đuôi nhau đi xuống, không ai xô đẩy ai để giành đường chạy trước cho dù ai nấy mặt mày xanh như tàu lá chuối, đi không vững. Trong cảnh ngổn ngang vì nhà cửa sụp đổ, nhiều đám cháy xảy ra, hết khu phố này đến khu phố khác lần lượt bị mất điện, thế nhưng không xảy ra một vụ trộm cướp nào, nên cảnh sát không phải mất công đối phó mà dồn nỗ lực cứu giúp những người bị thương, hướng dẫn mọi người đến nơi tránh nạn. Từng hàng người vẫn ngay ngắn xếp hàng chờ được phát lương thực, nước uống tiếp tế mà không hề có một tiếng đôi co tranh giành. Nếu có một trận động đất tương tự xảy ra ở Việt Nam, chắc sẽ có cả nghìn người chết vì chen lấn, xô đẩy môt cách vô kỉ luật chứ không phải do thảm họa, thiên tai gây ra. Hay như trong giao thông chẳng hạn, nếu người ta không có kỉ luật, phóng nhanh vượt ẩu, thì hậu quả để lại sẽ là những tai nạn, thương vong đáng tiếc mà ta vẫn nghe, đọc hằng ngày trên báo chí, ti vi. Kỉ luật còn góp phần làm cho sinh hoạt hằng ngày của ta trở nên ngăn nắp, có tổ chức hơn. Nếu bạn làm đâu vứt đó, lấy cái này dùng rồi để lung tung, căn phòng của bạn có còn được gọi là “phòng” nữa không khi mà trông nó chẳng khác gì một cái ổ? “Người làm sao của chiêm bao làm vậy” – nếu bạn có ý thức kỉ luật, tự động dọn dẹp gọn gàng đồ đạc của mình thì nhà bạn trông cũng sáng sủa, đẹp đẽ lên hẳn! Kỉ luật còn được biểu hiện qua việc tự giác: tự giác làm bài tập, làm việc, tự giác tránh xa các tệ nạn, xã hội, … Một người có ý thức kỉ luật chắc chắn không phải là người tối nào cũng bị bố mẹ nhắc đi học bài, làm bài cả. Người có kỉ luật, biết tự giác càng không phải là người chỉ chực giám thị quay mắt đi là chép lấy chép để tài liệu mang vào phòng thi. Hậu quả của những việc vô kỉ luật đó là gì? Chỉ là cái đầu rỗng không kiến thức và một nhân cách không hoàn thiện trong xã hội mà thôi.
Kỉ luật mang lại cho chúng ta nhiều ích lợi, cả về tinh thần lẫn vật chất ích lợi về tinh thần là giúp ta hoàn thiện con người mình, tiến lên phía trước. Lợi về vật chất chính là giúp ta tiết kiệm tiền của, thời gian và sức lực. Chắc các bạn chẳng xa lạ gì với hiện tượng tắc đường vào giờ cao điểm ở các đô thị lớn của nước ta. Nếu ta coi thường kỉ luật, mạnh ai nấy đi, phóng nhanh vượt ẩu thì sẽ gây ra tai nạn nghiêm trọng đến đâu? Hoặc giả có không xảy ra tai nạn đi nữa thì dòng người lúc này cũng sẽ rất hỗn độn, người đi ngược, người đi xuôi, chưa chắc đến tối đã về được đến nhà. Việc đặt ra kỉ luật, hay quy luật đều là nhằm mục đích giữ gìn lợi ích chung của xã hội, tập thể, khiến ai cũng có lợi cả. Khi bạn đến một nơi công cộng (như rạp chiếu phim chẳng hạn) có ghi biển “Cấm hút thuốc”, mà bạn vẫn cố ý hút là đã trở thành hành động vô kỉ luật rồi. Nếu bạn không hút thuốc, phổi của bạn vừa không bị tổn hại mà những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, người già cũng không hít phải khói thuốc đầy những chất độc, vậy là cả hai bên cùng có lợi. Các bạn đã thấy kỉ luật có vai trò và ích lợi chưa nào?
Ý thức kỉ luật không phải bỗng nhiên mà có. Ta phải rèn luyện cho mình tính kỉ luật ngay từ hồi nhỏ, thông qua gương của người lớn mới mong có được tính cẩn thận, tự giác đến ngày hôm nay. Mong sao mọi người, dù già hay trẻ, đều có được tính kỉ luật để góp phần làm cho xã hội trở nên trật tự hơn.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |